Điểm Du lịch

Bãi Tiên

Bãi Tiên cách thị trấn Sông Cầu 15km về phía Bắc, nằm giữa đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài, thuộc địa bàn xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Bãi Tiên có phong cảnh hữu tình, êm đềm, thơ mộng. Ngoài khơi có những dãy núi nhỏ và bán đảo che chắn, trong bờ núi chạy kẹp sát như những bức tường thành.
Truyền thuyết: Theo lời kể của người dân địa phương Bãi Tiên xưa có tên là bãi Trù, bãi Mắm, biển ăn sát vào chân núi. Lúc đó chưa có đường thông quan, cây cối um tùm, nhất là cây mắm, cây sú, vẹt… những loại cây phát triển khá nhanh trong vùng ngập mặn. Càng về sau, do điều kiện sinh sống, người dân quanh vùng khai thác cây làm trại, làm chắn đánh bắt thuỷ sản nên cuối cùng chỉ còn vùng nước mênh mông. Những ghe câu, sõng nhỏ đánh bắt tôm cá trong vũng đầm cùng với việc thả lưới, đánh đăng phát triển nhanh, khiến người dân phải tổ chức canh giữ.

Có truyền thuyết kể rằng, trong một đêm trăng sáng, những ngư dân nằm mơ màng trên ghe, bỗng nghe tiếng nước quẫy như có người đang ngụp lặn trong làn nước xanh, như đàn cá đang khua động mặt nước vượt vũ môn. Thấy lạ, họ mở mắt ra và thấy một cảnh tượng mà họ không thể nào ngờ tới dược. Đó là một bầy tiên nữ xuống tắm trong đầm. Khi họ đến gần để xem thì các nàng tiên biến mất, chỉ để lại mùi hương thoang thoảng mà thôi. Đêm sau và những đêm sau nữa, những ngư dân chia nhau canh thức để hòng khám phá điều kỳ diệu kia, nhưng các tiên nữ không bao giờ xuất hiện nữa. Sau này họ kể lại cho dân làng nghe và đặt bãi Trù thành bãi Tiên như tên gọi ngày nay.

Cũng có truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa có một nho sinh trong làng tư chất thông minh, học giỏi, khôi ngô tuấn tú nhưng nhà thì rất nghèo, phải đi làm thuê cho các nhà giàu để có tiền mua sách vở. Một đêm kia người chủ sai chàng mang lưới ra đầm đóng đăng để bắt cá. Sau khi công việc đóng lưới giăng cá xong xuôi, chàng nằm gối đầu lên be thuyền và ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay, đến khi mở mắt ra thì cũng vừa lúc mặt trăng hạ tuần nhô lên khỏi đường cong chân trời. Ánh trăng như dát vàng lên những đợt sóng lăn tăn trên mặt đầm khiến chàng say sưa ngắm nhìn mà quên cả chuyện đốt đèn ôn lại sách vở. Trăng lên cao thêm chút thì bất ngờ, trước mắt chàng bóng một thiếu nữ nhô lên khỏi mặt nước, thả trôi như một chiếc lá nhẹ tênh. Có lúc, người thiếu nữ lặn đâu mất trong làn nước, khá lâu sau mới trồi lên, xoã mái tóc dài như chiếc thuyền mành rồi thả người trên đó, cho tới khi mặt trăng lẩn vào đám mây thì mất hẳn. Tới rạng sáng không thấy dấu tích gì chứng tỏ là mấy canh giờ trước đó đã từng xảy ra một sự việc lạ. Tuy vậy, chàng nho sinh kia không hé lộ với ai bất kỳ chi tiết nào về chuyện mình đã chứng kiến.

Đêm sau, chàng lại mang đồ nghề và chèo thuyền đi. Mọi việc xong xuôi đâu đó, chàng ngồi căng mắt chờ. Trăng nhô lên khỏi mặt biển đã khá lâu nhưng hầu như không thấy điều gì lạ. Mặt biển vẫn gợn những con sóng vàng lăn tăn, chàng trai chờ mãi, chờ mãi rồi thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi mở mắt ra thì trời đã sáng bảnh.

Hôm sau, chàng lại vác lưới chèo thuyền đi, rồi hôm sau nữa, vẫn không thấy người thiếu nữ tắm trong đầm như cách đó ba hôm… Cho đến một đêm kia, khi mặt trăng chỉ còn là lưỡi cong nhọn treo lơ lửng trên bầu trời trong vắt thì đột nhiên từ mặt nước nhô lên người thiếu nữ như đêm đầu tiên. Hình như có tiếng hát du dương không rõ rệt lan nhanh đến tận nơi chàng nho sinh neo thuyền. Thiếu nữ thả trôi trên mặt nước, hai tay lúc vẩy trong sóng gợn, lúc thả xuôi, nhìn xa như một bức tượng thạch trắng, cho tới khi gà cất tiếng gáy thì nàng biến mất trong làn nước.

Lần này, chàng nho sinh không thể giữ lòng, đem chuyện kể lại cho trai đinh trong làng nghe, và tối đêm đó cả đám trai bạn cùng chèo thuyền ra đầm. Nhưng tiếc thay, bọn họ không bao giờ có được may mắn nhìn ngắm người con gái huyền hoặc tắm trăng nữa.

Mãi sau này, gần tới ngày chàng nho sinh về kinh ứng thí, đêm nằm mộng thấy người con gái đứng ngoài đầm nói vọng vào: “Ta là tiên nữ trên thiên đình, lỡ đánh rơi chén ngọc của Ngọc Hoàng nên bị bắt xuống trần gian mò tìm lại. Trước khi chàng nhìn thấy ta thì ta đã tìm lại được chén ngọc rồi. Ta là tiên, chàng là người trần, không thể gặp nhau, nhưng ta có thể giúp chàng thi đỗ trạng nguyên kỳ này”. Nói xong nàng biến mất. Kỳ thi ấy, chàng nho sinh đỗ trạng nguyên, được vua gả công chúa và cho giữ một chức trọng quan trong triều. Nhớ cảnh cũ và ơn xưa, trong lần qui cố hương, chàng kể chuyện này cho cả tổng nghe và đặt bãi Trù thành bãi Tiên như tên gọi ngày nay.

(Nguồn: www.saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *