Di tích lịch sử, văn hóa

Hồ Thác Bà

Tháng 6 năm 1962, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TW Đảng khóa III đã họp bàn về việc xây dựng và phát triển công nghiệp. Đảng xác định muốn phát triển công nghiệp thì năng lượng phải đi trước một bước, tập trung phát triển năng lượng điện trước hết là thủy điện. Sau quá trình khảo sát nghiên cứu trên Sông Chảy, nhận thấy Thác Bà là nơi có đủ diều kiện thích hợp để xây dựng nhà máy thủy điện, TW Đảng quyết định xây dựng nhà máy thủy điện trên khu vực Thác Bà.
           Để tiến hành xây dựng, ngoài việc xây nhà máy thủy điện chính còn phải tiến hành di cư, chuyển dân ra khởi khu vực tạo thành một hồ lớn phục vụ cho hoạt động của nhà máy thủy điện. Tháng 3 năm 1971, sau nhiều năm làm công tác chuẩn bị mọi mặt, ta tiến hành đóng cửa đập Thác bà, tạo thành hồ lớn Thác Bà.

Nằm trong lưu vực Sông Chảy, lại trong khu vực có lượng mưa lớn, lên tới 1800mm và địa hình thấp tạo ra một lòng hồ lớn thuộc địa bàn hai huyện Lục Yên và Yên Bình của tỉnh Yên Bái.

Hồ Thác Bà rất lớn với chiều dài hơn 89 km, chiều rộng từ 8 đến 12 km, nằm ở phía Đông của thị xã Yên Bái, cách thị xã Yên Bái 13 km theo đường bộ Yên Bái - Hà Nội. Với kích thước lớn và kéo dài dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đã chia cắt huyện Yên Bái thành hai bên tả và hữu ngạn của Hồ. Riêng quốc lộ 70 chạy dọc bên tả ngạn của hồ đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông  đường thủy giữa vùng ven của 2 bên hồ. Tuy vậy, nó lại gây ra sự chia cắt về mặt địa hình, khiến cho giao thông đường bộ gặp không ít khó khăn dặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Kể từ đó, ngoài tên Thác Bà đã có từ lâu, nay thêm một chiếc hồ lớn với tên gọi Thác Bà hay hồ thủy điện Thác Bà.

Đến Yên Bái, nếu không đi thăm hồ Thác Bà thì cũng coi như du khách chưa biết Yên Bái. Bởi, không phải đương nhiên mà hồ Thác Bà, hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam được ví là "Hạ Long trên núi".

alt

Thủy điện Thác Bà

            Được khởi công xây dựng năm 1964 và hoàn thành năm 1971, hồ được hình thành với diện tích tự nhiên 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.505 ha, chiều dài hồ 80 km trải từ Yên Bình đến Lục Yên, chiều rộng 10 - 15 km và có độ sâu 50 - 60 m.

Ngay phía trên đập, đền Thác Bà hay đền Mẫu Thác Bà tọa lạc trên núi Hoàng Thi. Đền dựa vào lưng núi, với thế bao quát đất trời, trông xa thấy rộng. Sau khi vượt vài trăm bậc đá, đến sân đền, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát hết đập thủy điện và ngắm nhìn một vùng trời nước mênh mông, hữu tình. Khí hậu trong lành, mát mẻ do gió đưa lên từ mặt hồ sẽ tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, thanh tịnh chốn cửa đền.

Với nguồn lợi hàng ngàn tấn cá tôm mỗi năm, vùng hồ còn là nơi quần tụ của 13 dân tộc nên cũng hội tụ màu sắc văn hóa đa dạng với những lễ hội truyền thống độc đáo của người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá...

Điểm hấp dẫn của hồ Thác Bà là 1.331 hòn đảo lớn nhỏ, tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Sau vài giờ lênh đênh trên sóng nước, du khách ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà. Hoặc du khách cũng có thể ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang Chùa São, Đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung... mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Tày, Dao rất đặc sắc.

Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, nơi đây lưu truyền sử sách về Vũ Văn Mật - một vị đầu lĩnh thời Lê và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Yên Bái đã từng làm việc tại đây. Động Thủy Tiên còn gắn với huyền thoại về chín nàng tiên xinh đẹp trốn Ngọc Hoàng xuống vui chơi ở chốn hồng trần. Thăm động và thưởng ngoạn những kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa màu sắc, với hệ thống hang động gắn với truyền thuyết ly kỳ, du khách có cảm giác đang lạc trong thế giới thần tiên như mơ, như thực để trút bỏ tất cả những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống đời thường.

Sự kiện lịch sử - thuộc tính của di tích.

Trên một địa bàn rộng lớn của tỉnh Yên Bái, thuộc địa giới hành chính hai huyện Lục Yên và Yên Bình, lại nằm trong khu vực địa hình của miền thượng du, cao thấp không đồng đều. Trong khu vực của lòng Hồ Thác Bà hiện nay vốn trước đã có nhiều hồ đầm to nhỏ khác nhau, chỉ sau khi chuyển dân đến địa bàn mới, đóng cửa đập Thác Bà, tạo thành một hồ lớn như hiện nay thì mới xuất hiện tên Hồ thủy điện Thác Bà hay Hồ Thác Bà. Như vậy, cái tên Hồ Thác Bà mới chỉ xuất hiện gần đây, vào cuối thập kỷ 60 - đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Sự kiện lịch sử gắn với di tích Hồ Thác Bà chính là việc chuyển dân cùng các thiết chế kinh tế  - văn hoá - xã hội ra khỏi lòng Hồ Thác Bà tạo nên một hồ lớn phục vụ cho việc hoạt động của nhà máy thủy điện Thác Bà, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hoá dất nước.

Như vậy, di tích Hồ Thác Bà là di tích do con người tạo ra kết hợp với thiên nhiên sẵn có. Hồ Thác Bà chỉ được xuất hiện khi có quyết định của Đảng và Nhà nước  từ sau tháng 6 năm 1962 (sau Hội nghị TW Đảng 7 khóa III) và yếu tố không kém phần quan trọng, giữ vị trí quyết định là ý chí quyết tâm, công sức lớn lao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng với sự hỗ trợ đắc lực của TW và sự giúp đỡ nhiệt tình có hiệu quả của Nhà nước Liên Xô. Đây còn là kết quả của sự hợp tác, giúp đỡ của hai tỉnh Tuyên Quang và Vĩnh Phú đã chia sẻ những khó khăn và vui chung niềm vui to lớn của Đảng bộ và nhân dân Yên Bái khi ngày 05/10/1971 tổ máy số 1, nhà máy thủy điện Thác Bà chính thức phát điện, hũa vào lưới điện quốc gia.

Việc hoàn thành Hồ Thác Bà - hoàn thành công trình nhà máy thủy điện Thác Bà đã chinh phục Thác Bà hung dữ trên dòng Sông Chảy. Góp phần vào việc cung cấp năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ các nhu cầu quốc phòng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh thống nhất nước nhà và xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Với đặc điểm là hồ nhân tạo, kết hợp sử dụng tự nhiên, Hồ Thác Bà là nơi mang trong mình sự kết tinh thành quả của bàn tay và khối óc con người trong quá trình cải biến giang sơn phục vụ cuộc sống con người, vừa mang trong mình những di tích, di chỉ lịch sử khảo cổ. Đồng thời Hồ Thác Bà trở thành một danh thắng đẹp, cải tạo khí hậu sinh thái môi trường, từng bước trở thành vùng tham quan du lịch có giá trị của đất nước. Trong lòng khu vực Hồ Thác Bà rộng lớn còn chứa nhiều di chỉ khảo cổ học gắn với quá trình cư trú của người Việt cổ như: Hang Hùm, Hang Khe Hoài, hang Chùa, … , các di chỉ này trước kia đã tìm thấy các công cụ cuội nhưng chưa rõ nét, cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm.

Ngoài ra trong lưu vực Hồ Thác Bà do trải dài trên một địa bàn rộng lớn nên nó cũng chứa nhiều di tích lịch sử như Chùa Hang còn một số dấu vết thời Trần. Thành Vua áo Đen cũng có dấu vết thời Trần tuy đã bị đổ nát từ lâu, thành Nhà Bầu (còn có tên gọi Việt Tĩnh Thành) ở sát bờ Sông Chảy cùng một hệ thống thành liên quan đến Vũ Văn Mật (trấn thủ Tuyên Hóa phù Lê diệt Mạc, được vua Lê Trang Tông phong hàm gia quốc công).

Như vậy, ở Hồ Thác Bà, lịch sử - xã hội - thiên hiên hòa trộn vào nhau phong phú đa dạng, cả bề dày lịch sử và thành quả hiện đại đan xen vào nhau trên mảnh đất này.

Ngược dòng thời gian, chúng ta trở về hơn 30 năm trước, chứng kiến sự di chuyển vĩ đại của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong công cuộc cải biến giang sơn, xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi hoàn thành căn bản những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Miền Bắc đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa làm tiền đề cho công cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc, trước những nhiệm vụ nặng nề ấy, đòi hỏi Miền Bắc phải tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CHXH, thành hậu phương vững mạnh cho Miền Nam và cả nước. Yêu cầu công nghiệp hóa được đặt lên hàng đầu. Muốn vậy phải có nguồn năng lượng đồi dào, phục vụ đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế.

Cụ thể hóa đường lối, nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 6 năm 1960) đã đề ra. Tháng 6/ 1962, Hội nghị lần thứ 7 - Ban chấp hành TW khóa 3 đã họp bàn phát triển công nghiệp. Vấn đề năng lượng trước hết là thủy điện được đặt lên hàng đầu. Sau thời gian khảo sát trên Sông Chảy, nhận thấy Thác Bà có đủ điều kiện thích hợp cho việc xây dựng công trình thủy điện lớn đầu tiên của cả nước. Đây là vinh dự lớn và cũng là nhiệm vụ nặng nề đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, cơ sở vật chất kỹ thuật, tiềm lực của chúng ta còn có những khó khăn cùng một lúc phải di chuyển hàng chục vạn dân với tất cả những điều kiện sinh hoạt đi kèm. Cùng với những cơ quan, công sở, kho tàng của Nhà nước và hàng chục ngôi đền, miếu, nhà thờ của giáo dân cùng biết bao di hài cốt của tổ tiên gia đình mỗi người. Cái khó hơn cả chính là việc phải giải quyết vấn đề tư tưởng cho nhân dân và cán bộ các cấp, việc khai hoang lập ấp, ổn định cuộc sống cho nhân dân những vùng di chuyển đến lập nghiệp.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn trên lĩnh vực tư tưởng và tổ chức thực hiện, đòi hỏi biết bao công sức, trí tuệ, tiền của Nhà nước và tập thể nhân dân cùng làm.

Các cấp ủy Đảng ở Yên Bái và các huyện có dân di chuyển, dân đến khai hoàn đã tiến hành nhiều đợt sinh hoạt chính trị sôi động, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc di dân, khai hoàn ổn định cuộc sống, có biện pháp đồng bộ, chặt chẽ linh hoạt và cương quyết thấu tình đạt lý để đạt được mục đích đề ra. Tỉnh ủy Yên Bái và các huyện thành lập "Ban chuyển dân" có kế hoạch từng bước cụ thể chỉ đạo kịp thời rút kinh nghiệm bổ sung khắc phục ngay những thiếu sót. Tỉnh ủy và các cấp ủy địa phương tập trung huy động tất cả các ngành như: thủy lợi, giao thông vận tải, lâm nghiệp, lương thực, y tế, tài chính, văn hoá thông tin, … phục vụ công tác di dân. Trong quá trình này, tỉnh cũng được Đảng và Nhà nước và các tỉnh bạn quan tâm giúp đỡ hỗ trợ có hiệu quả.

Sau quá trình chuẩn bị chu đáo, giai đoạn 1 của cuộc di dân bắt đầu thực hiện thí điểm từ cuối năm 1962 đến đầu năm 1963. Hai xã thí điểm là Chính Tâm và Tân Thành thuộc huyện Yên Bình. Đến cuối năm 1963, đợt 1 di chuyển dân đã căn bản hoàn thành thắng lợi, nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống mới. Tỉnh đã kịp thời rút kinh nghiệm và bổ sung để việc chuyển dân tiến hành mạnh mẽ đồng loạt.

Trên cơ sở kết quả công tác di chuyển dân cư và các mặt chuẩn bị khác đã tương đối thuận tiện. Ngày 19/8/1964 Bộ Kiến trúc và Bộ Thủy lợi đã làm lễ chính thức khởi công công trình thủy điện Thác Bà.

Hồ Thác Bà được công nhận là di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia theo quyết định số 2410 - QĐ/VH ngày 27/9/1996.

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *