Di tích lịch sử, văn hóa
Đình Long Hưng
Đình Long Hưng tọa lạc tại ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho 12 km về hướng Tây, từ ngã ba Trung Lương đi đến cầu Long Định rẽ trái vô 2,5 km.
Đình được xây dựng cách đây hơn 160 năm, lúc đó được gọi là Miễu Chánh để thờ cúng các vị Thành Hoàng Bổn Cảnh, những người có công lập làng, lập ấp. Ngoài ra, đình còn thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt - một công thần của triều Nguyễn, tượng và bức chân dung của Ông được đặt trong đình và đình còn giữ nguyên bộ ván (2 tấm), tương truyền đây là bộ ván mà Lê Văn Duyệt thường ra đình nằm ngủ, người ta thấy Ông hóa thành con cọp trắng trong lúc ngủ say. Đình Long Hưng là nơi Ủy ban khởi nghĩa Nam Kỳ chọn làm Tổng hành dinh, trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Tại đây, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được treo cùng cờ búa liềm đã tung bay phất phới ngày 23 tháng 11 năm 1940. Từ những năm 1927-1929, Long Hưng đã có tổ chức Cách mạng đồng chí hội; năm 1930, Long Hưng là xã đầu tiên có Chi bộ Đảng ở Tiền Giang.
Đến với di tích đình Long Hưng, quí khách sẽ được nghe những sự kiện lịch sử quan trọng, những mẫu chuyện về các vị cách mạng đã làm rạng danh Long Hưng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ như: bốn đồng chí Giác, Ghè, Quới, Huân khi bị giặc Pháp bao vây ác liệt, các đồng chí đã chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, biết không thể thoát khỏi vòng vây và quyết không để rơi vào tay giặc các đồng chí đã dùng gươm cắt cổ tự sát; trong chống Mỹ, nữ anh hùng Lê Thị Hồng Gấm, anh hùng Hồ Văn Nhánh cũng đã sinh ra trên mảnh đất anh hùng này.
Năm 2005, tỉnh Tiền Giang khánh thành khu di tích đình Long Hưng. Ngôi đình mới dựng lại khá lớn và khang trang. Tại đây vẫn còn cây bàng cổ thụ đã từng được cắm lên ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên. Bên phải đình là nhà cổ Nam bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và Nhà trưng bày hiện vật lịch sử về cuộc khởi nghĩa năm 1940, bên trái đình là nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Long Hưng, tất cả được định vị một cách hài hòa trong khuôn viên rộng lớn với thảm cỏ xanh tươi và nhiều loại cây xanh kiểng cổ quí hiếm.
Kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23 tháng 11 hàng năm) được xem là ngày hội lớn nhất Long Hưng; đến đây, chúng ta sẽ được nghe các cựu chiến binh kể về truyền thống Long Hưng, có dịp nhìn thấy lại hào khí Nam Kỳ.
(Nguồn: tiengiang.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch