Di tích lịch sử, văn hóa
Văn Miếu Huế
Địa điểm: Xã Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Văn Miếu hay Văn Thánh là cách gọi tắt tên của một ngôi miếu: Văn Thánh Miếu, ngôi miếu thờ đức Khổng Tử - người được hậu thế tôn vinh là Vạn Thế sư biểu (người thầy của muôn đời).
Trước đây, các chúa Nguyễn đã xây dựng Văn Miếu tại thủ phủ và đã thay đổi vị trí qua ba địa điểm khác nhau: làng Triều Sơn, làng Lương Quán, làng Long Hồ.
Năm 1808, dưới triều vua Gia Long, Văn Miếu Huế được xây dựng ở địa điểm hiện nay. Ngôi miếu cũ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ (tức miếu thờ cha, mẹ của Khổng Tử). Miếu được xây dựng uy nghi, đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành.
Văn Miếu quay mặt về hướng Nam. Các công trình kiến trúc chính đều xây trên mặt bằng ngọn đồi cao gần 3m so với nền đất xung quanh. Trước mặt là sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi. Các công trình của Văn Miếu được xây dựng trong mặt bằng hình vuông mỗi cạnh chừng 160m, xung quanh có xây la thành bao bọc. Tất cả có 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia tiến sỹ và 4 tấm bia khác.
Từ cổng Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là ngôi đại điện thờ Khổng Tử, gọi là Đại Thành Điện. Đại Thành Điện là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được xây dựng trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m. Cấu trúc của ngôi đại điện theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Hai bên trước Điện Đại Thành dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu đều bảy gian để thờ thất thập nhị hiền và các tiên nho.
Trước sân Miếu có hai nhà bia, bia bên phải khắc văn bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) dụ về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Tấm bia bên trái khắc bài văn bia của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị) dụ về việc bà con bên ngoại của Vua không được tham gia chính quyền. Ra khỏi cổng Đại Thành của Văn Miếu, bên trái có Hữu Văn Đường, bên phải có Dị Lễ Đường, là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở Miếu. Phía trước là hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sỹ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn. Ngoài ra còn có các công trình khác như Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), Đại Thành môn, Văn Miếu môn... Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim, kiến trúc, trang trí đăng đối, uy nghi.
Trải qua thời gian, thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, Văn Miếu Huế nay chỉ còn lại 34 tấm bia đá.
Văn Miếu Huế là một di tích lịch sử vô cùng quý giá, đánh dấu thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo - thời kỳ vương triều Nguyễn dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn đất nước.
(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch