Di tích lịch sử, văn hóa

Miếu Đậu

Xã Tích Sơn xưa có năm làng: Tiếc, Đậu, Sậu, Khâu, Hạ (các làng này hiện nay thuộc các phường Tích Sơn, Đống Đa và xã Định Trung - thị xã Vĩnh Yên) đều có đình, đền, miếu thờ Lỗ Đinh sơn thất vị Đại vương (7 anh em họ Lỗ). 

Hàng năm đều đặn tổ chức lễ hội và các kỳ tiệc lệ, trong đó lớn nhất và chính hội là lễ hội mồng 3 tháng giêng hay gọi theo dân gian là tiệc khao quân, mô phỏng sự kiện Thất vị Đại vương khao quân trước khi lên đường truy kích giặc Mông Cổ. Trước đây, cả phần lễ và phần hội đều tổ chức chính ở đình Cả thuộc làng Tiếc (hay Thiếc), nhưng từ năm 1947, khi đình Cả bị phá hủy, tiệc khao quân chuyển làm ở miếu Đậu.

Miếu Đậu nay thuộc làng Đậu, xã Định Trung. Miếu được xây dựng trên một khu đất rộng ở đầu làng, địa thế đẹp, vừa rộng vừa thoáng đãng, lại không xa nơi dân ở, thuận lợi làm nơi trung tâm cho mọi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Ngày nay, lễ hội mùng 3 tháng Giêng được tổ chức ở miếu Đậu vẫn mang tính chất hàng xã vì dân 5 làng Tích Sơn theo truyền thống cùng tham gia vào mọi nội dung công việc của lễ hội.  

Điều đặc biệt của lễ hội này là những nội dung đặc sắc, có tính quy mô với hàng loạt các nghi thức và trò diễn rất ý nghĩa diễn ra liên tục và sôi nổi trong suốt cuộc lễ: tiệc lợn, kéo cơm, giết gà, tế cờ, kéo co Việc chuẩn bị cho lễ hội mùng 3 tháng Giêng (đầu năm) hàng năm được bố trí thực hiện từ năm trước đó, năm nọ gối năm kia mà thành truyền thống. Người tham gia lễ hội là các trai đinh được sắp sếp theo thứ tự và có phân công công việc nhất định. Lợn tế, gà trống tế đều được chuẩn bị trước với những quy tắc và nghi thức tuân theo đúng tục lệ của làng, riêng lợn tế được chuẩn bị từ công đoạn chọn, bắt và nuôi từ tháng 11 (âm lịch) năm trước. Lễ hội bắt đầu từ sáng ngày mùng 2 tháng Giêng với lễ khai chuông, khai khánh rồi  trả tiền, cướp lễ. Sau đó là gieo chân keo và cuộc đại tiệc được mở đầu với nghi thức khai đao giết lợn. Tiếp theo là kéo cơm (thi cơm) và sát kê chiêm túc (giết gà tế xem chân). Cuối cùng là lễ tế cờ, kéo co Tất cả đều là các hoạt động mang tính nghi thức, nghi lễ mang tính thiêng và trang nghiêm thực hành liên tục trong 2 ngày liền. Tuy nhiên, do được thực hiện bởi tất cả các trai đinh trong làng nên đã thu hút toàn bộ dân làng vào cuộc lễ, và vì vậy mà lễ hội này mang tính cộng đồng cao. Những nét văn hóa độc đáo này cho thấy đây là một trong những lễ hội đặc sắc hiếm thấy trong vùng. Ngoài tính chất mô phỏng tiệc khao quân, những nghi thức như: giết lợn không cạo lông, nấu những nồi cơm trắng đầy ắp, làm gà tế vẫn để cả lông đuôi còn mang ý nghĩa gắn với tư tưởng cầu mưa, cầu được mùa của cư dân nông nghiệp làm lúa nước. Về bản chất, có thể coi đây cũng chính là một lễ hội dân gian tiêu biểu mang những đặc trưng văn hóa phi vật thể của vùng đồng bằng Bắc Bộ.   

 

alt

Ở miếu Đậu, điểm đáng chú ý là tuy đã được trùng tu lớn dưới thời Nguyễn nhưng vẫn còn những phần kiến trúc và điêu khắc mang phong cách nghệ thuật Hậu Lê. Mặt bằng miếu theo kiểu chữ “công” gồm 3 tòa: tiền tế 5 gian, hậu cung 5 gian và 1 gian ống muống, quy mô khá đồ sộ nhưng vẫn rất gọn gàng, kiểu dáng đẹp. Mái gian giữa tòa tiền tế và gian giữa tòa hậu cung được làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái nhô cao hẳn lên. Tòa tiền tế và hậu cung có kiến trúc 4 hàng chân, thấp nhưng vững chãi; kết cấu khung gỗ về cơ bản thuộc về thời Nguyễn (khoảng giữa thế kỷ XIX) với các bộ vì theo kiểu chồng rường hoặc chồng rường  giá chiêng. Về điêu khắc: có một số bức chạm xung quanh khám thờ trang trí hình rồng chầu mặt trời, hổ phù càm chữ thọ, phượng múa, hoa lá cách điệu, tuy ít nhưng tinh tế và đặc sắc, đủ cho thấy nghệ thuật chạm khắc điêu luyện của các nghệ nhân dân gian thời xưa.

(Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *