Di tích lịch sử, văn hóa
Đình Cự Lộc
Tương truyền, bà Thánh Cả là vợ của một vị tướng thời nhà Trần (ông Đờn). Trong một trận đánh quân giặc Nguyên Mông, đội quân của ông Đờn bị quân giặc bao vây, kéo dài nhiều ngày, lương thực quân ta đã cạn. Khi hay tin, bà Ngô Thị Nương Nương rất lo lắng cho chồng. Đúng vào thời điểm này, bà đang mang thai vừa đủ tháng, đủ ngày. Sau một cơn đau dữ dội bà đã sinh ra một bọc có bốn quả trứng và từ giã cõi đời. Đang bị quân giặc vây hãm, bỗng chồng bà nghe tiếng chuông vang lên giữa chiến trường và như có tiếng vợ thúc giục “bớ lang quân, đã có thiếp dẫn đường”. Đúng lúc đó một bầy ong hàng vạn con xông vào quân giặc, làm chúng bỏ chạy tán loạn. Ông tướng Đờn vung kiếm chặt đứt đầu tên tướng giặc. Tin chiến thắng báo về triều đình, chồng bà được nhà vua ban thưởng lớn. Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông tâu với vua xin về thăm quê, thăm vợ. Về đến nhà ông mới biết vợ đã mất, bốn quả trứng bà sinh ra được bà con dân làng chăm sóc nở thành bốn người con trai khôi ngô tuấn tú. Ông Đờn đặt tên cho các con là Trường, Vũ, Trung, Minh, có nghĩa là tiếng chuông vang lên giữa chiến trường. Nhà vua hiểu rõ sự tình đã ban “Phúc thần” tặng cho vợ ông hai chữ “Nương Nương” để làm duệ hiệu thờ cúng. Bốn người con trai khi lớn lên cũng theo cha đi đánh giặc cứu dân, giúp nước. Đất nước yên bình, các con của ông Đờn, bà Cả trở về vùng đất Đại Đồng xưa. Các ông đã lập ra các làng: Cự Lộc, Thanh Ngoạn, Hoà Duyên, Phú Thượng mà ngày nay là các làng: Quang Trung, Hồng Thái, Lê Lợi, Phú Vinh. Dân các làng bấy giờ đã thề trung lưng đấu cật đời đời kết nghĩa ăn chạ với nhau và cùng chung thờ Thành Hoàng - bà Ngô Thị Nương Nương. Vì thế, hàng năm các làng đều có chung một ngày tế lễ là ngày 15 tháng 11 âm lịch (còn gọi là ngày giỗ tổ). Và ngày 12 tháng Giêng âm lịch là ngày chính giỗ của bà, dân chúng Đại Đồng lại tổ chức tế giỗ bà tại đình. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với thời gian, thiên tai khắc nghiệt nên tổng thể kiến trúc của đình không còn nguyên trạng, nhưng phần Tiền Đình - ngôi đình chính vẫn còn được lưu giữ.
Đình Cự Lộc là một trong các ngôi đình có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn. Đình cũng là nơi linh thiêng thờ Thành Hoàng của 4 làng. Và cũng tại chính nơi đây (năm 1947) đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ huyện Hoằng Hóa. Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đời sống tâm linh và chính trị, do đó, ngày 25-12-2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 4109/QĐ-UBND xếp hạng Đình Cự Lộc là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng Đại Đồng xưa và Hoằng Đồng nay trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Để tiếp tục phát huy truyền thống của một vùng đất địa linh nhân kiệt, nhằm khơi dậy ý chí tự lực tự cường, thể theo nguyện vọng của nhân dân, sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (v/v thoả thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật tu bổ di tích Đình Cự Lộc, xã Hoằng Đồng), xã Hoằng Đồng đã khảo sát, tiến hành trùng tu, tôn tạo theo hình thức phỏng nguyên trạng. Kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo là 3,4 tỉ đồng (chủ yếu do huy động đóng góp của nhân dân, con em xa quê, các bản hội cung tiến và hỗ trợ một phần ngân sách của địa phương). Chủ đầu tư do UBND xã Hoằng Đồng đảm nhiệm. Đơn vị thiết kế là Công ty CP Tư vấn xây dựng và Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Công ty TNHH xây dựng và thương mại Trường Thịnh là đơn vị thi công. Hiện nay, di tích đang được trùng tu và dự kiến đến tháng 10-2011 sẽ được khánh thành, kịp mở hội vào ngày giỗ của bà Ngô Thị Nương Nương. Để công trình nhanh chóng được hoàn thành, sớm đi vào phục vụ đời sống tâm linh của người dân, rất mong sự quan tâm, tạo điều kiện cuả các cấp, các ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm, công đức của bà con gần xa và du khách thập phương...
(Nguồn: baothanhhoa.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch