Di tích lịch sử, văn hóa
Đội du kích Cổ Văn
Ngày 5/5/1945, một bộ phận cán bộ Tây tiến gồm các đồng chí Nông Văn Đích (Đội Anh), Lê Văn Hưu (Đội Minh), Bế Hoắc (Đội Hà), La Văn Tần (Đội Lý) cải trang làm lái buôn được bà lái Nhật là giao liên của cách mạng dẫn đường, cắt rừng qua Hàm Yên - Tuyên Quang tới Cổ Văn - Mường Lai bắt liên lạc với giáo học Sầm Văn Châu - một cán bộ nằm vùng. Do được ông giáo Châu giác ngộ cách mạng từ trước nên ông Phó tổng Thả (Nghiêm Văn Tuân) đã đón cả đoàn về nhà mình ở để tránh tai mắt dòm ngó của kẻ địch. Người thanh niên dân tộc Tày Hoàng Triều Cống lúc này đang làm thư ký cho ông Phó tổng Thả được đồng chí Đội Anh giao nhiệm vụ vận động thanh niên trong làng, bản đi làm cách mạng. Sáng ngày 6/5/1945 đội công tác đã cùng đồng chí Sầm Văn Châu bí mật tiếp xúc với ông Chánh tổng Hoàng Văn Sáu (Chánh Phấn). Sau khi nghe tuyên truyền giác ngộ cách mạng, ông Chánh Phấn đã gửi sức giấy gửi cho các lý trưởng ở các xã kêu gọi không làm việc cho Tây, ủng hộ cách mạng. Công văn có đoạn viết: "… Tôi là Chánh Phấn, Chánh tổng tổng Lịch Hạ cùng với Phó tổng Thả tức Nghiêm Văn Tuân đã bàn bạc thoả thuận cùng nhau đi theo cách mạng Việt Minh, bắt đầu từ nay ngày 6/5/1945 trở đi từ bỏ việc quan đi làm cách mạng, phá kho thóc của Nhật chia cho dân, không đi phu, đi lính cho giặc Pháp, giặc Nhật, chống không trồng đay, trồng thầu dầu cho Nhật …"
Đêm ngày 9/5/1945, tại khu rừng Sim Cổ Văn, (sau khu nhà của ông Nghiêm Văn Tuân) lãnh đạo chủ chốt của Đội du kích Cổ Văn đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ toạ của đồng chí Đội Anh, gồm có các ông Đội Minh, Đội Hà, Đội Lý và các ông phó tổng Thả, Lý Thương, Hoàng triều Cống, Nông Văn Liên, Hoàng Văn Bình, Phan Văn Học đã thống nhất nội dung chương trình hoạt động của đội du kích là:
- Tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân, thành lập đội du kích vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, súng đạn, vũ khí cho đôi du kích. Luyện tập quân sự chuẩn bị giúp chính quyền ở châu Lục Yên.
- Giao cho các ông Hoàng Triều Cống, Nông Văn Liên, Hoàng Văn Bình vận động thanh niên tham gia vào đội du kích vũ trang tuyên truyền.
- Giao cho ông Phó tổng Thả, Lý Thương mở kho thóc của Nhật chia cho nông dân, vận động nhân dân ủng hộ lương thực vũ khí cho đội du kích.
Đêm ngày 12/5/1945, tại nhà ông Lý Thương nông dân tập trung rất đông để nghe cán bộ cách mạng nói chuyện. Tại đây, ông Nghiêm Văn Tuân (Phó tổng Thả) được giao nhiệm vụ đứng lên kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh chống Pháp, kêu gọi thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, ai có súng, có dao thì ủng hộ cách mạng hoặc cho mượn. Nhân dân rất phấn khởi, khí thế cách mạng dâng cao, đội du kích từ 7 người lên tới 17 người rồi 24 người được biên chế thành hai tiểu đội. Đồng chí Hoàng Triều Cống làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1, đồng chí Vi Văn Thiết làm tiểu đội trưởng tiểu đội 2. Đội du kích ban ngày thì lên rừng luyện tập quân sự, tối chia nhau đi vận động quần chúng nhân dân ủng hộ cách mạng, viết truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền đánh đuổi giặc Pháp, giặc Nhật, giành lại hoà bình độc lập, người cày có ruộng. Đội du kích sau một thời gian luyện tập và tuyên truyền, nắm tình hình địch, ngày 4/7/1945 đội nhận được lệnh lên đường giải phóng Châu Lục Yên để phối hợp với toàn tuyến Tây Bắc.
Ngày 5/7/1945 đội du kích Cổ Văn xuất quân xuôi xuống Làng Giàng (Xuân Long) rồi từ đây ngược lên theo đường ven bờ Sông Chảy tiến về châu lỵ Lục Yên.
Ngày 7/7/1945, đội du kích bắt được quan châu Trần Lê Nghiêm đang cùng vợ con đi mảng xuôi về Yên Bái. Đội Anh một mặt ra lệnh cho toàn đơn vị khẩn trương bí mật tiến về bao vây đồn Lục Yên một mặt của đồng chí Hoàng Triều Cống mang thư của Việt Minh và của quan tri châu Trần Lê Nghiêm vào dụ hàng địch trong đồn. Ngày 8/7/1945, đồng chí Hoàng Triều Công mang thư dụ hàng vào đồn gặp quan quản đồn. Trước khí thế của cách mạng, lại hoang mang vì quan châu đã bỏ đồn về xuôi nay lại nhận được thư dụ hàng của Việt Minh và của chính quan châu, quản đồn đã lệnh cho binh lính hạ vũ khí và trao đồn cho quân cách mạng. Châu Lục Yên hoàn toàn giải phóng, quản đồn và một số binh lính giác ngộ cách mạng đã xin ra nhập đội du kích Cổ Văn.
Ngày 10/7/1945, Uỷ ban kháng chiến lâm thời huyện Lục Yên ra mắt nhân dân. Chủ tịch là ông Quản Đoàn, Phó chủ tịch là ông Hoàng Văn Lợi, Uỷ ban lâm thời châu lỵ (xã Trần Phú) cũng được thành lập do ông Trường Cừ là Chủ tịch, ông cả Mỵ làm Phó chủ tịch. Sau này bọn phỉ quản gián đã giết chết rất dã man ông Cừ, ông Lê và ông Lực. Sau khi giải phóng châu Lục Yên, tham gia thành lập Uỷ ban kháng chiến lâm thời huyện và xã, đội du kích Cổ Văn trở về căn cứ để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới tại vùng chiến khu. Tại đây diễn ra cuộc mittinh lớn của đông đảo đồng bào chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Lúc này quân số của dội du kích đã lên đến 200 người. Sau hơn 3 tháng học tập, huấn luyện, đội du kích Cổ Văn được lệnh chia làm 3 bộ phận: một bộ phận hướng tiến đánh bọn phỉ, quản ván ở Mường Lèng, Tân Yên, Bắc Quang. Một bộ phận hướng ngược dòng Sông Chảy sang phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng Phố Ràng - Bảo Yên, thị xã Nghĩa Lộ, Văn Bàn, Than Uyên. Một bộ phận ở lại phát triển khu căn cứ, mở rộng địa bàn hoạt động xuống vùng chợ Ngọc (Yên Bình), thông tiến xuống Yên Bái. Đội du kích Cổ Văn sau hợp với bộ đội chủ lực đi khắp các chiến trường tham gia nhiều chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Nhiều chiến sĩ trong đội do có lòng dũng cảm, thông minh mưu trí nên được anh em trong đơn vị suy tôn bằng những cái tên trìu mến như: ông tướng cầm cờ Nông Văn Liên, có người bọn giặc nghe thấy tên đã hoảng sợ như Cai Thiết, Cai Bộ, có người được truyền tụng như một nữ tướng Nguyễn Thị Tuyết Mai, ông Hoàng Triều Cống được ca ngợi tay không cướp đồn giặc.
Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, dân tộc ta đã đi vào lịch sử. Thời gian cứ dần trôi đi trong bộn bề công việc xây dựng và tái thiết đất nước, những chiến sĩ trẻ ngày nào mới ra nhập đội du kích Cổ Văn, ngày nào tay không vào đồn dụ hàng giặc, ngày nào tung hoành tiễu phỉ, cướp đồn giặc, chống càn, diệt ác, phá kìm đánh đông dẹp bắc nay đã bước sang tuổi thất thập nhiều người không còn nữa, người ta cũng dần lãng quên đi.
Cuộc sống đang từng ngày thay da đổi thịt trên quê hương căn cứ du kích Cổ Văn - Mường Lai. Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu cao quý: "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đảng bộ và nhân dân xã Mường Lai. Chúng ta tự hào về những chiến sĩ áo Chàm, những con người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, cầm súng chiến đấu góp phần giải phóng quê hương, những người đã từng làm cho kẻ thù phải khiếp vía kinh hồn, những người đã góp công lao không nhỏ vào cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam giành lại độc lập tự do cho đất nước, ngày hoà bình họ lại là những người nông dân cần cù hai sương một nắng lao động sản xuất xây dựng làng bản quê hương. Đảng bộ và nhân dân lục Yên mãi mãi biết ơn và ghi nhận những chiến sĩ Cổ Văn. Hình ảnh những người chiến sĩ áo chàm sẽ sống mãi trong lòng nhân dân các dân tộc Lục Yên./.
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch