Di tích lịch sử, văn hóa
Khu Mộ Mường cổ Đống Thếch
Khu mộ Đống Thếch nằm ở phía Tây Bắc thung lũng Mường Động, xã Vĩnh Đồng. Trên đường 12B, cách huyện lỵ huyện Kim Bôi 6km, cách trung tâm thành phố Hoà Bình 24km về phía Đông Nam, từ ngoài đường nhìn vào ta sẽ thấy một thung lũng nhỏ, cao ráo, bằng phẳng, đi sâu vào bên trong ta thấy nhấp nhô hàng trăm hòn mồ cao thấp đứng cùng thời gian mưa nắng, địa thế khu đất khá đẹp, bằng phẳng giao thông đi lại thuận tiện, vây quanh ba mặt khu mộ cổ Đống Thếch là những quả đồi thấp tạo nên một bồn địa nhỏ trong một thung lũng lớn.
Khu đất có địa thế, hình dáng miệng rồng, một thế đất theo quan niệm thuật phong thuỷ ngày xưa. Cho nên từ lâu dòng họ quan lang Mường Động đã độc chiếm làm nghĩa địa để làm nơi yên nghỉ cuối cùng của dòng họ mình. Với diện tích rộng vài vạn mét vuông, trải qua nhiều đời khu mộ cổ Đống Thếch đã ẩn chứa hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ dòng họ Đinh. Trong đó có nhiều ngôi mộ, xung quanh quanh được chôn nhiều hòn mồ cao lớn như cắm dấu ấn biểu hiện quyền lực của dòng họ lang Mường Động. Đống Thếch trở thành “Thánh địa” riêng của nhà lang, bị cây rừng phủ lên rậm rạp càng trở nên bí hiểm trước con mắt của người dân Mường Động từ đời này sang đời khác, mộ có niên đại sớm nhất là năm 1651. Đặc biệt trong khu mộ cổ có ngôi mộ của tướng quân Chiêu Đống hầu Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê Trung Hương chống giặc và xây dựng chiều chính.
Tháng 12 năm 1984, do tình trạng đào bới mộ cổ để tìm kiếm cổ vật, khu mộ cổ Đống Thếch bước đầu đã bị xâm phạm. Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Hà Sơn Bình (cũ) tiến hành khai quật “chữa cháy” toàn bộ số mộ còn lại. Kết quả khai quật đã đem lại nhiều thông tin quý giá về một xã hội Mường cổ, về táng thức, về quy mô, cấu trúc trong các mộ, cùng cách đặt hiện vật, đồ tuỳ táng trong mộ. Với số lượng hiện vật phát hiện phong phú, đặc biệt là đồ gốm sứ gồm nhiều loại hình mang dấu ấn kỹ thuật chế tác, đặc trưng, điển hình của nhiều thời đại khác nhau: Lý, Trần, Lê...một số đồ gốm sứ này là gốm sứ được chế tạo ở nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản...chiếm tỷ lệ không nhỏ đã tạo nên dáng vẻ toàn diện của bộ sưu tập gốm sứ quý, đa dạng với nhiều tiêu bản đặc sắc. Đặc biệt là những đồ gốm sứ được chế tác ở nước ta vào thế kỷ thứ XVII.
Ngoài các hiện vật thu được trong đợt khai quật 1984, tại khu mộ Đống Thếch. Năm 1987 nhân dân địa phương đã đào được 4 trống đồng và nhiều hiện vật khác như đồ trang sức bằng bạc, đồng...hiện nay các hiện vật này được lưu giữ tại nhà truyền thống xã Vĩnh Đồng.
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch