Di tích lịch sử, văn hóa
Tháp Phổ Minh
Chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp nằm cách khu di tích đền Trần khoảng 300m về phía tây. Công trình có giá trị nhất giữ vai trò chủ đạo ở chùa là cây tháp Phổ Minh. Tháp được xây dựng ngay trước cửa nhà bái đường là một kiến trúc quy mô của thời Trần còn lại cho đến ngày nay. So với tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phú, tháp Huệ Quang ở Yên Tử, Quảng Ninh thì tháp Phổ Minh không những cao hơn mà còn tương đối nguyên vẹn.
Lúc đầu tháp được xây bằng gạch, bắt mạch để trần không trát. Tầng dưới cùng bằng đá là hình ảnh của một cỗ kiệu. Mười ba tầng trên xây gạch. Cạnh ngoài của gạch một số dưới trang trí hình rồng hoặc có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” (năm Hưng Long thứ 13 -1305) là năm làm gạch dưới triều vua Trần Anh Tông. Qua nhiều lần tu sửa Bảo tàng Nam Định lấy một số gạch loại này trưng bày tại Bảo tàng cổ vật của tỉnh.
Gạch xây tháp cấu tạo rất công phu, đất luyện mịn, độ nung cao nhưng gạch vẫn giữ được màu đỏ được ánh sáng chói chang của vùng nhiệt đới chiếu rọi càng thêm rực rỡ nhưng lại không trơ trọi mà hòa vào mái chùa cổ kính và bóng những cây đại thụ xung quanh. Theo nhân dân địa phương cho biết thì trước đây ở mỗi đầu đao của mỗi tầng tháp có treo những bộ đỉnh đang (gồm một chuông con ở giữa và bốn góc có cái khánh đều làm bằng đồng) mỗi khi gió thổi, chúng va vào nhau tạo thành những âm thanh rất vui tai.
Chiều cao của cây tháp căn cứ vào số đo của lần tu sửa tháng 6 năm 1987 là 19,51m. Tháp được xây trên một cái sân vuông vắn, mỗi chiều dài 8,60m, có độ sâu 0,45m so với mặt đất, xung quanh có tường hoa bao bọc. Bệ tháp và ở ngay tầng một là hai lớp cánh sen chạy bao quanh, cánh nở bung. Cây tháp như được mọc và vươn lên trời cao từ một bông sen. Khu sân trũng tượng trưng cho một hồ nước nhưng không có nước, thay vào đó là những băng hoa văn sóng nước được khắc ở chân bệ gồm nhiều tầng nhiều lớp để xây ấn tượng của mặt nước xung quanh đóa hoa sen khổng lồ ở chân tháp. Đây là một nét khái quát, một biểu tượng của kiến trúc Việt Nam đã từng được xây dựng từ thời Lý, đó là ngôi chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở kinh đô Thăng Long. Nhìn toàn bộ cây tháp thể hiện cho cái tâm hồn của Phật, giống như đóa sen mọc từ bùn lầy nước đọng nhưng vẫn ngát hương.
Bệ tháp được xây bằng đá tạo thành một khối hộp kín. Phần trên bệ là một kiệu cũng bằng đá. Kiệu có những đường xà gác trên bốn cột của bốn góc, tạo thành cáii khung ở mỗi mặt. Các đường xà có một đường gờ xoắn thành một làn mây cách điệu như góp phần nâng khối đá lên để giảm bớt sự nặng nề của cả cỗ kiệu. Dưới đáy và phía trên của kiệu đá có một lớp cánh sen bao quanh bốn mặt. Mười ba tầng tháp xây trên nóc kiệu hoàn toàn bằng gạch. Các tầng mái ở đây được xây gạch nhô dần ra thành nhiều cấp uốn cong lên, hòa vào cái thế vươn chung của toàn bộ cây tháp. Càng lên cao các tầng thu hẹp dần và kết thúc bằng một quả hồ lô.
Mặt bằng cây tháp được bố cục vuông vắn, mỗi cạnh dài 5m20. Các tầng đều có bốn cửa làm theo lối cuốn tò vò bằng đá. Kiệu ở tầng dưới cũng có bốn cửa vòm cao tới 1,29m để đi vào trong tháp.
Cây tháp được xây dựng với kỹ thuật cao. Tháp có trọng lượng khoảng 700 tấn, nằm trên một tiết diện nhỏ ba chục mét vuông tại một vùng đồng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững suốt bảy thế kỷ qua.
Các mặt của phần bệ và kiệu đá cùng 52 cửa tò vò đều được chạm khắc khá công phu. Hình trang trí phổ biến nhất là hoa cúc, hoa sen cách điệu và sóng nước mây trời. Hoa sen tạo thành hai đài sen ở phía trên và dưới kiệu đá. Mỗi đài sen gồm hai lớp cánh cách điệu ken nhau và xếp thành hai lớp sấp ngửa tạo thành một cặp như thể hiện yếu tố âm dương. Hoa cúc được trang trí thành từng cụm dây leo cuộn lại, bao lấy một đóa hoa tròn to ở giữa. Đây là loại hoa có hương thơm thoang thoảng, kín đáo. Nó biểu hiện cho vẻ thanh tao mà khiêm nhường, tượng trưng cho tính thanh đạm, do đó hoa cúc gần với Đạo giáo hơn Phật giáo. Qua hình tượng nghệ thuật này có thể phần nào phản ảnh tính chất pha trộn kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo ở thời Trần.
Sen, cúc là hai mô típ trang trí chủ yếu nhưng do sự sáng tạo trong bố cục nên rất hài hòa không có sự trùng lập. Ở những mảng rộng thể hiện các bông hoa và những nhành lá lớn, còn các cửa nhỏ có bề mặt hẹp thì bố cục theo phong cách dây leo cuộn lại và nối tiếp nhau, đường nét uyển chuyển. Nhờ phương pháp chạm sâu, gọt tỉa công phu nên các hoa văn sinh động mềm mại.
Rất tiếc vào cuối thế kỷ XVIII ba tầng trên đã bị sửa lại. Năm 1916 Trương Văn Thái một nhà buôn ở Hà Nội về tu sửa chùa đã cho trát vữa lên tháp phủ kín những họa tiết trang trí trên gạch, làm ảnh hưởng một phần đến công trình mỹ thuật này.
Chùa Phổ Minh đã từng là nơi tu hành của nhiều su tăng cao cấp. Vua Trần Nhân Tông người có công lao lớn trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông và là vị tổ thứ nhất phái Phật giáo Trúc Lâm đã về tu ở đây một thời gian trước khi ra tu ở Yên Tử. Sau khi ông mất xác đã được hỏa táng. Theo truyền thuyết xá lị của Trần Nhân Tông có 21 viên, 7 viên được táng ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh), 7 viên táng ở chùa Phả Lại (Hải Dương) còn 7 viên đưa về quê hương Tức Mặc. Vua Trần Anh Tông đưa xá lị của cha vào một hòm đá quý rồi đặt vào trong tháp Phổ Minh ở trước chùa. Lịch triều hiến chương loại chí của Pham Huy Chú đã xác nhận, vào năm 1789 trấn phủ Hải Dương đã phá tháp để lấy đồng nhưng đến tầng thứ hai gặp hòm xá lị nên cho xây lại. Tấm bia khắc năm Gia Long 17 (1819) hiện đặt tại chùa đã công nhận việc phá tháp ở thời Tây Sơn cụ thể ở những tầng trên là có. Lần tu sửa năm 1987 do Sở Văn hóa Thông Tin chủ trì, dỡ ba tầng tháp trên cùng vào sâu một phần ba thân tháp, đến tầng thứ ba đã gặp mặt bên của một hòn đá, có kích thước 0,50m x 0,42m. Hai bên và trên dưới có bốn tấm đá ghép lại có độ dày 0,75m. Vì chưa có điều kiện mở hòm đá ra, nên chưa rõ bên trong có gì. Căn cứ vào những tư liệu trên thì đây có thể là hòm đựng xá lị Trần Nhân Tông.
Ngọn tháp Phổ Minh vươn cao trên trời xanh cùng toàn bộ di tích nhà Trần ở đây là những di sản quý báu của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Nam Định.
(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch