Di tích lịch sử, văn hóa
Khu vực Ngã tư Đức Hòa
Xuất phát trên những ngã đường khác nhau từ các xã Bình Hòa, Thạnh Lợi, Hoà Khánh, Hựu Thạnh, Lương Hòa, Đức Hòa, Đức Lập, Mỹ Hạnh và các hướng còn lại, các đoàn gặp nhau tại khu vực ngã tư Đức Hòa vào lúc 17 giờ, và cùng tiến về phía Dinh Quận, đòi gặp quận trưởng Huỳnh Văn Đẩu (còn gọi quận Sành) để giải quyết các yêu sách của ta.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, quận Sành rất khiếp sợ không dám trực diện với nhân dân.Để đối phó với tình hình trên, địch phải xin điều binh tiếp viện. Đến 20 giờ được sự tiếp viện của địch từ hướng Chợ Lớn kéo đến- trong đó có cả cảnh sát Hóc Môn, Chợ Lớn và 20 lính mã tà của Sở cảnh sát Sài Gòn do tên cò Dreuil chỉ huy - quận Sành ra lệnh giải tán đoàn biểu tình, đe dọa quần chúng. Chúng tìm cách truy xét để tìm người cầm đầu cuộc biểu tình. Tất cả bọn lính đều được vũ trang, sẳn sàng dùng bạo lực để đàn áp đoàn người.
Sang những năm 1940-1941, người dân Đức Hòa tiếp tục hưởng ứng và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do Đảng lãnh đạo ngay chính trên quê hương mình. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng. Cũng trong thời điểm này, ở thị trấn Đức Hòa một đài xử bắn được lập nên để hành hình những chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa. Đài xử bắn được đắp hình cung (mang vóc dáng hình móng ngựa), chổ cao nhất tới 3m, dày 1m, phía trước chôn từ 4 đến 5 cọc gỗ để trói những chiến sĩ cách mạng trước khi xử bắn. Tại đây, trong 3 ngày 7-8-9/7/1941, bọn chúng đã liên tiếp xử bắn các đồng chí: Nguyễn Văn Dương (tự Vườn), Nguyễn Văn Nai, Trần Văn Móng, Phạm Văn Tuội, Nguyễn Văn Giỗ, Lê Văn Lao, Đỗ Văn Mộc, Ngô Văn Diệp, Đỗ Văn Tiệp, Nguyễn Văn Sáu, Đỗ Văn Bá. Súng nổ, máu đỏ cả trường bắn. Các chiến sĩ ta hy sinh trong sự tiếc thương của bà con khắp thị trấn Đức Hòa hôm đó.
Khu vực Ngã tư Đức Hòa với những địa điểm như: Dinh Quận gắn với cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 của hơn 5000 nhân dân Đức Hòa; Đài xử bắn các chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940-1941…là những chứng tích lịch sử tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược, và là niềm tự hào của người dân Đức Hòa nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung về tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để giành lấy nền độc lập tự do. Ngày 5/9/1989, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định số 1570-VH/QĐ công nhận Khu vực Ngã tư Đức Hòa là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
(Nguồn: longan.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch