Di tích lịch sử, văn hóa
Ngôi nhà số 7 Bến Ngự: Niềm tự hào của Thành Nam
Nằm giữa lòng Thành phố Nam Định, trải qua trên 160 năm tuổi, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự được coi là ngôi nhà cổ nhất Thành Nam hiện nay. Đây cũng là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Nam Định. Năm 1991, ngôi nhà số 7 Bến Ngự đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Theo gia phả dòng họ Trần, ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự (trước đây là số 49 phố Bến Gỗ) do cụ Trần Đình Lâm xây năm Kỷ Dậu 1849. Con trai cụ Trần Đình Lâm là Trần Doãn Đạt, đích tôn là Trần Bích San đều là những danh nho nổi tiếng của Thành Nam từ thế kỷ XIX. Ngôi nhà gồm từ đường rộng 5 gian và một số căn nhà phụ cận, mặt quay hướng Đông về phía sông Đào, nơi trước đây có bến Đò Chè tấp nập thuyền bè qua lại buôn bán.
Ngôi nhà được dựng theo kiểu kiến trúc thuần Việt, tường xây bằng gạch thất, mái lợp ngói nam, các cột câu đầu, xà nhà, lá mái đều được làm bằng gỗ lim chắc chắn. Ở gian chính giữa là một bệ thờ bằng gạch, trên bệ hiện còn đặt 9 hộp khám nhỏ, bên trong đặt các bức Thần chủ bằng gỗ ghi tên tuổi, chức tước của các vị trong dòng họ. Ngay phía trên bệ thờ được treo một bức đại tự sơn son thếp vàng đề 4 chữ “Định thế tải đức” (dịch là: Cõi trần đẹp đẽ ghi nhớ công đức). Gia phả dòng họ có ghi lại: Cụ Trần Đình Lâm mặc dù mắt kém nhưng là người rất chăm chỉ dạy con học hành thành đạt. Trần Doãn Đạt được vỡ lòng chữ nghĩa và nên người qua người cha rất mực yêu thương, ông thi đỗ Phó bảng, làm quan đến chức án sát sứ huyện Hưng Hoá. Trần Doãn Đạt cũng là một người cha mẫu mực, rất quan tâm đến việc học hành của các con. Con cả Trần Bích San sớm thành đạt, năm 25 tuổi, ông đã trở thành người đầu tiên ở trấn Sơn Nam đỗ đầu cả 3 khoa thi: thi hương, thi hội, thi đình, được mệnh danh là Tam nguyên Vị Xuyên. Em ruột Trần Bích San là Trần Đình Lân cũng là người đỗ đạt, được cử làm Tri phủ Nho Quan. Năm 1883, thực dân Pháp tấn công Nam Định lần thứ 2, khi chiếm được Thành Nam Định, thấy ngôi nhà khang trang, bề thế, chúng đã chiếm làm chỗ ở và làm việc cho viên Công sứ, sau lại được giao về tay Tổng đốc Nam Định là Cao Xuân Dục. Sau này các môn sinh của cụ Trần Đình Lâm đã góp tiền mua lại ngôi nhà để lấy chỗ thờ thầy học. Khoảng năm 1915-1916, ông Lương Ngọc Quyến cùng các ông Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thông Hữu cũng về ẩn náu tại ngôi nhà số 7 Bến Ngự. Năm 1924, sau khi thành lập Tâm tâm xã ở Quảng Châu, đồng chí Lê Hồng Sơn lấy nơi này làm chỗ liên lạc với anh em ở trong nước. Rồi từ đây ông Nguyễn Công Thụ cùng cụ Đinh Trương Dương đã thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Nam Định và khu vực Bắc Bộ. Đây cũng là địa điểm tập trung, liên lạc đưa thanh niên yêu nước sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ cách mạng cho Đảng. Từ năm 1927 trở đi, đồng chí Nguyễn Danh Đới hoạt động ở Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vẫn lấy nơi này làm chỗ ở và hội họp.
Như vậy vượt lên trên giá trị là một từ đường của một dòng họ có truyền thống khoa bảng - nơi sinh trưởng của vị Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San, ngôi nhà số 7 Bến Ngự còn có giá trị lớn về lịch sử, là nơi đã từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như việc Pháp đánh chiếm Thành Nam Định, đây cũng là nơi hội tụ của phong trào văn thân thời kỳ tiền cách mạng. Ngôi nhà với truyền thống yêu nước của gia tộc đã tạo thành một cơ sở cách mạng không chỉ của Nam Định lúc bấy giờ mà còn là nơi hội tụ của nhiều sỹ phu yêu nước, cơ sở của nhiều chiến sỹ cách mạng của nhiều tỉnh, thành về chắp nối, bắt liên lạc. Với những giá trị to lớn đó, năm 1991, ngôi nhà số 7 Bến Ngự đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
(Nguồn: baonamdinh.com.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch