Di tích lịch sử, văn hóa
Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Khu di tích có khoảng 1456 hiện vật, trong đó đang trưng bày 759 hiện vật. Các di tích, hiện vật, tài liệu được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc. Với diện tích hơn 10ha, khu di tích bao gồm nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và đường đi lối lại.
Nhà 54 là nơi Bác sống và làm việc từ 12/1954 (vì thế có tên gọi là nhà 54) đến giữa 5/1958. Sau đó, Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch nhưng hàng ngày vẫn trở về đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ.
Ngôi nhà này vốn là nơi ở của một người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây. Nhà có ba phòng, phía giáp bờ ao là phòng làm việc và cũng là nơi Bác tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, cuối cùng là phòng ngủ. Mọi đồ dùng sinh hoạt cùng với tài liệu sách báo Bác đang đọc, những món quà lưu niệm bạn bè quốc tế tặng vẫn được giữ nguyên, xếp đặt gọn gàng như những ngày cuối cùng của Bác. Tại phòng ăn hiện đang trưng bày một bộ đồ ăn hàng ngày của Bác. Trong phòng ngủ có một bộ bàn ghế để Bác đọc sách ban đêm, một chiếc giường nhỏ, chiếc tủ đựng vài ba bộ quần áo.
Nhà 54 có gần 400 tài liệu, hiện vật minh chứng cuộc sống giản dị, gần gũi, gắn bó với nhân dân của Bác.
Nhà sàn gỗ là nơi Bác sống và làm việc từ giữa 5/1958 đến 1969. Đây là kiểu nhà sàn được chính Bác lựa chọn sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên.
Ngôi nhà được khởi công xây dựng ngày 15/4/1958 và đến 17/5/1958 thì hoàn thành. Nhà gồm 2 tầng được làm bằng gỗ dổi, mái lợp ngói. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà Bác đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An. Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn, là nơi Bác họp, trao đổi công việc và tiếp khách. Trên bàn làm việc vẫn còn lại một số kỷ vật như: những cuốn sách Bác vẫn đọc hàng ngày, chiếc khay đựng bút bằng đá mầu đen hình con thuyền, kỷ vật của Tổng thống nước cộng hoà nhân dân Cu Ba Ôt-xvan-đô Đoóc-ti-cốt tặng Bác năm 1967. Phía cuối phòng có chiếc ghế chao (còn gọi là ghế xích đu) bằng mây, là nơi Bác thường nghỉ ngơi vào buổi trưa hoặc sau giờ làm việc. Ngoài ra, còn có mấy chiếc điện thoại và bên cạnh là chiếc mũ sắt Bác thường đội khi đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội... để phòng tránh những mảnh bom, đạn. Bao quanh tầng dưới là bệ xi măng, bên trên lát ván gỗ để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Bác có đủ chỗ ngồi.
Tầng trên nhà sàn có hai phòng là phòng làm việc và phòng ngủ. Diện tích mỗi phòng hơn 10m². Phòng làm việc có một bàn, một ghế, một giá sách được đặt vào vách ngăn giữa hai phòng. Sách ở trên giá thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều cuốn sách của các tác giả trong và ngoài nước tặng Bác với những lời đề tặng đầy tình cảm trân trọng và quý mến. Ngăn dưới cùng của giá sách là chiếc máy chữ được Bác sử dụng hàng ngày. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt là bản Di chúc lịch sử. Phòng ngủ có chiếc giường gỗ trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm, chăn bông và một lò sưởi điện nhỏ. Trên bàn làm việc ở phòng ngủ vẫn còn một số sách, tạp chí, chiếc mũ cát và chiếc đài bán dẫn của bà con Việt Kiều Thái Lan kính biếu Bác. Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Bác đang đọc dở.
Hiện nay gần 250 tài liệu, hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau ở nhà sàn vẫn được giữ nguyên vẹn và bảo quản chu đáo như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc.
Nhà 67 là ngôi nhà màu xanh nhạt ở phía sau nhà sàn, nằm sát gò đất cao, nơi Bác làm việc từ năm 1967 đến 1969, nơi Bác chữa bệnh và qua đời. Nhà được xây ngày 1/5/1967 và hoàn thành ngày 30/6/1967, vì thế có tên gọi là nhà 67. Vào năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Bác, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố để Bác làm việc.
Ngôi nhà có tường dầy hơn 60cm, trần dày hơn 1m bằng bê tông, cốt thép, được sử dụng làm nơi Bác họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương, và các cán bộ phụ trách đầu ngành để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước. Ngày 17/8/1969, sau khi kiểm tra sức khoẻ, các bác sĩ đề nghị Bác không lên xuống nhà sàn nữa mà chuyển hẳn xuống ở nhà 67 để điều trị bệnh. Hiện nay, ở nhà 67 vẫn còn treo 2 tấm bản đồ quân sự, chiếc đài ZENITH trên bàn làm việc, đồng hồ trên tủ nhỏ ở cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại thời khắc Bác đi xa: 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969.
Đường Xoài rộng 5m, dài hơn 200m, là nơi Bác thường tập thể dục vào mỗi buổi sáng và đi bách bộ sau giờ làm việc buổi chiều. Con đường được mang tên đường Xoài bởi hai bên đường là hai hàng cây xoài cổ thụ. Đường xoài đã từng ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp và cảm động giữa Bác với đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Một trong những kỉ niệm đó là bức hình ghi lại phút giây gặp gỡ đầu tiên giữa Bác với đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc vào ngày 15/11/1965.
Ao cá trong khu di tích rộng hơn 3.000m², nơi sâu nhất khoảng 3m, nằm phía trước nhà sàn. Trong ao nuôi nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi... Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường ra cầu ao cho cá ăn. Trước khi cho cá ăn, Bác thường vỗ tay gọi, lâu dần tiếng vỗ tay đã tạo cho cá một phản xạ quen thuộc, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao.
Vườn cây xanh với diện tích hơn 65.000m², kết hợp với ao cá tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình. Hệ sinh thái thực vật trong vườn rất phong phú, đa dạng với 1271 cá thể thuộc 161 loài, 54 họ, trong đó có 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài hoa và cây cảnh. Các loài cây được trồng xen kẽ nhau tạo nên những nét chấm phá, làm tăng sự hấp dẫn sinh động của cảnh quan. Nhiều cây mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, gắn với quê hương đất nước, gắn với tình đồng chí, bè bạn quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Trong vườn cây xanh có một khoảng đất trải sỏi nằm cạnh đường Xoài, rộng chừng 100m², được gọi là Giàn hoa Phủ Chủ tịch bởi bao quanh khoảng đất là giàn hoa giấy màu tím. Bác coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, không bị giới hạn bởi không gian nên thường tiếp khách trong nước, ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời.
Ngoài ra, khu di tích còn có một số điểm di tích khác như nhà bếp, nhà để hai chiếc xe ôtô mà Bác đã từng sử dụng, Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh. Hiện nay, Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính phủ vẫn là nơi làm việc của cơ quan Nhà nước.
Ngày12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1).
(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch