Di tích lịch sử, văn hóa
Đình Long Thành
Đình Long Thành thuộc xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, đuợc xây dựng năm Tự Đức thứ 36 (1883). Ngôi đình thờ Thành Hoàng Trần Văn Thiện.
Ông Trần Văn Thiện là người giúp dân khai khẩn, lập nghiệp và giữ đất. Suốt 40 năm, ông cùng với nhân dân lập thành vùng đất "Ngũ Long" (Long Giang, Long Chử, Long Thuận, Long Khánh, Long Thành) tao nên một dải đất chạy dọc theo lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, chạy từ Cẩm Giang qua thị xã Tây Ninh đến tận Vàm Trảng Trâu, Lò Gò. Để ngày nay ngược xuôi Vàm Cỏ Đông và những kênh rạch về chợ Cầu – Bến Cầu, Bến Kéo, với những cánh đồng lúa vàng tăng vụ, ánh lên màu tím hoa lục bình nhấp nhô sóng nước.
Để tưởng nhớ đến những công lao đó, khi ông mất, nhân dân vô cùng thương tiếc đã chôn cất ông tại Bến Kéo – Và Triều đình Huế đã cho phép dân chúng trong vùng cất đình để thờ ngài và có sắc phong "Thành Hoàng bổn cảnh" Tự Đức tam thập lục niên.
Đình Long Thành tọa lạc trên khuôn viên thoáng mát rộng 6.040m2, được xây cất theo kiến trúc đặc trưng của các ngôi đình Nam Bộ, trước sân bàn thờ Thần nông. Trên nóc đình là những hình ảnh quen thuộc được đắp nổi hai rồng theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt", loại rồng thời Nguyễn thế kỷ 19 nổi bật trên nền sơn son là chữ "THẦN" thếp vàng. Các họa tiết trang trí được chạm khắc hoa dây xen kẽ tứ linh, cùng với các bày trí câu đối biểu lộ sự tôn vinh Thành Hoàng bổn cảnh và cầu mong phù hộ cho quốc thái dân an.
Hàng năm vào ngày 18 tháng 3 âm lịch lễ hội Kỳ Yên, nhân dân quanh vùng đến viếng rất đông để nhớ về các vị Tiền hiền – Hậu hiền có công mở đất và giữ đất.
Di tích đình Long Thành được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số : 1430/QĐ-BT ngày 12/10/1993
(Nguồn: tayninh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch