Di tích lịch sử, văn hóa
Thành Cổ Luy Lâu
Nếu Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) là đô thị sớm nhất trong lịch sử nước ta, thì Luy Lâu đã đứng hàng thứ hai. Nhưng có lẽ không có thành thị cổ nào ở nước ta thời Phong Kiến lại có sự phát triển thăng trầm như Thành Luy Lâu.
Thành Cổ Luy Lâu còn có tên gọi khác là Siêu Loại, Lũng Khê, thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi thành gắn liền với thời kỳ giặc phương Bắc xâm lược nước ta từ Tây Hán...nhà Đường. Chúng xây dựng Luy Lâu thành một trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế, tôn giáo...nhằm xâm lược thôn tính lâu dài, áp bức bóc lột đồng hoá nhân dân ta, dân tộc ta.
Thành Luy Lâu có cấu trúc dạng hình học chữ nhật quy mô lớn với luỹ, hào, cửa, vọng gác...với diện tích khoảng (3000mx 200m) nằm hơi chếch theo hướng Tây Nam. Phía đông thành nằm trọn trong thôn Lũng Khê. Phía Tây và một phần phía Bắc thành giáp xã Trí Quả, Phía Nam giáp xã Thanh Khương, phía Tây và Nam thành có con sông Dâu lại là một ngoại hào tự nhiên bao bọc toà Thành, đồng thời là đường giao thông thuỷ rất quan trọng. Trước đây, 4 góc thành có 4 trạm gác gọi là ' Tứ trấn", ở đoạn giữa phần quay ra sông Dâu có một ngôi nàh nhỏ gọi là Vọng Giang Lâu với lối kiến trúc thời Lê Mạt.
Để tìm hiểu các đoạn tường thành được đắp qua các thời đại, các nhà khảo cổ học đã cắt một đoạn thành còn tương đối nguyên vẹn ở giữa góc Tây Nam dài hơn 13m, rộng 2m, sâu 6m. đã cho thấy: từ mặt xuống sâu 1,5m chỉ gặp đồ gốm sứ có niên đại Lý - Trần, ở độ sâu 1,5 xuống 4,5m thấy nhiều di vật kiến trúc như đầu ngói ống có trang trí hoa văn, gạch xây dựng có trang trí văn chám đơn, chám lồng có niên đại từ thời Lục Triều - Tuỳ Đường. Đến lớp cuối cùng tìm thấy nhiều mảnh nồi, vò bát, xương động vật và than tro, những di vật mang đặc trưng sản phẩm của thời Đông Hán muộn, thời kỳ mà Sỹ Nhiếp có mặt tại đây.
Với những giá trị lịch sử to lớn đó, thành Luy Lâu đã sớm được nhà nước đầu tư, nghiên cứu, bảo vệ và xếp hạng từ ngày 13/1/1964 theo quyết định số 29/VHQĐ công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tuy nhiên, toà thành hiện nay chỉ còn lại một bãi đất trống với một đoạn tường thành còn sót lại, những di tích mộ táng, khu cư trú, hào sâu, thành đất cao tất cả đều đã và đang bị con người xâm hại.
(Nguồn: bacninh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch