Di tích lịch sử, văn hóa

Văn miếu Bắc Ninh

Sức hút từ văn hoá truyền thống chính là thế mạnh đầy tiềm năng để phát triển ngành du lịch Bắc Ninh. Một trong số những di tích lịch sử văn hoá có giá trị tiêu biểu, phản ánh rõ nét nhất truyền thống khoa bảng vẻ vang vùng đất Kinh Bắc chính là Văn miếu Bắc Ninh. Văn miếu Bắc Ninh nổi tiếng với 677 vị tiến sĩ của xứ Kinh Bắc (chiếm gần một phần tư tổng số tiến sĩ cả nước) được ghi danh. Với những giá trị vật thể và phi vật thể còn tồn tại của Văn miếu Bắc Ninh đã khẳng định truyền thống hiếu học của lớp lớp các thế hệ con người quê hương Kinh Bắc. Chúng ta có quyền tự hào vì quê hương mến yêu có bề dày truyền thống sinh thành, nuôi dưỡng: “Một giỏ ông Đồ/ Một bồ ông Cống/Một đống ông Nghè/ Một bè Tiến sỹ/Một bị Trạng nguyên/Một thuyền Bảng nhãn”.

Văn miếu Bắc Ninh được khởi dựng tại vùng sơn phận Thị Cầu thuộc tổng Đỗ Xá huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc vào thời Lê Sơ, cách đây hàng trăm năm trước. Cùng với sự thăng trầm phát triển của đất nước, Văn miếu Bắc Ninh cũng trải qua rất nhiều lần tu bổ, tôn tạo và chuyển đổi vị trí. Năm 1893, Văn miếu được xây dựng trên đỉnh núi Phúc Sơn thuộc xóm 10 (Phường Đại Phúc – TP Bắc Ninh). Tổng thể công trình Văn miếu gồm: Tiền Tế (5 gian), Hậu Đường (5 gian) hai bên hồi Hậu Đường là Bi Đình (3 gian), hai bên hồi Tiền Đường là Hội Đồng trị sự và Tạo Soạn; hai bên sân trước Tiền Tế là nhà Tả Vu, Hữu Vu; chính diện có bia bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” khắc dựng năm 1928. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ lim được bào trơn đóng bén. Tại đây thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 12 tấm bia lưu danh 677 vị tiến sĩ quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Lâm, Văn Giang thuộc Hưng Yên).

Có thể nói nét đặc sắc nổi trội trong số toàn bộ những giá trị còn tồn tại của Văn miếu Bắc Ninh chính là 15 tấm bia đá. Trong đó, 12 bia “Kim bảng lưu phương” có kích thước lòng bia như nhau (110cm x70cm), trán bia cong và được trang trí lưỡng long chầu mặt trời, ở diềm bên phải của mỗi bia được khắc vị trí của bia đó trong nhà bia. Một bia phụ nhỏ có kích thước lòng bia (70cm x 40cm) khắc vào năm 1896 ghi chép lại số ruộng do các quan viên tỉnh Bắc Ninh cung tiến vào Văn miếu để làm từ điền. Một bia nhỏ nữa hiện đang được dựng ở đầu hồi phía trái trong nhà bia có tên “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký”có số đo lòng bia là 50cm x 30cm, dựng vào năm 1912, ghi chép việc chuyển vị trí Văn miếu từ Thị Cầu về núi Phúc Sơn. Hai tấm bia nhỏ này không có hoa văn trang trí ở trán bia. Và đặc biệt còn một tấm bia có kích thước lớn gần 10 m2, được coi là bảo vật của Văn miếu, hiện được dựng ở ngoài sân mang tên “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký”, khắc vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928). 15 tấm bia đá là những trang lịch sử văn hoá - giáo dục, những cứ liệu vô cùng giá trị giúp nghiên cứu về lịch sử của nhiều vấn đề phong phú thuộc thế hệ cha ông.

Văn miếu Bắc Ninh đã được coi là trung tâm nghiên cứu giáo dục truyền thống hiếu học của Bắc Ninh - Kinh Bắc. Chính vì thế, Văn miếu Bắc Ninh sẽ trở thành điểm du lịch văn hoá truyền thống đặc sắc nhất để du khách được tham quan, ngắm cảnh và hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị truyền thống văn hoá, giáo dục, nghệ thuật… của con người xứ Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung  trong lịch sử cũng như hiện tại và tương lai.

(Nguồn: vanhoattdlbacninh.gov.vn)


 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *