Di tích lịch sử, văn hóa

Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự

Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự được Bộ Văn hóa - thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 722/QĐ-BVHTT ngày 25 tháng 4 năm 1998. Di itch gồm hai phần: mộ và đền thờ.

                Phần mộ là nơi an táng nhà yêu nước Đoàn Văn Cự, thủ lĩnh hội kín “Thiên địa hội” ở Biên Hòa và 16 nghĩa binh tử trận trong trận tấn công của Pháp vào bưng Kiệu năm 1905. Đây là nơi căn cứ kháng chiến của nghĩa binh “Thiên địa hội” Biên Hòa. Ngôi mộ tọa lạc trên khu bình địa, sát bên dòng suối Linh Tuyền, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 8 km. Ban đầu chỉ là ngôi mộ chôn cất đơn sơ; năm 1956 được nhân dân địa phương xây đắp lại nhưng quy mô nhỏ, mãi đến 1990 ngôi mộ mới được xây dựng bề thế như hiện nay. Ngôi mộ hình chữ nhật dài 16,5 m, rộng 2 m cao 0,75 m, phía sau là ngôi miếu nhỏ thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh. Khu mộ được bảo vệ bởi hai vòng rào bằng gạch, có cổng ra vào, gần như bao quanh khu mộ là dòng suối Linh Tuyền.

Ngôi đình cũng được xây dựng từ năm 1956, cách phần mộ khoảng 1km về hướng Đông Bắc. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng gần 3000 m2, thuộc phường Tam Hiệp, trên quốc lộ 15. Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc chữ tam (/) gồm hai phần chính: nhà võ ca và chánh điện.

Nhà võ ca có diện tích 303,75 m2 đối diện với đền thờ chính. Bên trong có sân khấu nhỏ dùng để hát bội trong những dịp lễ. Một sân khấu đối diện với chánh điện.

Trước khi vào chánh điện phải qua nhà Bái. Đây là nơi khách thập phương ra vào hành lễ. Nối tiếp nhà Bái là chánh điện; phía sau chánh điện là nhà khách và nhà bếp.

Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa (nay là quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình nho học yêu nước. Ông lãnh đạo hội kín thiên địa hội ở Biên Hòa, một tổ chức yêu nước chống Pháp. Ông đã quy tụ đông đảo lực lượng  nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp (trước khi Đảng Cộng Sản ra đời). Để ngăn chặn ảnh hưởng và dập tắt phong trào ngay từ trong trứng nước, sáng ngày 12 tháng 4 năm 1905 một tiểu đội lính mã tà do tên Sen Đầm chỉ huy kéo xuống bao vây căn cứ Bưng Kiệu. Tên quan ba cùng tốp lính vượt suối Linh tiến vào. Đúng lúc không có quân canh phòng giặc Pháp ồ ạt tấn công. Đoàn Văn Cự đã bị trúng đạn hy sinh trước bàn thờ tổ cúng 16 nghĩa binh. Sau đó nhân dân địa phương đã an táng Ông và 16 nghĩa binh cùng một ngôi mộ.

Mặc dù thời gian đã trôi qua, tấm gương can liệt của Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa Binh  vẫn mãi là tấm gương sáng về lòng yêu mến sự hy sinh của ông và các nghĩa binh mãi mãi được lịch sử lưu danh và ghi nhớ muôn đời.

Do ảnh hưởng và tác động của môi trường, sự biến đổi của dòng suối Linh Tuyền làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngôi mộ. Tỉnh Đồng Nai đang lập đề án trình Bộ Văn hóa - Thông tin xin dời mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh về đền thờ tại phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa.

(Nguồn: dongnai.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *