Di tích lịch sử, văn hóa
Niết Bàn Tịnh Xá
Ở phía trước chùa là một cột cờ cao 21m, được làm thành 42 bậc biểu tượng cho 42 trang kinh phật đầu tiên được lưu truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ 2. Cổng chùa có 4 chữ "NIẾT BÀN TỊNH XÁ" tức là nơi thanh cao nhất của đạo Phật. Hai bên cổng chùa là 2 pho tượng "Thần Thiện" và "Thần Ác".
Khu điện thờ chính của chùa được bày trí thành một vườn hoa Sala theo cảnh Đức Phật nhập Niết Bàn. Nổi bật trong khu Chánh điện này là bức tượng "Phật Nằm", dài 12m tượng trưng cho "Thập Nhị Nhân Duyên" và được đặt lên bệ thờ cao 2,5m. Mặt ngoài của bệ thờ có đắp hình tượng các đồ đệ của Phật Thích Ca đang chứng kiến lúc Ngài nhập điện.
Phía trước chánh điện có một chiếc lư đồng với hình tượng "Tứ Linh" Long, Lân, Qui, Phụng. Chiếc lư này là kết quả sau hơn hai năm lao động nghệ thuật miệt mài của một nghệ nhân ở tỉnh Bến Tre và đem tặng cho chùa năm 1971. Song song với lư ở hai bên là hai toà tháp cao khoảng 5m. Toà bên trái có tượng Phật A Di Đà, toà bên phải có tượng Phật Dược Sư.
Hậu điện dùng làm nơi thờ Phật Thích Ca và các vị tổ đã có công truyền bá Đạo Phật. Sau tượng Phật Thích Ca có treo một bức tranh vẽ hình "Đạt Ma Sư Tổ" là vị cao tăng đầu tiên truyền bá giáo lý nhà Phật Việt Nam.
Tầng hai có chiếc thuyền rồng còn gọi là thuyền Bát Nhã dài 12m. Đó là thuyền Bát Nhã sẽ cứu vớt mọi người ra khỏi khổ ải rồi đưa đến chốn vĩnh cửu bất diệt.
Phía sau thuyền Bát Nhã là điện thờ Phật Quan Âm Bồ Tát. Tượng Phật được thể hiện theo hình dáng một phụ nữ hiền hoà đức độ, tay đổ bình nước cam lồ xuống để chữa bệnh cho dân chúng và làm cho cõi trần thêm sạch.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch