Điểm Du lịch
Bảo tàng Quảng Trị
I. Vài nét về hoạt động của Bảo tàng:
1. Tổ chức bộ máy:
Bảo tàng Quảng Trị là cơ quan hành chính sự nghiệp có chức năng nghiên cứu, giáo dục khoa học, thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền và phát huy tác dụng các di sản văn hoá trên vùng đất Quảng Trị.
Bảo tàng Quảng Trị là Bảo tàng cấp tỉnh thuộc loại hình sở hữu nhà nước; Được thành lập theo Quyết định số 87/QĐ - UB ngày 29/7/1989 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Từ trước năm 1998, nhiệm vụ của Bảo tàng Quảng Trị bao gồm hai mảng hoạt động: Bảo tồn (quản lý di tích bất động sản) và Bảo tàng (quản lý di tích động sản). Sau tháng 10/1998, do yêu cầu về tổ chức và thực tiễn hoạt động quản lý tại các di tích nên UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định thành lập Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh. Cơ quan này ra đời trên cơ sở tách ra từ Bảo tàng tỉnh để đảm trách phần hoạt động của công tác bảo tồn di tích. Từ đó, Bảo tàng tỉnh chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện việc quản lý, sử dụng, phát huy giá trị di tích động sản (hiện vật bảo tàng).
Bộ máy của Bảo tàng Quảng Trị gồm: Ban Giám đốc, các phòng ban làm nhiệm vụ hành chính, quản trị và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra có Hội đồng khoa học Bảo tàng là tổ chức tư vấn cho Giám đốc Bảo tàng về các vấn đề khoa học liên quan tới các hoạt động chuyên môn.
Trình độ cán bộ: 5% cán bộ trên đại học - 80% cán bộ đại học và cao đẳng - 15% cán bộ trung cấp và phổ thông. Đội ngũ này có đủ trình độ, năng lực để thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của Bảo tàng.
2. Các hoạt động chính:
Năm 1989, từ Bảo tàng Bình Trị Thiên chia ra, Bảo tàng Quảng Trị chỉ có 830 hiện vật gốc, 266 hiện vật phim ảnh cùng với 300 tài liệu, hiện vật khác còn trong chế độ “Bảo quản tạm thời”. Đến tháng 6/2002 hiện vật trong kho bảo quản của Bảo tàng Quảng Trị đã lên đến 16.375 hiện vật gốc (trong đó: 10.408 hiện vật kim loại, 211 hiện vật đồ dệt, 516 hiện vật đồ mộc, 288 hiện vật đồ xương, 3308 hiện vật đồ sành sứ, 272 hiện vật đồ nhựa, 356 hiện vật đồ giấy, 648 hiện vật đồ đá và 368 hiện vật chất liệu khác), gần 2000 tài liệu phim ảnh. Con số này tuy chưa lớn so với một Bảo tàng tỉnh nhưng lại là số liệu đáng trân trọng thể hiện sự nỗ lực vượt bậc trong công tác sưu tầm của Bảo tàng Quảng Trị
Trong những năm từ 1992 đến nay, bằng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, Bảo tàng Quảng Trị đã tiến hành nhiều đợt nghiên cứu, thăm dò, điều tra, khảo sát, phát hiện và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học, nhiều địa điểm, công trình mang dấu ấn lịch sử văn hoá của vùng đất Quảng Trị qua các thời kỳ. Kết quả của các đợt công tác này không chỉ khám phá ra được nhiều vấn đề mới về lịch sử và văn hoá Quảng Trị, cung cấp những thông tin khoa học quí báu đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá vùng đất này mà còn sưu tầm để đưa về Bảo tàng hàng ngàn hiện vật quý hiếm. Từ đó đã xây dựng được nhiều bộ sưu tập cổ vật và hiện vật bảo tàng có giá trị.
Trong những năm qua Bảo tàng Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác đăng ký, kiểm kê bảo quản số hiện vật đã có một cách khoa học, đúng quy trình và đầy đủ hồ sơ cần thiết theo yêu cầu đối với hiện vật bảo tàng. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng đã mở rộng việc quản lý đối với số lượng hiện vật bảo tàng tại các cơ sở di tích, các phòng văn hoá, thông tin huyện thị. Công tác quản lý nhà nước đối với các cổ vật ở các địa phương, các đình chùa, đền miếu và các nhà chơi sưu tập mới chỉ dừng lại ở mức độ điều tra chứ chưa thực hiện được các biện pháp quản lý chặt chẽ. Vì vậy, nạn buôn bán, đào bới trái phép cổ vật vẫn đang là vấn đề nhức nhối.
Công tác hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Quảng Trị luôn được chú trọng. Bằng nguồn lực tại chỗ của đội ngũ làm công tác chuyên môn cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, hoạt động nghiên cứu khoa học đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngoài ra, các cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng cũng thường xuyên giúp đỡ cho các địa phương trong việc biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, dịch thuật, sao bản các tài liệu Hán nôm như: Gia phả, địa bạ, sắc phong…; Tìm hiểu nguồn gốc, lai lịch của các làng, họ; Xác định, thẩm định và làm sáng tỏ những vấn đề chưa rõ về lịch sử cho các địa phương.
- Về công tác trưng bày bảo tàng, hiện có 5 nhà trưng bày bổ sung tại các di tích và 2 nhà truyền thống cấp huyện. Các phòng trưng bày này đang phát huy một cách hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống và khai thác du lịch. Bên cạnh đó, Bảo tàng Quảng Trị đã phối hợp với các Bảo tàng Trung ương và bảo tàng của một số địa phương trong nước tổ chức nhiều cuộc trưng bày lưu động, trưng bày chuyên đề để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trong các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Tỉnh và của đất nước.
II. Định hướng và phát triển:
- Tập trung trước hết cho hoạt động sưu tầm di vật, cổ vật, báu vật quốc gia. Trong đó ưu tiên đối với các loại hình mang nội dung về chiến tranh cách mạng để cố gắng phản ánh đầy đủ giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng mà nhân dân Quảng Trị đã trải qua trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chú trọng sưu tầm các hiện vật phản ánh những đặc trưng văn hoá cổ truyền của người Việt và văn hoá các dân tộc ít người (Tà Ôi, Bru - Vân Kiều). Đồng thời, quan tâm hơn nữa việc bổ sung và hoàn thiện các nội dung về văn hoá Chămpa, về lịch sử giai đoạn thế kỷ XI đến thế kỷ XIX; về thời kỳ tiền sở sử và những vấn đề liên quan đến lịch sử tự nhiên của Quảng Trị. Cố gắng giành một phần kinh phí thích đáng cho việc mua lại các cổ vật, di vật quý hiếm còn lưu giữ trong nhân dân.
Tổ chức điều tra, thăm dò, đào thám sát, khai quật khảo cổ học để nghiên cứu và thẩm định các nội dung lịch sử, văn hoá vùng đất Quảng Trị cổ đồng thời bổ sung hiện vật cho kho cơ sở.
Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ trực tiếp cho hoạt động chuyên môn bảo tàng và phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII. Tổ chức các hội thảo khoa học về các vấn đề lịch sử, văn hoá liên quan đến vùng đất, con người Quảng Trị.
Tăng cường hợp tác và phối hợp nghiên cứu khoa học với các cơ quan tổ chức khoa học trong và ngoài nước. Đẩy mạnh việc giao lưu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển sự nghiệp trong tình hình mới.
Chuẩn bị tốt tất cả các điều kiện để có thể tiến hành các tổ chức trưng bày nhà Bảo tàng tại trung tâm thị xã Đông Hà để đón khách tham quan vào năm 2005.
Tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hoá đến mọi tầng lớp quần chúng nhân dân để ý thức sâu sắc việc bảo vệ, sử dụng và phát huy các giá trị di sản văn hoá. Khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện giúp đỡ về chuyên môn để các nhà sưu tập cổ vật, các bảo tàng tư nhân hoạt động theo đúng khuôn khổ quy định của luật pháp. Thực hiện công tác điều tra, thống kê và quản lý nhà nước đối với các di vật, cổ vật, báu vật quốc gia trên toàn địa bàn. Phối hợp với cơ quan chức năng để làm tốt công tác chống buôn bán, đào bới, đánh cắp cổ vật trái phép.
Mở rộng mạng lưới công tác viên của Bảo tàng đến tận cơ sở. Vận động nhân dân tham gia tích cực trong công tác bảo vệ di sản và đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng tỉnh nhà. Tổ chức thành lập các câu lạc bộ sưu tầm di sản văn hoá và tiến tới thành lập Hội Bảo tồn di sản văn hoá của Tỉnh
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch