Di tích lịch sử, văn hóa

Hang Bòng

Hang Bòng, thuộc thôn Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương), là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ năm 1949 đến 1952. Tại đây, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngay sau khi đến ở hang Bòng, ngày 20-10-1949, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 121, ấn định cấp bậc, phù hiệu, cấp hiệu và quân phục cho quân đội quốc gia. Ngày 4-11-1949, Bác ký Sắc lệnh số 126, quy định nghĩa vụ quân sự. Sắc lệnh quy định, tất cả nam công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đến 45 tuổi phải có hai năm tại ngũ. Đầu tháng 1-1950, Bác Hồ bí mật sang Liên Xô theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào đầu năm 1950. Ngày 27-7-1950, Bác gửi thư nhắc nhở Ban Tổ chức Trung ương nhớ và quan tâm đến anh em thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.


Ngày 10-10-1950, sau khi chỉ huy chiến dịch biên giới kết thúc thắng lợi, Bác Hồ trở về hang Bòng lần thứ hai (lần này Bác ở và làm việc từ ngày 10-10-1950 đến 4-2-1951) để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến trong cả nước. Đây cũng là thời gian Bác cùng Trung ương Đảng đưa ra nhiều quyết nghị quan trọng về nội chính và kinh tế. Cuối tháng 12-1950 Bác đến thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thăm Chính phủ kháng chiến Lào. Sau đó đi Kim Bình, huyện Chiêm Hoá dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (từ ngày 11 đến 19-2 -1951).


Trong lần thứ ba Bác trở lại Hang Bòng (từ 20-2-1951 đến 30-12-1952), ngày 3-3-1951 Bác tới dự và phát biểu tại buổi lễ khai mạc Đại hội thống nhất Việt minh - Liên Việt và thành lập Mặt trận Liên Việt. Ngày 6-5-1951 Bác ký sắc lệnh số 15 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Tháng 12-1951 Bác gửi thư cho các hoạ sỹ nhân dịp triển lãm hội hoạ. Người khẳng định vai trò của văn hoá nghệ thuật nói chung và văn nghệ sỹ nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng. Đầu tháng 9-1952, Bác ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Người đề ra những nhiệm vụ quan trọng đó là chuẩn bị đầy đủ điều kiện chuyển sang tổng phản công...


Từ hang Bòng, Bác thường sang xóm Thia theo con đường mòn dưới chân núi Thia đến làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng; vượt thác Dẫng sang Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương) để họp Hội đồng Chính phủ. Dù vô cùng bận rộn nhưng Người vẫn làm thơ.“Đi thuyền trên sông Đáy” là một bài thơ nổi tiếng trong những năm tháng Bác sống và làm việc tại hang Bòng. Ngoài ra còn có những bài thơ đã theo suốt chiều dài lịch sử thi ca Việt Nam: “Chúc mừng năm mới”, “Sáu mươi tuổi”, “Đối trăng”, “Nhớ người chiến sỹ”...


Như vậy, từ ngày 17-10-1949 đến 30-12-1952, hang Bòng là nơi chứng kiến những ngày tháng gian nan vất vả của Bác Hồ kính yêu. Từ chiếc lán nhỏ đơn sơ dựng bên bờ sông Phó Đáy (lán Khấu Lấu - Vực Hồ), hay căn lán trước cửa hang đá lưng chừng núi Bòng (lán hang Bòng), nhiều mệnh lệnh, chỉ thị được phát ra, truyền đi trong cả nước, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hang Bòng đã đi vào lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu một thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc hào hùng của cả dân tộc.


Di tích hang Bòng có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cho việc nghiên cứu nhiều vấn đề về: Lịch sử chiến tranh, lịch sử Đảng, đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích còn giúp khách tham quan có cái nhìn toàn cảnh về một quần thể di tích từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với địa thế đẹp -“Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”, di tích lịch sử hang Bòng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách cả nước.

(Nguồn: baotuyenquang.com.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *