Di tích lịch sử, văn hóa
Lăng Hòa Lợi
Vì rằng, khi đã có hoạt động thờ cúng và đã có cơ sở thờ tự thì mới đủ điều kiện để vua ban sắc phong.
Theo lời các cụ cao niên ở địa phương, việc xây dựng lăng Hòa Lợi có liên quan đến một sự tích là: Từ thuở mới lập làng, có một Ông (cá voi) lụy vào bờ đầm Cù Mông, phía trước làng Hòa Lợi ngày nay. Do xác Ông rất to lớn, lúc bấy giờ dân làng còn ít, chưa đủ sức để chôn cất nên dùng cây cối để chắn sóng và bảo vệ xung quanh để xác Ông tự phân hủy. Sau đó, dân làng đã đưa phần di cốt Ông về chôn cất. Tương truyền, mỗi đốt xương cá Ông có đến 8 người khiêng. Tại vị trí Ông lụy nay còn địa danh là Cồn Ông. Còn tại nơi chôn phần ngọc cốt Ông, sau đó dân làng đã xây dựng lăng thờ Ông, đây chính là lăng Hòa Lợi ngày nay. Lăng Hòa Lợi có mặt tiền quay về hướng Nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Ngay phía trước lăng, dưới nước là bến neo đậu tàu thuyền, trên bãi là nơi tập trung các loại ngư cụ của nghề biển. Vị trí di tích nằm giữa khu vực dân cư đông đúc. Từ phía đầm Cù Mông nhìn vào, có thể quan sát được toàn cảnh khu vực di tích nằm ẩn hiện dưới những chòm dừa xanh và những bóng cổ thụ che phủ. Nhìn tổng thể từ ngoài vào, những bộ phận kiến trúc chính của lăng Hòa Lợi gồm: Cổng, thành bao, bình phong, trụ biểu, nhà võ ca, tiền đường, chính điện, mộ cá Ông. Phần lớn kiến trúc di tích được xây bằng vật liệu đá vôi và hợp chất vôi, cát có pha một số phụ liệu tạo độ bền vững rất cao.
Đối tượng chính được thờ ở lăng Hòa Lợi là thần Nam Hải tức cá Ông. Đây là vị thần cao nhất, được nhân cách hóa, thể hiện qua việc thờ tượng Quan Thánh – pho tượng lớn nhất đặt ở chính điện.
Ngoài ra, ở lăng Hòa Lợi còn thờ thành hoàng bổn xứ, tiền hiền, hậu hiền, âm hồn, cô hồn,… Đặc biệt, ở đây còn thờ bộ tượng thờ của miếu thờ Bà (người địa phương gọi là lăng Bà). Di tích này có vị trí cách lăng Hòa Lợi khoảng 500m về phía Đông, đã bị phá bỏ trong tiêu thổ kháng chiến, các tượng thờ được chuyển về lăng Hòa Lợi vào khoảng năm 1947. Bộ tượng thờ này bao gồm các tượng: Mộc thần, Thủy thần, Hỏa thần, Thổ thần và một bài vị đề “Thiên Y Ngọc Phi”.
Lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa quan trọng nhất diễn ra tại di tích hàng năm. Lễ hội này được tổ chức vào đầu tháng 3 (Âm lịch). Trong đó, 2 ngày chính lễ diễn ra vào mùng 2 và mùng 3, tiếp theo là phần hội có thể kéo dài thêm 1 đến 3 ngày nữa tùy thuộc vào điều kiện của ngư dân và vạn lạch mỗi năm. Đây là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất đặc sắc. Thông qua đó, những nét đẹp phong tục được duy trì, các loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện để phát huy, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố.
Tại lăng Hòa Lợi còn bảo lưu nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Cụ thể là 3 bản sắc phong của các vua triều Nguyễn, bộ tượng thờ cổ bằng chất liệu đất nung, và những di vật, cổ vật khác. Đó là cơ sở để nghiên cứu, nhận biết về nhiều vấn đề khác nhau như lịch sử hình thành địa danh, phong tục, tín ngưỡng ở địa phương, và mối quan hệ giao lưu, giao thoa văn hóa giữa cư dân bản địa với bên ngoài.
Ngoài những giá trị trên, lăng Hòa Lợi có vị trí và môi trường cảnh quan xung quanh mang những nét đặc thù của một làng biển, lại nằm trong khu vực có nhiều di tích, thắng cảnh khác như: đảo Hòn Nần, bãi Tràm, đầm Cù Mông,… từ lâu nay lăng Hòa Lợi đã trở thành một điểm đến tham quan của du khách trong nước và quốc tế trong hành trình du lịch xuyên Việt qua Phú Yên.
Nguồn: Báo Du lịch
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch