Di tích lịch sử, văn hóa
Đồn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm
Chiến thắng Sông Thao gồm: Đồn Đại Phác, xã Đại Phác; Đồn Đại Bục, xã An Thịnh; Đồn Gióm, xã Đông An (Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
- Đồn Đại Phác: xã Đại Phác, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nằm ở toạ độ 104°23’ - 104°60’ kinh Đông, 21°35’ - 22°10’ vĩ Bắc thuộc thôn Đại Phác (xưa gọi đồi làng trang tiếp tày) (dịch ra là đồi ở giữa trung tâm). Đồn nằm sát ngay trụ sở UBND xã Đại Phác, cách trung tâm huyện lỵ Văn Yên khoảng 4km đường chim bay về hướng Đông, thuộc tả ngạn sông Hồng.
Quý khách đến di tích theo chỉ dẫn dưới đây đến thuận lợi bằng ô tô, xe máy. Qua cầu Mậu A đi trên đường độc đạo liên xã thảm bê tông, qua xã An Thịnh đến trụ sở UBND xã Đại Phác là đến di tích.
Nếu đi đường sắt Hà Nội - Lào Cai và ngược lại quý khách xuống ga Mậu A đi vào di tích bằng ô tô, xe máy tương tự chỉ dẫn trên đều thuận lợi.
- Đồn Đại Bục: xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cách Đồn Đại Phác 2km về hướng Bắc thuộc toạ độ 21° 35’ - 22°10’ vĩ Bắc, 104°23’ - 104°60’ kinh Đông, Đồn nằm trên gò Đồn Đại Bục tiếng Tày gọi là Đồn Bản Pục thuộc thôn Làng Lớn (xưa gọi là Mương Pục )
Cách trung tâm huyện lỵ Văn Yên (Mậu A) 3 km đường chim bay về hướng Tây tả ngạn sông Hồng. Đường bộ, đường bê tông và đường đất khoảng 6km về hướng Tây. Cách trụ sở UBND xã An Thịnh 1km về hướng Tây Nam.
Quý khách có thể đến di tích theo chỉ dẫn dưới đây đến thuận lợi bằng ô tô, xe máy qua cầu Mậu A trên đường Mậu A, An Thịnh đến chợ trung tâm rẽ trái khoảng 1km qua cánh đồng Đại Bục là đến di tích. Nếu đi từ Đại Phác ra rẽ qua thôn cây đa khoảng 1km hướng Đông Bắc qua cánh đồng Đại Bục là đến di tích.
Nếu đi đường sắt Hà Nội - Lào Cai và ngược lại quý khách xuống ga Mậu A đi vào di tích bằng ô tô, xe máy tương tự như chỉ dẫn trên đều thuận lợi.
- Đồn Gióm: xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cách UBND xã khoảng 1,5km về hướng Tây Bắc, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 14km theo hướng Tây.
Quý khách có thể đến di tích theo hai con đường bằng ô tô, xe máy theo quốc lộ: Yên Bái đi khe Sang đến trụ sở UBND xã Đông An rẽ trái khoảng 1,5km qua cầu treo Ngòi Gióm làng Chèm là đến di tích, ngoài ra quý khách còn có thể theo quốc lộ 32 C Qui Mông - Đông An đến làng Chèm là đến di tích. Di tích nằm ngay bên cửa Ngòi Gióm.
Sự hình thành của ba đồn Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm :
Năm 1947, Pháp thực hiện âm mưu tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc của chúng ta.
Tháng 9/1947, chúng mở cuộc tấn công lên miền Tây Bắc tỉnh Yên Bái sau khi chiếm đựơc Nghĩa Lộ và một số xã thượng huyện Trấn Yên.
Ngày 28/9/1947 chúng chiếm Dương Quỳ (Văn Bàn), chiếm đóng Bảo Hà, đánh chiếm Vực Tuần, Chấn Thịnh (Văn Chấn )
Ngày 2/10/1947 địch chiếm Thượng Bằng La, Vần, Dọc (Trấn Yên )
Ngày 8/10/1947 địch chiếm đóng Nghĩa Lộ, chiếm Hưng Khánh, Ngòi Lao, Thanh Bồng, Vân Hội, Đại Lịch, Bình Thuận, Quy Mông, tiến sát tới Âu Lâu
Ngày 12/10/1947 quân Pháp tiến công thượng huyện Trấn Yên, lựa chọn địa điểm có lợi, chiếm đóng 3 Đồn Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm nhằm án ngữ hành lang phía Tây tấn công sang Việt Bắc. Đồng thời chúng lập chính quyền và xây dựng chính quyền bù nhìn phản động. Đến cuối tháng 10/1947 quân Pháp chiếm Văn Bàn, Phong Du, Châu Quế kiểm soát hầu hết vùng Tây Bắc và phần lớn vùng Đông Bắc, tạo sức ép vào cứ địa Việt Bắc của ta. Từ đây phong tuyến sông Thao của địch đã hình thành, với một hệ thống đồn bốt dầy đặc kéo dài từ Nghĩa Lộ - Văn Bàn, phối hợp với lực lượng địch ở Chiêm Hoá - Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn tạo những gọng kìm khép chặt căn cứ địa Việt Bắc. Đồng thời ngăn chặn ta mở rộng sang Tây Bắc. Sau khi chiến thượng nguyên Trấn Yên, quân Pháp đã chọn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm để xây dựng đồn bốt, khống chế các khu vực trọng yếu. Chúng thường xuyên tổ chức càn quét, lùng sục, tìm bắt cán bộ ta và vơ vét của cải, lương thực của dân, bắt dân đi phu lao động xây dựng đồn, bốt làm hàng rào. ..
Trong thời gian quân Pháp chiếm đóng ở địa phương Tỉnh uỷ Yên Bái chỉ đạo xây dựng, củng cố các đội du kích vừa tuyên truyền vận động xây dựng tiêu thổ kháng chiến, vừa tích cực phục kích, tập kích các toán quân tuần tiễu, càn quét của địch, gây cho địch nhiều tổn thất. Thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng.
Đầu năm 1948, liên khu 10 dùng 2 trung đoàn bộ binh và một số đơn vị hoả lực pháo binh tấn công vào vùng địch đang chiếm đóng ở hữu ngạn sông Hồng.
Đêm 6/1/1948 ta đánh chiếm 3/4 đồng đồng bằng diệt 26 tên, có 5 tên Pháp, ngày 7/1/1948 quân Pháp bỏ đòn tháo chạy
Từ 8/1/1948 đến cuối tháng 1/1948 bộ đội và du kích Đại Đồng, du kích các xã vừa đánh độc lập, vừa đánh phối hợp trên 35 trận, loại khỏi vòng vây 200 tên địch, làm cho quân địch hoang mang lo sợ, buộc chúng phải rút chạy khỏi 10 đồn khác như: Đồng Bố Vần, Mỵ, Dọc, Ba Khe, Gốc Báng, Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm … để co cụm về phía Nghĩa Lộ ta giải phóng một vùng rộng lớn 300km và trên 3.000 dân.
Sau thắng lợi này, cơ sở kháng chiến của ta phát triển mạnh, vùng Châu Quê Hạ được nối liền với Văn Bàn. Chính quyền cách mạng nhanh chóng được khôi phục lại và thẳng tay trừng trì bọn tay sai phản động.
Cuộc tấn công Việt Bắc thất bại, thực dân Pháp phải điều chỉnh lại chiến lược chiến tranh, chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh lâu dài với ta. Chúng thay thế các cuộc càn quét lớn tiêu diệt chủ lực của ta bằng các cuộc hành quân phá huỷ cơ sở kinh tế, chính trị của ta củng cố nguỵ quân, nguỵ quyền, ra sức dồn dân bắt lính, vơ vét của cải, xây dựng củng cổ hệ thống đồn bốt.
Cuối tháng 5/1948 quân Pháp từ Nghĩa Lộ, Văn Bàn mở cuộc tiến công mới chiếm lại các xã thượng huyện Trấn Yên (hữu ngạn sông Hồng) lập lại các đồn Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm, uy hiếp nghiêm trọng vùng tự do, căn cứ của ta ở tả ngạn sông Hồng, chúng lập lại chính quyền tay sai, tổ chức các đội lĩnh dõng, thường xuyên tổ chức càn quét, dồn dân vào quanh các đồn vơ vét lương thực của cải, bắt dân di phục vụ, đào đắp xây đồn, làm hàng rào bảo vệ tại các đồn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm, địch tập trung xây dựng tương đối kiên cố, quân số đông, hoả lực mạnh, gồm các loại: xối 81, cối 60, đại liên, trung liên, súng trường, lựu đạn …
Về phía ta, từ giữa năm 1948, lực lượng ta ở vùng thượng huyện Trấn Yên và Châu Quế, Phong Dụ, thường xuyên tổ chức huấn luyện và phối hợp chiến đấu trong hai tháng 10 - 11/1948 bộ đội và du kích đã phối hợp đánh 3 trận xuất sắc ở Châu Quế, phục kích địch trên đường Gióm Phong Dụ, đường Lăng Thíp, Đại Phác, diệt 30 tên, thu nhiều vũ khí trang bị. Những hoạt động của bộ đội và du kích đã làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên, đồng thời tạo mọi điều kiện cho xây dựng cơ sở và phát triển chiến tranh du kích.
Đầu năm 1949 Hội nghị Trung ương VI đã chỉ rõ giai đoạn mới cách mạng đã bắt đầu từ sau chiến thắng Việt Bắc 1947. Sự chuyển biến của cách mạng Trung Hoa và sự khốn đốn của thực dân Pháp là điều kiện cho ta thực hiện phương châm chiến lược của giai đoạn mới và tích cực chuẩn bị cho tổng phản công.
Đầu tháng 4/1949 Bộ tổng tư lệnh ra lệnh chuẩn bị mở chiến dịch sông Thao ở Tây Bắc, mục đích là tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa Tây Bắc, phá thế uy hiếp của địch đối với Việt Bắc và củng cố bàn đạp tiến sang thượng Lào. Bộ tổng tư lệnh đã điều động một số đơn vị đang chuẩn bị chiến đấu giải phóng Bắc Cạn và một số đơn vị đang chiến đấu ở đường số 4 khẩn trương hành quân lên Tây Bắc.
Ngày 19/5/1949 chiến dịch sông Thao do đồng chí Lê Trọng Tấn là chỉ huy trưởng, đồng chí Cao Văn Khánh là chỉ huy phó chính trị đã chính thức mở màn, đúng dịp kỷ niện 59 năm ngày sinh nhật Bác Hồ. Tiểu đoàn 54 đánh đồn Đại Bục, Tiểu đoàn 11 đánh đồn Đại Phác.
16 giờ 30 phút ngày 19/5/1949, hoả lực cối 81 và bom phong Ba ZoKa của ta dồn dập bắn vào đồn Đại Bục. Sau đó ít phút bộ đội ta đã lọt vào đồn địch, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đồn giặc cháy rực. Sau hơn 30 phút bộ đội ta tiến công chiến đấu quyết, ta đã san bằng đồn, diệt và bắt toàn bộ quân địch.
Đồn Đại Phác (cùng ngày) tiếng súng cối và Ba Zo Ka nổ vang dội ở đồn Đại Bục đã thôi thúc cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 11. 16 h 40’, hoả lực ta bắn chế áp, tiểu đoàn 11 dùng thang ván leo vào đồn giặc. Quân giặc chống trả ác liệt, cuộc chiến đấu diễn ra dữ dội, giằng co. Ta liên tục mở các đợt xung phong và đổi hướng tiến công, tới 18h 00’ bộ đội ta chiến đấu và diệt xong đồn Đại Phác, diệt và bắt gần hết lực lượng địch chỉ có một vài tên lính Thái và hai tên Pháp chạy thoát. Kết quả hai trận đánh đồn Đại Bục, Đại Phác chiều ngày 19/05/1949, ta đã diệt và bắt sống gần 200 tên địch, trong đó có 38 tên Pháp, (33 tên bị diệt, 5 tên bị bắt ), thu và phá huỷ 6 súng trường, súng ngắn, 1 máy vô tuyến điện, 2 kho đạn, 1 hòm tiền Đông Dương, và rất nhiều lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng của địch. Đây thực sự là chiến công xuất sắc. Món quà quý giá của quân và dân ta chúc mừng 59 năm ngày sinh nhật Bác Hồ.
Chiến thắng Đại Bục, Đại Phác đã làm cho thực dân Pháp bị động lúng túng lại càng thêm lúng túng hơn, buộc địch phải vội vã điều quân từ Lào Cai, Phong Thổ tới đối phó.
Cuối tháng 6/1949 ta tiến công tiêu diệt cứ điểm chỉ huy phân khu phố Giàng và một loạt các đồn bốt địch ở tả ngạn sông Thao của địch bị phá vỡ một mảng dài 30 km từ Bảo Hà đến Bắc Cương, đường liên lạc của địch từ Bảo Hà đi Lao Cai, Bảo Hà đi Nghĩa Lộ bị cắt đứt, chính quyền tay sai địch bị tan rã, một số tên bị trừng trị, một số tên chạy vào Nghĩa Lộ.
Khi địch phán đoán ta không còn khả năng mở tiếp chiến dịch mới thì ngày 16/7/1949 tiểu đoàn 54 phối hợp với một số đơn vị pháo binh bất ngờ tấn công Đồn Gióm, chỉ trong vòng 35 phút, Đồn Gióm bị hạ, hàng trăm tên địch bị diệt và bị bắt làm tù binh, ta thu 2 súng cối 81, 2 súng trường và quân trang, quân dụng của địch.
Ngày 16/7/1949 đã giáng cho quân Pháp một đòn chí mạng làm cho chúng hoảng hốt tháo chạy khỏi một loạt đồn bốt khác. Phòng tuyến sông Thao của địch lại bị vỡ thêm một mảng lớn kéo dài từ Ba Khe tới Bảo Hà, dài 70km.
Chiến dịch sông Thao kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt gần 30 đồn bốt địch, thượng huyện Trấn Yên được hoàn toàn giải phóng. Trên 3.000 đồng bào các dân tộc thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Bộ máy nguỵ quân nguỵ quyền địch tan rã, cơ sở chính trị và các lực lượng vũ trang của ta được củng cố vững chắc hơn từ đây: nhiệm vụ chính trị của địa phương chuyển sang giai đoạn mới, lấy xây dựng hậu phương, huy động sức người sức của cho kháng chiến là chính.
Từ năm 1950 - 1954 phát huy chiến dịch chiến thắng sông Thao. Quân và dân thượng huyện Trấn Yên (nay là huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã tích cực củng cố chính quyền cách mạng, vừa chiến đấu tiêu diệt các lực lượng thám báo, biệt kích địch, tham gia tiễn phỉ trừ gian, đồng thời huy động hàng vạn dân công hoả tuyến phục vụ các chiến dịch, động viên hàng ngàn con em các dân tộc Văn Yên tham gia bộ đội chủ lực, dân quân du kích, huy động hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm thuyền bè, góp phần tích cực đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi cuối cùng.
Chiến thắng sông Thao năm 1949 mở đầu là hai trận tiêu diệt 2 đồn Đại Bục, Đại Phác ngày 19/5/1949 kết thúc chiến dịch là trận đánh tiêu diệt Đồn Gióm ngày 16/7/1949 có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và đối với quân và dân Yên Bái nói riêng trên mảnh đất “phen Dậu “ có tầm quan trọng chiến lược quân sự này.
Chiến thắng sông Thao là một nước cờ đột phá về trình độ chiến lược của ta, nhằm tiêu hao sinh lực địch, phá vỡ phòng tuyến kiên cố sông Thao của thực dân Pháp, mở rộng vùng giải phóng nối Việt Bắc với Tây Bắc, phá thế bao vây uy hiếp của địch đối với căn cứ địa Việt Bắc từ hướng Tây. Tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của ta tiến lên giành thế chủ động. Chiến thắng sông Thao tiêu diệt và bức rút gần 30 đồn bốt địch, tiêu biểu những đồn lớn như Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm đã giải phóng một vùng rộng lớn kéo dài từ Ba Khe tới Bảo Hà đã tạo bàn đạp cho các đơn vị chủ lực ta tiến lên giải phóng Nghĩa Lộ và mở đường tiến sang thượng Lào.
Những trận đánh then chốt ở Đại Bục, Đại Phác, và Đồn Gióm có ý nghĩa rất quan trọng đối với bộ đội chủ lực ta trước khi các tiểu đoàn 11, 54 được rút về thành lập Đại đoàn quân tiên phong (Sư đoàn 308, Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ) một bước tiến mới trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam. Qua chiến dịch sông Thao bộ đội chủ lực ta có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong đánh công kiên, đánh địch trong công sự vững chắc, các đơn vị chủ lực đã nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ trinh sát nắm địch, trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng, phá vật cản, đánh lô cốt bên ngoài, lô cốt mẹ bên trong, làm cơ sở cho Bộ tổng tham mưu nghiên cứu biên soạn tài liệu huấn luyện bộ đội, chuẩn bị cho việc xây dựng các binh đoàn chủ lực mạnh, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị cho các cuộc chiến dịch tiếp theo giành thắng lợi cuối cùng.
Với Yên Bái, việc tiêu diệt các đồn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm làm cho quân Pháp hoang mang tột độ, tháo chạy khỏi một loạt các đồn bốt bên hữu ngạn ở địa phương. Từ đây, một vùng rộng lớn của thượng huyện Trấn Yên rộng 300 km2 với 3000 dân được giải phóng, hệ thống chính quyền địch tan dã. Chính quyền cách mạng được củng cố, một dấu mốc son lịch sử xây dựng ngày càng vững chắc, từ đây nhiệm vụ chính của địa phương đã chuyển sang giai đoạn mới lấy xây dựng hậu phương, huy động sức người sức của cho kháng chiến là chính. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và huyện vui mừng phấn khởi tin tưởng vào Đảng, lực lượng vũ trang tích cực lao động sản xuất và tham gia kháng chiến góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng ở Miền Bắc 1954 và góp phần trong cuộ kháng chiến chống Mỹ thắng lợi thống nhất đất nước 1975.
Trong thời kỳ đổi mới, quân và dân huyện Văn Yên luôn phát huy tốt truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương, luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực xây dựng củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền vững mạnh, lãnh đạo nhân dân phát huy ý thức tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương Văn Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ, luôn là lá cờ đầu của tỉnh Yên Bái trong lao động sản xuất và giữ vững an ninh chính trị, trật trự an toàn xã hội đặc biệt là chiến dịch sông Thao, quân và dân huyện Văn Yên đã được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp và hiện nay quân dân huyện Văn Yên lại vinh dự được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và đang vững bước trên con đường cách mạng CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn quân dân ấm no hạnh phúc.
Những di tích trên vượt lên trên hết vẫn là địa danh giáo dục chiến thuật đánh bộ binh trên công sự của các thế hệ lực lượng vũ trang. Ngoài ra các di tích lịch sử chiến dịch chiến thắng sông Thao nằm trên tuyến du lịch - văn hoá, Đền, Chùa, văn hoá dân tộc, cơ sở sản xuất, công nghiệp chế biến phía Tây dọc sông Hồng đi Lào Cai - Trung Quốc của địa phương Yên Bái khá thuận lợi.
Hiện trạng trong lịch sử thời thuộc Pháp chiếm đóng hầu hết các Đồn (điểm di tích) đến được xây dựng trên những điểm cao, có tầm quan sát khá rộng, có ý nghĩa về chiến thuật, Đồn cơ bản được bố trí thành 2 khu, mỗi khu có cấu trúc theo hình tam giác ở các góc đều có lô cốg, tường ghép bằng tre, nứa, gỗ. Trong đổ đất nện kiên cố với độ dày 50 - 70 cm, xung quanh có nhiều lỗ châu mai, có thể bán ra các hướng, lô cốt mẹ ở trung tâm được thiết kế 2 - 3 tầng là vị trí chỉ huy của địch, xung quanh mỗi khu đồn đều có 2 - 3 tầng là vị trí chỉ huy của địch, xung quanh mỗi khu đồn đều có 2 - 3 hàng tre, nứa vót nhọn, ken dầy như lông nhím, (mỗi mắt chưa cm) cao 2 mét có hệ thống giao thông hào nối các lô cốt nhỏ và nối với trung tâm chỉ huy.
Nhà cửa trong đồn thiết kế toàn bằng tường đất sét nện dày 40 - 50 cm. Có lỗ châu mai, nhà nọ nối với nhà kia, quay ra ngoài, tạo thành những bức tường bao quanh của mỗi khu đồn. Trong đồn còn có trung tâm chỉ huy, có khu hậu cần, trận địa hoả lực, các đồn tiêu biểu lớn như: Đồn Đại Phác, Đồn Gióm còn bố trí trận địa cối, có sân thể thao. Đồn Gióm còn có bể nuôi cá cảnh. Cách xây dựng đồn như trên của địch là nhằm thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài, mang tính chất phòng ngự dã chiến tương đối kiên cố để phòng ta tấn công.
Trải dài gần 60 năm từ khi giải phóng (1949) hiện trạng di tích không còn nguyên vẹn, do thời gian do tiến công bấy giờ thiêu trụi để diệt quân Pháp, nay chỉ còn nền đồn, giao thông hào nằm trong tán lá cây công nghiệp, hay bỏ hoang, còn bom, mìn, đạn dược dưới lòng đất nhân dân không dám khai phá. Được nhân dân ý thức bảo vệ các khu đồn làm di tích theo nguyện vọng của nhân dân sở tại và huyện Văn Yên.
Như đã nói ở các phần trên, đặc trưng nổi bật nhất của cụm di tích này là di tích sự kiện lịch sử, yếu tố lịch sử chính là địa điểm chiến sự quân sự. Mở màn chiến dịch sông Thao mang hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu “Bác bảo thắng là thắng” đánh dấu bước trưởng thành của chiến thuật quân đội ta trong giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược, mặt khác các khu đồi gần trung tâm chính quyền xã, sát các cánh đồng Đại Phác, Đại Bục, Đông An xếp hạng các di tích này góp phần bảo vệ sinh thái rừng đầu nguồn quan trọng, điều hoà nước, khí hậu tưới tiêu ổn định sản xuất. Rất cần có chính sách phương án, bảo vệ môi trường chu đáo, khoa học phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của địa phương.
Di tích Đồn Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm đều nằm trên các quả đồi cao hơn các mảng đồi lân cận có tầm quan sát rộng. Đại Bục (cao điểm 85). Đại Phác (cao điểm 327), Đồn Gióm (cao điểm 383) trong đó riêng địa điểm Đại Phác có 2 khu, khu A và khu B cách nhau chừng 70m, địa hình, địa vật 3 điểm di tích không cách quá trụ sở 1,5km nên công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy di tích có nhiều lợi thế. Trước đây các di tích đều là rừng hoang chứa nhiều bom đạn nguy hiểm, nay giao đất giao rừng nhân dân thu gom dọn dẹp canh tác một phần cơ bản làm nơi trồng cây lâm nghiệp đã ổn định các khu di tích đã được phủ xanh, các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời bảo vệ rừng đầu nguồn, chống xói mòn các khu đồi này giao xã và hộ nông dân quản lý, từng bước phát triển hình thành rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ sinh thái và xây dựng thành cụm di tích của huyện. Để di tích Đồn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm được bảo vệ và phát huy có hiệu quả. Chủ tịch UBND các xã Đại Phác, An Thịnh và Đông An yêu cầu các ban ngành của các xã cùng tiến hành các biện pháp bảo vệ di tích theo chương trình 5 triệu ha rừng của Chính phủ nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tê gắn liền với việc giáo dục truyền thống bảo vệ vững chắc tổ quốc của địa phương cho mọi thế hệ trong vùng.
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch