Di tích lịch sử, văn hóa
Đình Khả Lĩnh
Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ XIX nhân dân xã Đại Minh đã anh dũng, sát cánh cùng nghĩa quân Cần Vương đào hào, đắp luỹ xây thành chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Vào tháng 8/1945 cách mạng tháng 8 thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên đã được trịnh trọng treo trước cửa đình trong buổi lễ ra mắt chính quyễn lâm thời xã. Ngày mùng 06 tháng 1 năm 1946 nhân dân nô nức đến đình bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Vào năm 1960 gian đại bái của đình đã bị dỡ bỏ, ngày nay còn lại phần hậu cung có diện tích mặt bằng là 61,3m2, chiều cao của đình là 6m. Hậu cung được xây dựng bằng vật liệu gạch và vôi vữa được chia ra làm 03 gian thông, mái đình được lợp bằng ngói đỏ. Cửa vào đình gồm ba cửa trong đó có một cửa chính và hai cửa phụ.
Các vị được thờ tại đình: bài vị giữa thờ Cao Sơn Đại Vương thượng đẳng thần, bên trái là án Sát Đại Vương, bên phải là Vua con Đại Vương. Các bài vị được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, hoa văn trang trí đơn giản.
Phần phía gian bên phải còn thờ hai vị thuỷ thần là Quỳnh Hoa và Quế Hoa, bà là vợ của lạc tướng Minh Lang (thời Hùng Vương), người đã có công cùng Thánh Gióng đánh tan giặc ân cứu nước.
Hàng năm lễ hội được tổ chức hai lần vào mùa xuân vào ngày 6 -7 tháng Giêng và mùa thu ngày 11 đến 12 tháng 8 âm lịch. Phần lễ được cử hành vào buổi sáng trong khoảng hai tiếng đồng hồ, nghi lễ ngắn gọn. Trong lễ có phần hội được tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, ném còn...
Lễ hội Đình Khả Lĩnh
Đình Khả Lĩnh đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh theo quyết định số 244/QĐ - UB ngày 30/7/2004 và là niềm tự hào của bà con trong vùng.
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch