Di tích lịch sử, văn hóa

Đình Khinh Dao

Trong tổng số hơn 100 di tích lịch sử -văn hóa được công nhận cấp quốc gia tại Hải Phòng, đình Khinh Dao ở  xã An Hưng (An Dương) có quy mô kiến trúc, cảnh quan bề thế, trang trí nghệ thuật phong phú, là di sản quý của thành phố.

Bảo tồn nét kiến trúc thời Lê

 

Đình nằm ngay trên cánh đồng làng Khinh Dao, trên mảnh đất vuông vắn, phía trước có ao sen tạo không gian thoáng đãng, cảm giác thư thái cho du khách khi đến thăm, chiêm ngưỡng. Vào mùa hè, sen hồng nở rộ, tỏa hương thơm ngào ngạt khuôn viên đình. Đặc biệt, di tích bảo tồn được nhiều nét kiến trúc thời hậu Lê thế kỷ 18. Trước cửa đình trang trí cuốn thư lớn, trên có khắc một bài thơ chữ Hán. Đình có 2 cổng uy nghi, dáng dấp như một khải hoàn môn ở phương Tây, nhưng vẫn mang nét kiến trúc truyền thống phương Đông. Hai bên cột đồng trụ cả 2 mặt trong và ngoài đều đắp nổi câu đối bằng loại chữ đỉnh (khi viết có hình dáng như đỉnh hương).

 

Qua khoảng sân rộng là đến trước cửa đình. Đình Khinh Dao xây dựng theo kiểu chữ đinh truyền thống gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũ hài, đầu mái đắp hình đao cong kiểu rồng chầu phượng mớm, bờ nóc mái đắp hình đao cong kiểu rồng chầu mặt nhật. Đây thực sự là công trình kiến trúc đồ sộ, bởi quy mô của  lớp lớp cột cái, cột quân, kèo, xà thượng, xà hạ…trải khắp 5 gian bái đường. Toàn bộ hệ thống cột cái, cột quân đều đặt trên các chân tảng đá. Phần trên đục dải hoa văn ôm chân tảng. Nhờ có chân tảng cao nên các chân cột gỗ không bị ngấm nước, tạo độ bền vững cho công trình. Điểm đặc biệt nữa  của đình Khinh Dao là có 7 hiên đình bằng gỗ khá rộng bản, trang trí điêu khắc cầu kỳ với các đề tài hoa lá, rồng, mây…

 

Tòa hậu cung, nơi an tọa của thành hoàng làng, có quy mô 3 gian.Các vị thành hoàng được làng tôn thờ là Phạm Đình Trọng, cùng 6 vị thần thời Hùng Vương. Trong đó, thành hoàng Phạm Đình Trọng lúc sinh thời có nhiều công  với dân làng như dựng đình, làm văn từ, văn chỉ… So với gian tiền đường, hậu cung, có kích thước nhỏ hơn nhưng trau chuốt, duyên dáng. Tường hồi mái phía ngoài hậu cung cũng thể hiện mái đao cong, đắp nổi rồng chầu phượng mớm. Nhìn bên ngoài tường hồi mái trông giống như kiểu kiến trúc chữ nhị.  

 

Tôn thêm vẻ đẹp truyền thống

 

Trải qua thời gian, đình Khinh Dao không tránh khỏi sự xuống cấp. Để bảo tồn di tích này, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương, năm 2007, đình được tôn tạo, tu bổ bằng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương, tổng giá trị  khoảng hơn 11 tỷ đồng. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư, Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương là đơn vị thi công.

 

Xác định rõ vị trí, ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa của di tích, chủ đầu tư và đơn vị thi công bàn bạc, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, thi công công trình đạt hiệu quả cao nhất về kỹ, mỹ thuật. Đến đầu năm 2011, công trình tu bổ, tôn tạo đình Khinh Dao hoàn thành, đưa vào sử dụng, gồm: đại đình diện tích 328m2, phương đình: 46m2, hai cổng và bình phong, sân vườn, một số hạng mục công trình phụ trợ, tường rào.

  

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã An Hưng Lưu Văn Hoan cho biết: “Địa phương tích cực vận động nhân dân bảo vệ, gìn giữ các di vật quý mà đình bảo tồn được. Đó là một số đồ thờ tự như nhang án, bát biểu, đại tự, câu đối, ngai thờ, kiệu bát cống.

 

Trước Cách mạng Tháng 8, lễ hội đình làng được tổ chức một năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Trong đó, tháng 3 là lễ hội chính, được thực hiện đầy đủ các nghi thức. Một trong những nghi trọng tâm của lễ hội đình là rước bài vị thành hoàng làng từ các miếu tập trung về làng, sau đó tổ chức tế. Bên cạnh phần tế lễ, trong lễ hội còn có rước lợn ông Bồ. Theo quy định của làng, người nào nhận ruộng lộc điền thì năm đó phải nuôi lợn ông bồ, góp rượu, hoa quả cho lễ hội. Hiện, tại bậc thềm gian trung tâm của đình vẫn còn dấu tích của loại thước để đo kích thước lợn. Vào những năm được mùa, phần hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như hát xướng, vật, cờ, chọi gà. Ngày nay, lễ hội đình làng vẫn được duy trì với đầy đủ nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian. Tuy nhiên, nghi thức rước lợn ông Bồ chưa được khôi phục.

 

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nay nằm cạnh  khu công nghiệp hiện đại của thành phố, khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, đình Khinh Dao với vẻ cổ kính, độc đáo về kiến trúc, là điểm di tích văn hóa hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan tìm hiểu. Dân làng Khinh Dao đã, đang và sẽ cùng nhau gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa này cho muôn đời sau.
Nguồn: Báo Hải Phòng

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *