Di tích lịch sử, văn hóa
Làng chiến đấu Cự Nẫm
Phía tây Làng có khe Cái Trong đổ ra nguồn sông Son để sau đó hợp với sông Gianh đổ ra biển, ở phía bắc có đường xe lửa xuyên Việt chạy qua. Tỉnh lộ 2 từ Hoàn Lão lên xuyên qua Cự Nẫm từ đông sang tây để lên Troóc, Hà Lời, Khương Hà. Quanh làng có nhiều cao điểm độc lập hoặc liên hoàn như Cồn Tro, Cồn Nàn, Rú Nguốn, Đồng Dôn, Hố Đá... rất thuận lợi cho việc bố trí binh, hỏa lực tấn công và phòng thủ. Cự Nẫm nằm trên đường liên lạc bí mật của tỉnh, là tiền đồn phía đông, là chiếc áo giáp bên ngoài của vùng tự do Bố Trạch và của cả tỉnh (lúc bấy giờ cơ quan lãnh đạo kháng chiến huyện đóng ở Hà Lời, Cổ Giang, Troóc, Củ Lạc).
Xác định vị trí chiến lược quan trọng và địa thế hiểm yếu của Cự Nẫm đối với cuộc kháng chiến, nhận định đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đối với địa phương, quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương thành lập “làng chiến đấu” để động viên toàn dân kháng chiến. Huyện ủy Bố Trạch chỉ đạo chi bộ Đảng ở Cự Nẫm lãnh đạo nhân dân rào làng chiến đấu.
Cuối 1946, được đại đội 3, chi đội Lê Trực giúp đỡ, nhân dân rào làng thành các tuyến. Tuyến l, 2 và 3. Tuyến 3 là kiên cố nhất. Hàng ngàn bụi tre ngà, tre rỉ được nhân dân ngả xuống dựng lũy. Rào cao 3m ở tuyến 1, 2. Ở tuyến 3, lợi dụng lũy tre quanh làng, nhân dân gia cố thêm nên rất dày và kiên cố. Bên trong các tuyến rào là giao thông hào chạy xuyên các tuyến, chằng chịt như bàn cờ để du kích cơ động và ẩn nấp.
Nhân dân còn đào hầm bí mật, hố chiến đấu, đặt bẫy, gài chông. Cả làng chỉ có 2 lối vào, ra, được du kích túc trực canh gác thường xuyên. Ở vòng ngoài, ta bố trí 9 vọng gác trên các ngọn đồi cao (Rú Nguồn, Cồn Tro, Cồn Nàn, Động Sơn, Cồn Tèo, Mò Cua, Vải Chết...) để kiểm soát người qua lại trong vùng. Mỗi một vọng gác đều có hiệu lệnh riêng để báo về Sở chỉ huy khi có tình huống mới. Sở chỉ huy đặt ở đình làng, hiệu lệnh chỉ huy là tiếng trống, tiếng mõ. Trống lệnh được đặt ở vị trí vừa bí mật, vừa thuận lợi cho việc phát lệnh trong mọi tình huống. Phương án chiến đấu thống nhất giữa Sở chỉ huy với các vọng gác với lực lượng du kích và nhân dân. Những trận địa phục kích, tập kích, đón lỏng... ở Rú Nguốn, Cồn Tro, Cồn Nàn... được chuẩn bị và tập dượt chu đáo.
Lực lượng vũ trang của làng cớ 3 trung đội, do đồng chí Nguyễn Bộ làm Thôn đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Phí, Bí thư chi bộ làm chính trị viên. Trung đội cơ động có 42 đồng chí do đồng chí Hoàng Túc làm Trung đội trưởng cùng với tiểu đội Vệ quốc đoàn của đồng chí Giá là lực lượng tác chiến nòng cốt. Ngoài ra, còn một trung đội hậu cần, một trung đội liên lạc, 01 ban sơ tán có giấu gạo, vò đựng nước, chuồng gia súc và bếp nấu ăn. Hàng ngàn thúng lúa gạo do nhân dân đóng góp sức du kích chôn giấu vào lòng đất phòng bị địch bao vây lâu dài.
Thấy rõ vị trí xung yếu và lợi hại của Cự Nẫm, trung tuần tháng 4-1947, sau khi chiếm đóng thị xã Đồng Hới, thị trấn Hoàn Lão và một số xã ven quốc lộ 1A, giặc Pháp mở cuộc hành quân đánh vào Cự Nẫm. Từ các đồn xa, gần, chúng dùng trọng pháo bắn vào làng, chúng mua chuộc tay sai ngấm ngầm phá hoại. Chúng hy vọng trong một thời gian ngắn nhân dân Cự Nẫm sẽ quy thuận đầu hàng.
Trong gần một năm, từ 4-1947, đến 3-1948, giặc Pháp đã tiến hành 26 cuộc càn quét, với các hướng tấn công khác nhau. Đây là thời kỳ quân dân Cự Nẫm đấu tranh vũ trang bảo vệ làng, chống càn quét.
Những ngày quyết liệt ấy, quân dân Cự Nẫm đã lập công xuất sắc, chiến thắng bằng những trận oanh liệt, tiêu diệt 87 tên địch. Mặt khác, ta bảo vệ được đất đai, tài sản và tính mạng của nhân dân.
Với những thành tích xuất sắc ấy, UBKCHC Liên khu 4 đã biểu dương thành tích của quân và dân Cự Nẫm: “làng cự Nẫm là một làng chiến đấu kiểu mẫu của Quảng Bình. Dân làng đã tổ chức được nhiều đội du kích chiến đấu thiện chiến, gan dạ, UBKCHC xã đã biết huy động lực lượng quần chúng trong làng tham gia vào cuộc kháng chiến, do đó đương đầu được với quân Pháp từ ngày đầu xảy ra tác chiến ở Quảng Bình”.
Lo sợ “một làng chiến đấu kiểu mẫu” như Cự nẫm sẽ lan ra nhiều nơi ở Quảng Bình nên địch lại tiếp tục huy động quân đánh lớn vào Cự Nẫm trong các ngày 1, 2 và 3-3-1948.
Đây là cuộc hành quân lớn nhất của địch nhằm tiêu diệt lực lượng ta, san bằng cái chốt, Cự Nẫm để đạt cho được mục tiêu xâm lược của chúng.
Địch huy động trên 250 quân (213 là lính Âu - Phi) cho trận càn. Ngoài ra địch bắt thêm 200 dân thường đi theo làm bia đỡ đạn cho chúng. Ngoài súng cá nhân, địch còn trang bị thêm 1 đại bác 75 ky, 12 xe Jép, 30 ô tô, 7 ca nô.
Về phía ta, để phản công lại cuộc hành quân lớn nhất của địch ta huy động 3 đại đội vệ quốc đoàn, 1 đại đội du kích huyện và lực lượng quân dân tại chỗ. Vũ khí gồm súng trường, ba-dô-ka, bom, địa lôi và đao, kiếm...
4 giờ chiều 01-3-1948, lực lượng của địch đến gần Rú Nguốn. Một tổ cảm tử quân của Cự Nẫm do đồng chí Nguyễn Triêm chỉ huy đã đặt 3 quả bom ở cuối Dốc Dôn. Địch tiến vào, ta bất ngờ giật bom, diệt 45 tên địch, làm bị thương 12 tên. Bị thiệt hại nặng ngay từ đầu nhưng địch vẫn liều lĩnh tiến lên Khương Hà. Sau đó, chúng bắt dân làm đường từ Đồng Dôn vòng lên Cây Đa. Đường làm xong địch cho xe cơ giới từ Cầu Vàng tiến lên Cự Nẫm. Ta lại đặt bom và 3 chiếc đi đầu đã phải đền mạng.
Ngày 2-3-1948, cánh quân từ Khương Hà cho đại bác và súng cối bắn vào ven rừng Khương Hà và Cổ Giang để dọn đường. Sau đó chúng cho 90 tên lính tiến theo ven rừng Khương Hà để vào Cự Nẫm. Đại đội 3 đánh trả quyết liệt làm địch không thể vào làng được. Đến chiều ta tổ chức phản kích mạnh ở Rào Bùng, Gia Hưng làm địch bị thiệt hại thêm nhiều sinh lực.
Cùng ngày, địch tăng viện bằng đường thủy từ Thanh Khê lên, du kích ta bố trí dọc sông đã bắn trọng thương 1 ca nô.
Sáng ngày 3-3, ta và địch tiếp tục giành giật nhau từng vị trí, đến chiều địch phải rút quân ở nhiều nơi. Tối đến, lực lượng địch có viện binh, so sánh lực lượng, vũ khí quá chênh lệch nên ta chủ động rút lui về tuyến thứ 2.
Sau 3 ngày chiến đấu, quân và dân Cự nẫm đã tiêu diệt gần 100 tên địch, phá hỏng 4 xe quân sự, 1 ca nô; phía ta bị địch giết 30 người, bị cướp mất 70 trâu bò.
Cự nẫm đã nêu gương sáng về tinh thần chiến đấu ngoan cường, hy sinh dũng cảm, đi đầu trong phong trào rào làng chiến đấu bảo vệ quê hương. Cự nẫm được UBKCHC Liên khu 4 nêu gương và phát động quân dân toàn liên khu học tập.
Đóng được đồn ở Cự nẫm, giặc Pháp trả thù rất dã man. Chúng đốt làng, tàn sát dân thường, có người chúng chặt làm 3 khúc, có gia đình chúng giết sạch (như gia đình ông Thức).
Sau khi lực lượng vũ trang rút về tuyến 2, nhân dân Cự nẫm chấp hành chủ trương của UBKCHC xã thực hiện triệt để tản cư làm “vườn không nhà trống” lực lượng của ta vẫn duy trì và phát triển chiến tranh du kích, tổ chức quấy phá, tiêu hao địch. Đánh bại trên dưới 30 trận càn đưa địch đi dần vào thế bị động phải luôn luôn đối phó với du kích ta.
Địch đóng đồn ở Cự nẫm nhưng lại không kiểm soát được dân, không thể tự do đi lại càn quét, luôn bị du kích bám sát tiêu diệt nên về cơ bản chúng vẫn không thực hiện được mục tiêu.
Tháng 2-1951, trước tinh thần và hành động cương quyết của quân dân Cự nẫm, giặc Pháp buộc phải rút quân ở Cự Nẫm và các vị trí xung quanh. Tuy vậy, địch vẫn thường xuyên sử dụng máy bay, trọng pháo bắn phá Cự Nẫm.
Sau khi địch rút, nhân dân Cự nẫm từ vùng tản cư trở về làng tiếp tục cuộc kháng chiến. Quân dân Cự nẫm vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương Cự nẫm, cùng một số vùng lân cận trở thành căn cứ du kích mạnh của huyện. Trung đội du kích tập trung của Cự nẫm trở thành lực lượng nòng cốt trong đại đội bộ đội địa phương đầu tiên của lực lượng vũ trang Quảng Bình.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ, nhiều làng xã ở Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đẩy mạnh chiến tranh du kích. Nhờ đó, chiến tranh nhân dân đã phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh với những lối đánh phong phú.
Cự nẫm là làng chiến đấu xuất hiện đầu tiên, là “làng chiến đấu kiểu mẫu” ở Quảng Bình.
Nhân dân Cự nẫm đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng. Những kinh nghiệm qua thực tế ở Cự Nẫm đã đóng góp vào kho tàng kinh nghiệm chiến tranh của dân tộc, làm sâu sắc hơn nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Di tích lịch sử làng chiến đấu Cự Nẫm là niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ làng, về tinh thần cách mạng của nhân dân Cự Nẫm nói riêng, của Quảng Bình và cả nước nói chung.
Với những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Pháp, cùng với những thành tích xuất sắc trong những năm chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH, năm 1966 và năm 1970 hai lần Cự Nẫm vinh dự được Quốc hội tuyên dương đơn vị anh hùng.
Đến với di tích làng chiến đấu Cự Nẫm, du khách từ quốc lộ 1A (tại thị trấn Hoàn Lão) đi theo tỉnh lộ 2 thêm 15 km là tới. Tuyến tham quan du lịch: Đồng Hới - Cự Nẫm - Phong Nha - Đường mòn Trường Sơn chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách.
Cự Nẫm hôm nay đã có nhiều đổi thay, xóm làng sầm uất với màu xanh của lúa, của mía; màu của ngói đỏ... Một đài chiến công ở đầu làng to đẹp như mời gọi du khách đến với Cự Nẫm, đến thăm một làng chiến đấu kiểu mẫu trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
(Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch