Di tích lịch sử, văn hóa
Kỳ đài Huế
Kỳ đài nằm ở chính giữa, mặt trước Kinh thành, là một công trình trong tổng thể các công trình thuộc quần thể kiến trúc cố đô Huế.
Kỳ đài Huế được chính thức xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão - 1807) lúc đầu còn đơn giản, đến thời vua Minh Mạng, Kỳ đài Huế liên tục được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Kỳ đài được kiến trúc gồm hai phần: đài cờ và cột cờ.
Đài cờ được xây dựng bằng gạch gồm ba tầng, như ba tháp cụt xếp chồng lên nhau, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ dần từ dưới lên trên với tổng chiều cao là 17,5m. Trên mặt đài, trước đây có hai điếm canh và 4 pháo xưởng để bố trí 4 khẩu đại bác.
Cột cờ được dựng ở vị trí chính của mặt bằng tầng cao nhất. Lúc đầu cột cờ làm bằng gỗ. Năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay cột cờ mới (Tân kiến trụ). Năm 1904 một trận bão lớn xảy ra ở Huế gọi là trận bão năm Thìn (Giáp Thìn) cột cờ lại bị gãy, đến thời vua Thành Thái, cột cờ lại được dựng bằng chất liệu gang. Đầu năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp một lần nữa cột cờ Huế bị đổ. Đến năm 1948 Hội đồng chấp chánh lâm thời Trung Kỳ cho xây dựng cột cờ bằng cốt thép cao 37m như chúng ta hiện đang thấy. Như vậy, tổng chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh Kỳ đài là 54,5m.
Từ giữa năm 1994 đến năm 1995, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức trùng tu Kỳ đài một cách quy mô với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch