Di tích lịch sử, văn hóa
Đình La Uyên
Đình La Uyên được gọi theo tên làng, thuộc làng La Uyên - xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ Thành phố Thái Bình đi theo quốc lộ 10 về phía Nam Định, đến gần ngã tư La rẽ tay phải vào thôn La Uyên, Đình nằm cạnh đường liên xã, cách Trung tâm Thành phố khoảng 8km về phía Tây
Đình La Uyên được gọi theo tên làng, thuộc làng La Uyên - xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ Thành phố Thái Bình đi theo quốc lộ 10 về phía Nam Định, đến gần ngã tư La rẽ tay phải vào thôn La Uyên, Đình nằm cạnh đường liên xã, cách Trung tâm Thành phố khoảng 8km về phía Tây. Đình La Uyên có kiến trúc là tòa bái đường năm gian còn khá nguyên vẹn, được xây theo kiểu “Hồi văn ngũ đấu” kìm đại bờ và kìm bờ cánh đều có đắp hoa văn lá lật hóa rồng. Trong nội thất đình, hệ thống sáu vì kèo được chạm trổ hoa văn tinh xảo, các đấu đỡ chạm dạng đấu hình hoa sen, theo kiểu “Thượng giá chiêng đấu sen. Hạ chồng rường lá lật”. Các ghé đỡ từ cột cái ra cột quân đỡ xà nách đều chạm hoa văn lá lật. Các đầu dư đỡ xà thượng được chạm thành hình đầu rồng và hình con nghê uốn cong mình.
Đình La Uyên hiện còn 3 tấm bia cổ đã mờ hết chữ nên không biết chính xác ngôi đền được xây dựng từ khi nào. Căn cứ vào nghệ thuật kiến trúc cũng như chạm khắc còn lưu lại của ngôi đình, các nhà nghiên cứu nhận định di tích được xây vào đời vua Thành Thái của triều Nguyễn (1904). Tuy nhiên, theo thần tích lưu lại đình thì Đình La Uyên xã Minh Quang thờ một vị thần thời Hùng Vương có duệ hiệu theo như Sắc phong thần là Uyên Dung Quảng Bác Đại Vương, họ tên thần là Đỗ Phụng Trân. Vào đời Hùng Vương thứ 6 tại đất Hồng Châu có một nhà họ Đỗ tên là Huân, vợ là Trương Thị Chước, vốn là dòng dõi thi lễ, sống tu nhân tích đức. Khi vợ chồng Đỗ Huân đã xế chiều mà vẫn chưa có mụn con để nối dõi tông đường nên rất phiền muộn, hai vợ chồng thiết nghĩ chi bằng đem tiền của nhà ra làm những điều phúc đức cho đời, biết đâu trời rủ lòng thương mà ban cho một đứa con. Sau khi thống nhất, hai vợ chồng càng tích cực làm nhiều điều thiện. Một đêm trăng thanh gió mát, hai vợ chồng Đỗ Huân bày tiệc rượu trước hiên nhà ngồi thưởng ngoạn, đang lúc hai vợ chồng nói chuyện vui vẻ, chợt thấy một con Ngô công (con rết) từ trên trời rơi xuống chiếu chỗ ông Đỗ Huân ngồi, ông định đánh bắt thì con rết tự nhiên biến mất. Thấy sự lạ, hai ông bà Đỗ Huân không biết sự tình lành dữ thế nào bèn lập đàn cầu đảo trời đất nhờ chỉ rõ hay, hung, nguyện suốt đời phụng sự công đức. Lễ xong hai ông bà mệt quá vào thư phòng nghỉ ngơi, thiếp đi trong giấc mơ thấy bắt được một viên ngọc khuê, từ đó bà Đỗ Huân thụ thai. 12 tháng trôi qua, ngày 09/08 năm Mậu Tuất, bà Đỗ Huân hạ sinh một người con trai diện mạo khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Phụng Trân, càng lớn Phụng Trân càng tỏ ra là người tài đức vẹn toàn, thông minh xuất chúng, sức lực hơn người mọi người đều cho là Thánh xuất thế. Năm Phụng Trân 18 tuổi, hai cha mẹ lâm bệnh qua đời, ông vô cùng đau xót, khóc lóc thảm thương, tìm nơi cát địa an táng cho cha mẹ. Sau ba năm hương hỏa phụng thờ để tang cho cha mẹ xong, Phụng Trân thường đi du ngoạn trong thiên hạ để thăm thú danh lam thắng cảnh giải nỗi buồn u uẩn trong lòng. Ông tham gia dạy học cho nhân dân khắp trong một vùng lớn gồm các trang: Phú Lễ, La Điền, La Uyên Thượng Điền và Khê Cầu.
Cũng vào thời gian này, nước ta có giặc nhà Ân kéo sang xâm lược, thế giặc mạnh như nước vỡ bờ khiến cho quân ta ở biên thùy không chống đỡ nổi phải cấp báo về triều đình cầu người hiền tài đứng ra giúp nước. Được quan sở tại và dân chúng tiến cử, Đỗ Phụng Trân vâng mệnh vua đem theo quân lính cùng các gia nhân đi đánh giặc, hai bên tranh nhau từng tấc đất xong vẫn chưa phân thắng bại. Nhân lúc đó tại hương Phù Đổng có cậu bé suốt ba năm sinh ra không nói năng đi lại được, khi thấy sứ giả đi cầu hiền tài giúp nước bỗng dưng lớn phổng nói sứ giả chuẩn bị roi, ngựa, áo giáp sắt để đi đánh giặc, đó chính là Thánh Gióng. Thấy thiên tướng xuất hiện, Phụng Trân và quân lính liền hợp sức đánh tan giặc Ân, đem lại thanh bình cho muôn dân. Sau khi dẹp tan quân xâm lược, Đỗ Phụng Trân cùng các gia nhân, gia tướng quay về đất Hồng Châu bái yết tiên tổ và vong linh song thân phụ mẫu rồi tự nhiên Phụng Trân biến mất. Các gia nhân, gia tướng làm biểu tâu lên triều đình, nhà Vua xuống chiếu phong Đỗ Phụng Trân làm Uyên Dung Quảng Bác Đại Vương.
Đền đáp công đức của ông, dân làng của 5 trang là Phú Lễ, La Điền, La Uyên, Thượng Điền và Khê Cầu, đã lập đền thờ ông. Hiện nay, theo thời gian, đình La Uyên không còn giữ được nguyên vẹn như ban đầu nhưng di tích vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ kế cận của làng. Đình La Uyên đã được UBND tỉnh cấp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và cần được nâng cấp bảo vệ.
(Nguồn: www.thaibinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch