Điểm Du lịch
Bãi Lữ
Bãi Lữ ở phía Đông Bắc của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thuộc đất của xã Nghi Yên và Nghi Tiến, nằm trong vòng cung biển Đông Nam Lạch Vạn - Cửa Hiền - Cửa Xá của tỉnh Nghệ An. Một vùng sông núi dày đặc, trời biển mênh mông với biết bao sự tích, huyền thoại và sự kiện lịch sử sống động.
Có vị khách văn chương nọ đến thăm Bãi Lữ, khi qua Cổng Trời, ngắm toàn cảnh biển khơi, sông núi đã từ ngạc nhiên đến sững sờ trước cảnh đẹp hữu tình nơi đây liền thốt lên những vần thơ:
Anh trước em sau lên Cổng Trời,
Đón hoàng hôn xuống Bãi Lữ chơi.
Sương giăng lưng núi hồn Mộ Dạ,
Phía ấy chân đồi sóng biển khơi...
Bãi Lữ là bãi biển có phong cảnh tuyệt đẹp, nước trong xanh và ở nơi yên tĩnh nhất nhì của xứ Nghệ. Bãi Lữ là tên gọi xuất phát từ núi Lữ (Lữ Sơn). Hòn núi đứng sừng sững nơi bãi biển, như chàng lữ khách thẩn thơ đi tìm điệu hát tình tứ lẫn trong sóng biển và đằm sắc hương quê của nàng thiếu nữ tình si. Lữ khách dừng chân bên chùa, dâng nén hương cầu Phật, rồi như được tiếp thêm nhiệt và ánh sáng của Đức Phật đã quyết định đứng chân nơi đây. Chàng dõi theo dấu chân, lắng nghe điệu hát đến mê hồn của cô gái biển như Nàng Tiên Cá ở trong truyện cổ tích. Ta cũng như bị chìm đắm vào tích chèo cổ "Quan âm thị kính" để cùng nàng Lữ Ngọc đi tìm người con gái yêu là Tiểu Hồng ở chốn này?!
Trên đường vào Cổng Trời - Bãi Lữ có ngôi Đền thờ Sơn Thần và Thánh Mẫu, nguyên là Đền Nẻ ở nơi sông La Hoàng và Khe Nễ chảy ra Cửa Hiền dời vào đây. Đoạn sông ra Cửa Hiền nay đã bị lấp, chính là nơi diễn ra bi kịch nàng Mỵ Châu bị vua cha An Dương Vương chém đầu và cầm sừng tê rẽ sóng đi xuống biển - Bãi Lữ. Ngôi mộ Mỵ Châu ở La Nham tức là chốn này. Giếng Ngọc là giọt máu cuối cùng của Mỵ Châu đọng lại để cho chàng Trọng Thuỷ soi vào và biến thành viên ngọc trai lóng lánh.
Đền thờ Bạch Y Công Chúa, con gái yêu của vua Hồ Quý Ly, nằm ở bên Kênh Sắt. Kênh Sắt nước xanh ngắt bởi màu của quặng sắt do Thiết Sơn (núi Sắt) hay còn gọi là núi Thần Vũ nhuộm màu, từng có thời đỏ máu trong tích truyện Bạch Y Công Chúa. Chuyện kể rằng: Quân Minh đang ráo riết chuẩn bị lực lượng xâm lược nước ta, Vua Hồ Quý Ly cùng với các con là Nguyên Trừng, Hán Thương cũng tích cực xây dựng căn cứ, bố trí lực lượng ở khắp nơi để kháng chiến chống giặc. Nhà vua cho xây dựng Thành Nhà Hồ ở trên núi Đại Huệ và huy động quân dân đào thông Kênh Sắt để vận chuyển lương thực vũ khí theo đường sông lên Đại Huệ. Việc đào sông kéo dài nhiều ngày mà không có kết quả vì mắc phải đá quặng sắt và cát sụt, quân lính và dân phu cũng cạn kiệt sức lực, nhiều người đã gục chết. Vua Hồ sốt ruột cho đưa công chúa yêu có giọng hát mê hồn và đánh đàn rất giỏi vào đây để động viên khích lệ tinh thần quân dân đào kênh được nhanh chóng hơn. Cảnh cùng cực vì việc đào kênh của quân lính và dân phu đã làm động lòng thương của công chúa. Công chúa lại được một cụ già tốt bụng ở một làng gần đấy mách bảo, bàn bạc kế hoạch ngăn cản công việc đào kênh của vua cha để cứu dân phu. Họ cho người cắt hết cây Máu Chó ở vùng này, rồi băm nhỏ trong đêm, đem rải xuống lòng kênh. Sáng ra cả quãng sông đang đào dở nhuốm đỏ một màu máu trông thật khủng khiếp. Lời tâu với vua cha là việc đào sông đã phạm phải long mạch (đứt cổ rồng), nên dừng công việc đào kênh lại. Kế hoạch này bị bại lộ, vua Hồ cho đưa con gái yêu lên hòn đá ở bờ kênh chém đầu để làm gương. Tảng đá (nơi công chúa bị chém đầu) đang giữa ban ngày nghe có một tiếng sét mạnh đánh xuống vỡ thành hai mảnh, nên được gọi là Hòn Nẻ. Từ đó nàng công chúa bị chết oan khiên, cứ đêm đêm hiện hình thành cô gái mặc áo trắng đi vật vờ dọc theo bờ Kênh Sắt. Nhân dân xót thương nàng lập đền thờ và gọi là Đền Bạch Y Công Chúa, ở ngay cạnh Hòn Nẻ. Bạch Y Công Chúa đã trở thành vị thần - Thánh Mẫu linh thiêng che chở cho nhân dân xứ Nghệ.
Thời vua Thiệu Trị, năm thứ 2 (1842), du thuyền trên Kênh Sắt vua nghe chuyện về truyền thuyết nơi đây đã dừng chân hứng tác bài thơ và cho dựng bia đá tạc vào làm mốc kỷ niệm. Bia đá hiện còn ở triền núi, trong lòng cây gai phủ kín, chỉ cách Quốc lộ 1A chừng 10m thuộc núi Sở, xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Bài thơ (phần dịch của người viết bài này) như sau:
Vượt ngàn đỉnh núi suối chảy quanh,
Nghe chuyện ngày xưa tạo hoá công.
Huyệt Sắt vỡ toang còn in dấu,
Uy trời mở cảng nước lưu thông.
Huyền vi lẽ ấy cơ thần lạ,
Bình địa nơi này thế đạo hưng.
Lũng Thục non non nào dám sánh,
Vun trồng cây lớn diệu kỳ thay.
Kênh Sắt còn gọi là Thiết Cảng, vì chảy quanh qua núi sắt nên có tên như thế và được xếp là một trong tám cảnh đẹp nhất huyện Đông Thành xưa. Bản đồ chữ Hán triều Nguyễn ghi chú về Thiết Cảng như sau: "Thiết Cảng tự Cấm Giang chí Thiên Uy Cảng, trường thập lý, quảng tứ tượng, triều thâm tứ xích, tịch nhị xích" (Thiết Cảng từ sông Cấm chạy đến Thiên Uy Cảng, dài 10 lý, rộng 4 trượng, triều lên sâu 4 xích, triều xuống 2 xích). 10 lý là vào khoảng 4 km. Như vậy, Kênh Sắt từ Cầu Cấm chạy đến gần Đền Cuông, gần ga Mỹ Lý, ở cột mốc cây số giữa 27-28 Hà Nội - Vinh. Đoạn kênh này, nơi rẽ vào Bãi Lữ, ở cột mốc 21 chỉ vào Vinh có chiếc cầu Vồng sắt rất đẹp bắc qua kênh đi sang đài dẫn tích Kênh Nhà Lê. Dưới phù điêu công tích là hàng bia đá ghi tên các chiến sỹ Giao thông vận tải đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng trên Kênh Nhà Lê. Kênh Sắt cũng là một điểm tham quan kỳ thú cho du khách khi đến với Bãi Lữ. Trên đường Hà Nội vào Vinh, từ núi Mộ Dạ, nơi có Đền thờ An Dương Vương có đường bộ, đường sông và đường sắt chạy bên nhau loanh quanh qua núi non trùng điệp, là bức tranh sống động, xứng với những vần thơ ca ngợi từ cổ xưa:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.
Đứng trên ngọn núi Lữ, ta có thể ngắm trọn vẹn cảnh quan một vùng rộng lớn. Phía biển khơi (Đông - Nam) thấy rõ Song Ngư, Đảo Mắt, Lan Châu và gần hơn nữa vào đất liền là Hùng Lĩnh, Lan Châu, Núi Rồng, Núi Lò, Núi Cờ, Núi Kiếm, Chuồng Gà, Núi Mão, Tượng Sơn (Núi Voi), Quyết Sơn. Phía Bắc, dọc theo biển là núi Đầu Rồng (Long Thủ), Hòn Thè, Hòn Câu, Dạ Sơn, Cấm Sơn. Phía Tây là Đại Vạc, Thần Vũ, Lèn Hai Vai, Đại Hải, Đại Bàn, Đại Tứ, Đại Huệ, Thiên Nhẫn, Lam Thành Sơn... Sông Cấm nước xanh trong một dải xuôi về biển Cửa Lò bên hữu Bãi Lữ đã tôn đẹp thêm bức tranh Cổng Trời - sóng biển khơi Bãi Lữ.
Với cảnh quan thiên nhiên mà tạo hoá ban tặng, có người đã ví Bãi Lữ như một Đà Lạt trên biển. Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Bãi Lữ là chủ đầu tư xây dựng Khu Du lịch sinh thái biển Bãi Lữ, với diện tích gần 160 ha, có núi, có rừng, có biển. Dự án chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn I (2005 - 2008)- hoàn thành khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Bãi Lữ. Giai đoạn II (2008-2015) xây dựng khu khách sạn 5 sao ở lưng chừng núi, casino, sân bay trực thăng, Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ, sân tập gôn, nhạc nước, quần thể văn hoá thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí khác...
(Nguồn: baonghean)
Ý kiến của bạn
Điểm Du lịch
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch