Di tích lịch sử, văn hóa
Đình Nhật Tân
Tướng Uy Linh Lang là con Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu. Ông là người học rộng tài cao, đức trọng, xa gần đều khen. Đến thời Trần Nhân Tông, tướng giặc là Toa Đô đem 40 vạn quân chia làm hai đường thủy, bộ tiến vào đánh nước ta. Ông đành dâng biểu bày kế sách dẹp giặc ngoại xâm, tự tin đem giá binh đi đánh giặc. Vua khen Uy Linh Lang có chí lớn và đồng ý. Ông liền tập hợp muôn hạ, chiêu tập quân sỹ dưới cờ hơn vạn người. Ông gọi đội quân của mình là Thiên tử quân, tiến đánh quân Nguyên ở Bình Than và đại thắng. Vào giờ Ngọ ngày mùng 8 tháng 8 năm Bính Tý, tướng Uy Linh Lang bị bệnh nặng và qua đời. Vua và bàn dân thiên hạ thương xót lắm, lập tức xây ngôi đền ở chỗ ông qua đời để thờ, gọi là đền Nhật Chiêu, sắc phong là Hiển Minh Đức.
Đình Nhật Tân xưa được gọi là đền Nhật Chiêu, đến triều Khải Định đổi thành Nhật Tân. Sau này đình Nhật Tân được xây lại theo kiểu chữ Tam: có ba gian đình thượng, bảy gian đình trung, bảy gian đình hạ và hai ngôi tảo mạc hai bên. Căn cứ vào tấm bia cổ nhất còn lưu lại trong đình, có thể xác định thời gian xây dựng đình là năm 1613, dưới thời Trịnh Tùng. Gần 400 năm trôi qua, đình Nhật Tân được sửa chữa rất nhiều lần nhờ lòng hảo tâm công đức ủng hộ của nhân dân xa gần, một phần khác do kinh phí của các cơ quan đoàn thể chuyển xuống.
Trong đình còn giữ được 36 đạo sắc phong cho thành hoàng làng Uy Linh Lang Đại Vương qua các thời đại. Ngoài ra, đình còn có các di vật thời Lê như long ngai có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao. Những hoành phi câu đối uy nghi: Nhật Điện Uy Linh - Điện Nhật Chiêu Uy Linh. Đông A hiển thánh thanh hiệu thiên cổ - Tam quốc phong trần điện Nhật Chiêu.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch