Di tích lịch sử, văn hóa
Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy
Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy thuộc xã kim Thái huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Cách thành phố Nam Định 17 km về phía Tây- Nam là vùng núi non đột khởi giữa đồng bằng, cảnh quan kỳ thú hấp dẫn. Phủ Dầy bao gồm hàng chục di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của bà chúa Liễu Hạnh- vị thánh bất tử của Việt Nam.
Ba di tích chính là: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu. Các công trình kiến trúc xây dựng với quy mô bề thế mang phong cách cổ truyền dân tộc hết sức độc đáo. Đặc biệt lăng Bà chúa Liễu do Nam Phương Hoàng Hậu ( vợ vua Bảo Đại) hưng công năm 1938 làm toàn bằng đá xanh và có 60 búp sen đá hồng. Chính giữa là mộ tưởng niệm của công chúa Liễu Hạnh.
Phủ Tiên Hương: được xây dựng trên một thế đất hẹp. Toàn bộ diện tích khu đất là 1 mẫu 4 sào Bắc Bộ, trong đó diện tích xây phủ và các công trình khác là 1000 m2. Vào cuối thế kỷ XVI, di tích chỉ làm bằng tranh tre, đến giữa thế kỷ XVIII, được xây bằng gạch. Đời Cảnh Trị (1663-1671) được mở rộng. Trải qua nhiều lần tu sửa, phủ cũ vẫn còn dấu tích gọi là phủ Cổ có bốn gian. Năm Duy Tân thứ 8 (1914), tổng đốc Nam Định là Đoàn Triển sai lính cùng nhân dân địa phương xây dựng và mở rộng quy mô của phủ Tiên Hương to lớn như hiện nay.
Phủ Tiên Hương có 19 tòa, với 81 gian lớn nhỏ, theo kiến trúc "nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc”. Ngoài cùng là một giếng tròn mang ý nghĩa tụ thủy để tụ phúc. Giữa giếng là một ụ đất làm nơi cắm cờ. Từ bờ giếng vào là một khoảng sân rộng dẫn tới hệ thống cột đồng trụ. Sân này là nơi biểu diễn xếp chữ hoặc làm nơi bán hàng ngày hội. Sáu cột đồng trụ đối xứng, tạo thành ba cửa vào phủ rộng rãi. Đỉnh các cột trụ đều đắp lân, linh vật.
Tiếp tới là nhà Phương du ở giữa và hai bên là hai phương đình làm gác chuông, gác trống. Nhà Phương du là nơi nghỉ tạm của khách thập phương lúc đến lễ và nơi để các quan chức địa phương ngồi xem xếp chữ trong các ngày hội. Hai phương đình hai bên, phía trên treo chuông, treo trống còn phía dưới để bia đá. Từ phương du đi xuống có hai hệ thống bậc đá kẹp trong bốn con hổ chầu vào, dáng dấp của chúng tự nhiên mang nhiều chất dân dã, song vẫn mang ý nghĩa biểu hiện cho sức mạnh trần gian nhằm coi sóc ở cửa phủ.
Tiếp theo ba Phương đình là một hồ bán nguyệt có đường kính trên 20m. Xung quanh là một đường bao lát đá ôm lấy khu hồ. Chính giữa đường bao phía ngoài là một bức bình phong đá làm theo kiểu cuốn thư, trên đó được chạm hoa văn trang trí khá cầu kỳ.
Đối xứng qua hồ, bên phải là nhà bia và lầu Cô, bên trái là nhà bia và lầu Cậu. Với lối bố cục hồ trong, hồ ngoài kết hợp với các kiến trúc đăng đối trên một trục dài ở giữa đã tạo nên một không khí trang nghiêm cho công trình.
Phủ Vân Cát: nằm ở phía tây bắc thôn Vân Cát, xã Kim Thái, cách Phủ Tiên Hương chừng 1 km, tọa lạc trên khu đất rộng 2 mẫu 3 sào Bắc Bộ, nằm giữa cánh đồng. Quá trình xây dựng và tu sửa phủ Vân Cát đã được tấm bia Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901) ghi như sau: “…chọn đất dựng nền từ thời Lê Cảnh Trị (1663-1671) làm đơn giản mà đẹp. Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794-1800) Hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), đền phủ bị hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện… cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành”.
Phủ nằm giữa đền làng và chùa Long Vân cùng chung một sân lớn, tạo thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu - Thần- Phật có quy mô lớn. Đằng trước là một con đường vòng ôm lấy một hồ bán nguyệt, hai đầu có hai cầu đá dẫn vào một tòa Phương du ở giữa. Phương du gồm ba gian làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam, hoành vuông, cột tròn với bốn đao góc. Các xà bẩy đều được chạm mai điểu, trúc hóa, quy sen, vân ám. Xung quanh Phương du có tường hoa bằng đá được đục chạm trang trí hai loại hoa thị và hoa cúc. Phương du bốn mặt thoáng, phía trước nhìn ra cánh đồng, đó là sân để tổ chức kéo chữ trong các ngày hội và là nơi để các quan lại ra nghỉ ngơi và xem kéo chữ. Từ hồ bán nguyệt vào ngũ môn là nơi có dựng những tấm bia cổ từ thời Tự Đức đến thời Bảo Đại. Trên năm cổng là năm tòa lầu mà ba tòa giữa kết lại như tượng “ tam sơn” nhằm tụ linh tụ phúc. Trên đầu các cột trụ là những con phượng kiểu lá lật, chúng tượng trưng cho sự độ trì của thánh nhân, rồi những con lân hiện thân của sự minh triết trong sáng.
Lăng mộ Thánh Mẫu: theo Khiếu Năng Tĩnh trong Nam Định dư địa chí lược Tại Cồn Cá Chép xã Tiên Hương có ngôi mộ cổ, xung quanh cây cối xanh tươi tương truyền là mộ Liễu Hạnh. Nhân dân trong làng mỗi khi có bệnh thường ra đây hai lá bẻ cành về sao vàng rồi sắc nước uống nên rất nhiều người đã khỏi bệnh. Thời Minh Mệnh (1820-1840) quan huyện Vụ Bản cho người xây gạch quanh mộ và xây một bệ nhỏ cho mọi người đến đặt lễ. Đó là lăng mộ Liễu Hạnh nằm trên cồn Cá Chép ở xứ Cây Đa thôn Tiên Hương. Năm 1938, vua Bảo Đại đã cho “ Hội xuân kinh” triều đình Huế tiến hành hưng công xây dựng khu lăng Mẫu.
Lăng được xây dựng trên một khu đất cao với diện tích 652m2. Trung điểm của lăng là một ngôi mộ hình bát giác, với đồ hình bát quái. Xung quanh có đường viền tạo những núm vú hình quả lựu mà dân gian vẫn gọi là bầu sữa mẹ biểu hiện về sức sinh sôi. Phía ngoài vào tới mộ có năm vòng tường, khoảng cách giữa các lớp tường đá như nhau. Hướng chính của lăng là hướng tây quay về phía núi Tiên Hương, các phía còn lại đều có cửa, cửa được bổ trụ, trên đặt các nụ sen bằng đá. Tất cả búp sen nhấp nhô, xa trông như một hồ sen hoa đang chớm nở. Một mặt tường có bốn cột đồng trụ vuông, cao bằng nhau. Như vậy từ ngoài vào trong có tất cả 60 cột đồng trụ to nhỏ khác nhau. Trên các cột đá này là những nụ sen.
Bốn cửa đều có bậc tam cấp bằng đá để lên xuống. Lăng được xây dựng cao dần. Từ lớp tường thứ nhất ngoài cùng vào đến lớp tường thứ hai thì nằm trên một mặt phẳng nhưng đến lớp tường thứ ba trở vào mặt nền cứ được nâng dần và đỉnh cao nhất là khu lăng mộ. Tính từ mặt đất nền ngoài cùng cho đến phần mộ ở trên độ cao đã được nâng lên là 4.40m. Ngôi mộ được đặt ngay chính trung tâm và độ cao nhất của khu lăng.
Tại bốn cửa ở bậc cuối cùng đều có một bức bình phong bằng đá án ngữ. Các bức bình phong này làm như một cuốn thư, hai đầu cuộn lại, ở phía trên một bên là chuôi gươm và một bên là đầu một cán bút lông, còn phía dưới trang trí chữ thọ với hoa lá. Hoa văn ở mỗi lớp tường mang những phong cách khác nhau như những chữ thọ, khắc nổi chữ vạn trong những khối lục lăng, những hình tròn tạo thành những móc xích… Đằng sau cửa chính nằm về phía hai góc đối diện với cửa ra vào là hai nhà bia với bốn cột vươn lên để đỡ bộ mái uốn cong về phía các góc đao.
(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch