Di tích lịch sử, văn hóa
Nhà cổ ở Ðường Lâm
Nhà cổ ở Ðường Lâm được xây cất bằng các loại vật liệu đặc trưng của vùng xứ Ðoài, chủ yếu là bằng gỗ và gạch. Gỗ gồm các loại "tứ thiết" đinh, lim, sến, táu... đến các loại như: xoan, mít, xà cừ...; gạch gồm các loại như: gạch Bát Tràng, gạch chỉ, gạch thẻ, đá xanh, gạch xỉ. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là gạch đá ong - thứ vật liệu được nhân dân khai thác ngay tại lòng đất Ðường Lâm. Ðá ong còn được sử dụng trong các công trình di tích như: đình, đền, chùa, miếu, quán, điếm. Vì thế, làng này còn có tên là "Làng Việt cổ đá ong".
Nhà cổ thường quay về hướng nam, tường được xây bằng gạch đá ong càng bảo đảm mát mẻ về mùa hạ, ấm áp về mùa đông. Cổng vào nhà nào cũng có tay nắm được chế tác bằng gỗ mộc, hai cánh cửa cổng được đẩy vào trong, cổng được làm hai mái nhỏ. Những ngôi nhà to được thiết kế theo kiểu năm gian, hai dĩ. Các cấu kiện được gắn kết theo lối cổ truyền, hoàn toàn dùng mộng mà không cần đến chiếc đinh sắt nào.
Nhà được bố trí nhiều cửa, có bức bình phong ở trước để ngăn cản những điều xấu xâm nhập vào nhà. Cửa được chia làm hai loại: bức bàn và cánh phố. Cửa cánh phố có thể nhấc ra lắp vào một cách dễ dàng. Thiết kế như vậy để phù hợp cho nhà có việc lớn, gia chủ có thể nhấc ra đặt xuống đất thay chiếu, tạo cảm giác thoáng nhà. Gian giữa là nơi đặt các ban thờ tổ tiên, dưới ban thờ thường đặt một bộ sập hay phản bằng gỗ lim; hai gian cạnh gian giữa phía trái hoặc phía phải là nơi đặt bộ trường kỷ. Có một số nhà được thiết kế theo lối "nội tự ngoại khách" (bên trong để thờ, bên ngoài tiếp khách), không có hiên nhà. Hai gian buồng là nơi dành cho con gái hoặc con dâu ở, cũng là nơi đặt gian hòm đựng lương thực, vật dụng gia đình. Nếu buồng rộng, gia chủ mắc cánh võng đay để nằm nghỉ. Ngoài hiên nhà, thông thường có đặt chõng tre.
Trong nhà cổ, các gia đình còn lưu giữ rất nhiều hiện vật quý như: đồ thờ, gia phả; ghế, cối đá, tranh ảnh... Góc sân các nhà thường để một số chum, hũ đựng tương. Chum tương ấy được ví như chiếc tủ lạnh tự nhiên. Ngày xưa, người ta thường ủ trong đó những khẩu thịt lợn luộc qua, hay để muối cà ăn dần.
Một số dòng họ lớn trong làng cổ như: họ Phan, Hà, Ðỗ, Giang, Kiều, Tạ... thường đứng ra tổ chức họp vào dịp cuối tháng Chạp. Ngày này, con cháu dòng họ dù công tác ở nơi nào đều dành thời gian để về với quê hương, kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ tới các vị anh linh, tổ tiên nơi chín suối.
Quần thể di tích Làng cổ ở Ðường Lâm còn lưu giữ, bảo tồn nhiều ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt, trong đó thôn Mông Phụ tập trung nhiều nhà nhất. Nhiều gia đình nhạy bén đã biết khai thác tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, nhiều cấu kiện, hạng mục trong những nhà cổ bị xuống cấp, hư hỏng. Ngoài sự đóng góp bằng công sức, vật chất của chính gia chủ, Nhà nước và chính quyền địa phương cần thường xuyên đầu tư, quan tâm hơn nữa trong việc bổ sung nguồn kinh phí để chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý, bảo tồn, phục dựng những ngôi nhà cổ. Ðó là những tài sản vô giá mà cộng đồng xã hội phải có trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ con cháu mai sau.
Nguồn: Báo Nhân dân
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch