Di tích lịch sử, văn hóa
Kinh thành Huế
Kinh thành (vòng thành ngoài) của Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, bắt đầu vào mùa hè năm 1805 và kết thúc vào năm 1832.
Việc quy hoạch Kinh thành diễn ra trong 2 năm 1803-1804, chủ yếu là do chính vua Gia Long và đại thần Nguyễn Văn Yến đi khảo sát thực địa, hoạch định mô thức kiến trúc và mặt bằng xây dựng.
So với Đô thành Phú Xuân vào cuối thời các chúa Nguyễn và được tiếp tục sử dụng dưới thời Tây Sơn (1786-1801), mặt bằng của Kinh thành được mở rộng hơn rất nhiều. Khi qui hoạch mặt bằng trên bản thiết kế, địa bàn của Kinh thành nằm chồng lên hai đoạn khá dài của 2 chi lưu bên tả ngạn sông Hương. Đó là sông Kim Long và sông Bạch Yến, đồng thời bao gồm địa phận của 8 làng vốn được thành lập trước đó mấy thế kỷ. Đó là các làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Thái, An Vân, An Hoà, An Mỹ, An Bảo và Thế Lại.
Dựa vào các nguyên tắc địa lý phong thủy của phương Đông và thuyết Âm Dương, Ngũ Hành của Dịch học, các nhà kiến trúc thời ấy đã bố trí kinh thành quay mặt về phía Nam, chọn núi Ngự Bình làm tiền án (bình phong) và cồn Hến, cồn Dã Viên trên sông để làm thế “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” chầu vào trước mặt Kinh thành.
Trong đợt thi công đầu tiên vào mùa hè năm 1805, triều Nguyễn đã huy động khoảng 30.000 dân và lính ở các tỉnh miền Trung về Huế để ngăn sông, đào hào và đắp một cái thành sơ khởi bằng đất. Công việc tiếp diễn trong nhiều năm. Đến năm 1818 thì số lính và dân công lên đến 80.000 người. Họ bắt đầu xây gạch ốp vào mặt tiền (phía Nam) và mặt hữu (phía Tây) của Kinh thành. Còn mặt tả (phía Đông) và mặt hậu (phía Bắc) thì được xây gạch ốp năm 1822. Sau đó vua Minh Mạng tiếp tục cho xây thêm tường bắn ở đỉnh mặt ngoài của vòng thành vào các năm 1831, 1832.
Kinh thành Huế có dạng mặt bằng gần như là một hình vuông, chỉ riêng mặt trước hơi khum ra như hình cánh cung, vì mặt thành này phải chạy theo chiều uốn nhẹ của đoạn sông Hương chảy qua trước mặt nó.
Chu vi của vòng thành xây bó bằng gạch là 10.571 m. Bề dày trung bình của thân thành là 21,50 m, bao gồm bề dày của phần mô thành đắp bằng đất ở giữa là 18,50 m và lớp gạch xây bó ở mặt ngoài là 2m và lớp gạch xây bó ở mặt trong là 1m. Trên thành (thường được gọi là trên thượng thành) không phải là một mặt phẳng, mà được đắp giật cấp, tạo thành 3 dải đất thấp dần kể từ ngoài vào phía Thành Nội. Mặt thành ngoài cao 6,60 m, mặt thành trong chỉ cao 2,10 m. Diện tích của địa bàn Thành Nội là 520 ha (tức là 5,20 km2).
Chung quanh Kinh thành có 10 cửa được xây dựng vào năm 1809. Nhưng những vọng lâu hai tầng bên trên các cửa thành thì đến những năm 1824, 1829 và 1831 mới được thực hiện. Ngoài 10 cửa chính, Kinh thành còn có một cửa phụ, không xây vọng lâu bên trên, dùng để thông thương với Trấn Bình đài; và 2 thuỷ quan ở 2 đầu của Ngự hà để cho dòng nước của sông này lưu thông với hệ thống hào, Hộ Thành hà và sông Hương.
Các cửa thành đã được triều đình đặt tên riêng tuỳ theo phương hướng từ trung tâm Thành Nội nhìn ra, ví dụ: Chánh Đông môn, Đông Nam môn, Chánh Nam môn, Tây Nam môn, Chánh Bắc môn, Đông Bắc môn... Nhưng, dân chúng địa phương thì lại dùng những địa danh khác, giản dị và nôm na hơn, để gọi tên cho dễ nhớ: cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ, cửa Nhà Đồ, cửa Hữu, cửa Hậu, cửa Kẻ Trài...
Trên mặt thành đều có xây các pháo đài, giác bảo, pháo nhãn, tường bắn, vọng lâu... để canh gác, phòng thủ. Ở chính giữa mặt Kinh thành phía trước có Kỳ đài cao lớn, uy nghi.
Bên ngoài vòng thành được xây dựng rất chắc chắn ấy, còn có 2 tuyến đường thuỷ là hào, Hộ Thành hà; và một tuyến chiến luỹ được thiết lập ở dải đất nằm giữa 2 tuyến đường thuỷ ấy. Cả 3 tuyến này đều chạy dọc theo 4 mặt của Kinh thành để hỗ trợ cho nó. Có nhiều chiếc cầu bắc qua 2 tuyến đường thuỷ, nhất là trước mặt các cửa thành, để giữ chức năng giao thông về đường bộ trên địa bàn Kinh thành, và giữa địa bàn này với vùng phụ cận; chẳng hạn như cầu Thanh Long, cầu Bạch Hổ, cầu Gia Hội, cầu Đông Ba...
Kinh thành Huế được xây dựng trên cơ sở kết hợp các nguyên tắc kiến trúc của phương Đông với kỹ thuật bố phòng quân sự theo kiểu thành lũy của Vauban (Pháp) và vận dung một cách khéo léo, thích ứng vào điều kiện địa hình tại chỗ nên nó đã trở thành một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật quân sự độc đáo, một kỳ quan văn hóa của dân tộc.
Mặc dù đã chịu đựng sự tàn phá của thời gian gần 2 thế kỷ và nhất là bom đạn trong chiến tranh, Kinh thành Huế vẫn tồn tại hầu như đầy đủ diện mạo của nó. Mang giá trị cao về nhiều phương diện, toà thành cổ này đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia vào ngày 12-5-1998 và được UNESCO xem là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật quan trọng nhất thuộc Quần thể Di tích Huế, Di sản Thế giới.
(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch