Di tích lịch sử, văn hóa
Lăng Hoàng gia
Lăng Hoàng Gia thuộc giồng Sơn qui, xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Đường đi đến di tích bằng ôtô rất thuận tiện.
Lăng Hoàng Gia bao gồm mộ và nhà thờ dòng họ Phạm Đăng là thích lý của triều Nguyễn. Dòng họ Phạm Đăng đến đời thứ ba có ông Phạm Đăng Hưng làm quan dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Ông chính là cha của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, là ông ngoại của vua Tự Đức. Năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây đền thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng gọi là Lăng Hoàng Gia.
Một năm sau khi Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng mất tức năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc phong thuỷ dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ. Ngoài cùng là La Thành, giới hạn khuôn viên Lăng. Bên trong là Sân Chầu, với nhà Hành Lễ bên phải, nơi để dành cho mọi đến viếng Lăng. Sâu hơn nữa, Nhà Bia mà phạm vi được qui định bởi Thành Bao hình cung, mở rộng thêm nhờ hai cung Thành bao ở hai đầu. Khu vực này dành riêng cho thân tộc và vua chúa vào viếng lễ. Cấu trúc nền dốc từ trong ra ngoài, cung ranh giới Thành Bao thể hiện rõ tư tưởng phân chia giai cấp của chế độ phong kiến thời bấy giờ. Với phù điêu, những chạm trổ trên Mộ Bia, những long, lân, sư biểu tượng của giai cấp vua quan nơi Nhà Bia khẳng định uy quyền người đã khuất. Hiện nay tại Lăng có đến hai nhà bia, với lý do sau:
- Nhà Bia phía bên phải được làm vào năm 1849 bằng đá cẩm thạch trắng (đá Non Nước ở Đà Nẳng). Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn bị Pháp lấy đem vào đất Thánh Tây Mạc Đỉnh Chi làm mộ bia cho Đại Uý Berbê vừa bị nghĩa quân Trương Định bắn chết. Năm 1999 tấm bia này đã được chuyển về đây.
- Nhà Bia bên trái là bia do vua Thành Thái cho làm lại bằng đá hoa cương (đá Ganis) năm 1899. Nội dung cũng giống như tấm bia ban đầu là ghi lại công trạng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng và dòng họ Phạm ở Gò Công là "Thích Lý của triều Nguyễn".
Cùng nằm trên khuôn viên Lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật).
Cách Lăng 30m về bên phải là nhà thờ dòng họ Phạm Đăng:
- Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
- Gian tả (trái) thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long, cha của Phạm Đăng Hưng.
- Gian tả ngoài thờ Mỹ Khá tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng.
- Gian hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Danh, ông nội Phạm Đăng Hưng.
- Gian hữu ngoài thờ Thiềm Sư Phủ Phạm Đăng Khoá, ông sơ Phạm Đăng Hưng.
Nhà thờ được kiến tạo năm 1888 thời vua Thành Thái và năm 1921 thời vua Khải Định. Đây cũng là lúc nước ta chịu 30 năm thống trị của thực dân Pháp. Do vậy, kiến trúc nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng không ít những vẫn giữ kiểu nhà ba gian đậm nét Việt Nam.
Tóm lại, Lăng Hoàng Gia là một di tích lịch sử văn hoá có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Nam Bộ nói chung và Gò Công nói riêng. Vì Phạm Đăng Hưng và dòng họ của Ông là những người vào đây lập nghiệp từ đầu thế kỷ XVII (còn mộ bốn đời Phạm Đăng Hưng tại Sơn Qui.
Nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật hài hoà giữa Âu và Á nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống dân tộc được thể hiện qua các mãng chạm khắc trong nhà thờ và trên lăng mộ.
Di tích Lăng Hoàng Gia, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia năm 1992./.
(Nguồn: tiengiang.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch