Điểm Du lịch

“Bảo tàng” xương cá voi ở Lý Sơn

Đảo Lý Sơn có hàng chục lăng đang thờ tự cá Ông, trong đó Lăng Tân ở thôn Đông và Lăng Cồn ở thôn Tây, xã An Vĩnh đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Mỗi lăng có khoảng ba đến năm bộ xương cá Ông có niên đại từ vài chục năm đến hơn 300 năm.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: “Huyện đảo Lý Sơn hiện là nơi lữu giữ xương cá voi vào loại nhiều nhất so với các địa phương trong cả nước. Hàng chục lăng trên đảo đang thờ tự loài cá này theo nghi thức tín ngưỡng dân gian miền biển xâu chuỗi lại có thể xem đây là bảo tàng xương cá voi độc đáo gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ hàng trăm năm qua”.

Trong hàng chục lăng thờ tự cá Ông, Lăng Tân (còn gọi là Sở Đại Dương) ở thôn Đông, xã An Vĩnh là nơi có nhiều bộ xương cá Voi có niên đại lâu đời và kích cỡ lớn nhất trên đảo Lý Sơn.

Tại đây, phía sau các gian thờ của Lăng, ngư dân trong làng đã quyên góp xây kho để bảo quản xương cá Ông cẩn thận.

alt

Chủ lăng Tân mở kho giới thiệu với những bộ xương cá voi “khổng lồ”

Chủ vạn Lăng Tân, ông Phù Ngã kể: “Thưở nhỏ tôi nghe ông bà kể lại, khoảng 300 năm về trước, cá voi gặp nạn ở Hoàng Sa được ngư dân huyện đảo đưa về Lý Sơn rồi lụy trước bãi biển của lăng này. Hàng trăm ngư dân hì hục khiêng lên bờ để thực hiện nghi thức thờ tự, chôn cất, nhưng do cá voi quá nặng nên không cách nào đưa lên nổi. Sau đó, ngư dân địa phương đành đào hố sâu chôn ngay trên bãi biển, ba năm sau thì đào lấy bộ xương đưa về thờ tự ở lăng”.

Theo ông Phù Ngã, hiện tại có ba “ngài” cá Ông được thờ tự ở Lăng Tân, đó là: Đồng đình đại vương và Đức Ngư Nhị vị tôn thần. “Do ba cá Ông này có kích cỡ lớn, tính tuổi lớn nhất so với các cá Ông khác trên huyện đảo nên thờ tự các “ngài” ở Sở Đại dương này. Hằng năm vào mùng 3 tháng 5 ÂL, ngư dân khắp nơi trên đảo về đây tổ chức ngày lễ cúng tạ cá Ông linh đình, cầu mong mùa biển bội thu, các đoàn hát tuồng Bình Định về đây diễn xướng trong nhiều tuần liền ”. Ông Phù Ngã tâm sự.

Đã từ lâu, tục cúng cá Ông đã “ăn sâu” vào tiềm thức ngư dân trên đảo nhằm tri ân công đức ngư ông che chở trong lúc gặp hoạn nạn trên biển; đồng thời tri ân các vị tiền hiền, hậu hiền khai khẩn huyện đảo, giong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa khai thác biển Đông, phát triển kinh tế biển. Để ghi nhớ công ơn của đội Hoàng Sa năm xưa, nhân dân Lý Sơn đã lưu truyền tại đình làng An Vĩnh hai câu  đối: “Ân đức dựng xây miền đảo Lý/ Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã chọn huyện đảo Lý Sơn làm địa điểm xây dựng Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải. Đảo Lý Sơn chính là nơi có nhiều người đi khai thác biển Đông, đo vẽ bản đồ, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa liên tiếp trong nhiều thế kỷ.

Trong năm du lịch Quốc gia năm nay với chủ đề biển đảo, chúng tôi đã quyết định phục dựng một bộ xương cá voi, bổ sung hiện vật vào Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải phục vụ khách tham quan; đồng thời có kế hoạch bảo tồn những bộ xương cá Ông, duy trì nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tục thờ cúng cá Ông trên đất đảo Lý Sơn.

alt

Xương đầu cá voi

Việc đưa bộ xương cá voi vào trưng bày trong không gian bảo tàng Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải trên đất đảo Lý Sơn không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa liên quan đến đội Hoàng Sa – Trường Sa mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng biển Đông”. Ông Vũ khẳng định.

(Theo báo Quảng Ngãi)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *