Điểm Du lịch
Bến phà Nguyễn Văn Trỗi trên đường Hồ Chí Minh
Khách thập phương đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng ở Quảng Bình, ai cũng trầm trồ thán phục phong cảnh non xanh nước biếc và hang động kỳ vĩ của xứ sở đẹp tựa thần tiên.
Ngồi trên du thuyền vào cửa động, nhìn về bờ Nam sông Son, nếu để ý thì bạn sẽ thấy một bến phà cũ, tuy cây cối rậm rạp nhưng vẫn trông rõ dòng chữ khắc trên vách đá: “Bến phà Nguyễn Văn Trỗi”. Vâng, đây chính là bến B của phà Xuân Sơn, được vinh dự mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, cũng là nơi đã in dấu giày của hàng vạn chiến sĩ vào Nam ra Bắc thời đánh Mỹ.
Gần vị trí cầu Xuân Sơn trên đường Hồ Chí Minh hiện nay là bến phà Xuân Sơn, một địa danh bị đánh phá ác liệt được ví như “túi bom” của vùng chảo lửa. Năm 1966, do yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, cùng với việc mở đường 20 Quyết Thắng nối Đông-Tây Trường Sơn, phà Xuân Sơn do ty Giao thông Quảng Bình phụ trách phà 18 tấn hoạt động. Đến tháng 12-1966 thì đại đội 16 của Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559 đảm nhiệm bến phà này. Đại đội có 125 người, lực lượng chủ yếu là bộ đội công binh và TNXP, phương tiện gồm ca nô và cầu phao, chủ yếu hoạt động từ 7 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Ban ngày tránh máy bay địch, tháo dỡ phà cho ca nô kéo vào trú ẩn trong động Phong Nha. Vũ khí đạn dược có khi cũng tập kết cất giữ luôn trong đó.
Nhận thấy phà Xuân Sơn trên quốc lộ 15A có vị trí chiến lược quan trọng, giặc Mỹ đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt cả ngày lẫn đêm nhằm nung chảy cái yết hầu của vùng “cán xoong”, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Bao đồng đội đã hy sinh, bao chuyến hàng bị cháy nhưng ý chí của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 16 vẫn vững vàng. Năm 1967, Binh trạm quyết định mở thêm bến phà B mang tên Nguyễn Văn Trỗi, nhằm noi theo tấm gương anh hùng bất khuất trước kẻ thù của anh. Đảng ủy, chi bộ lựa chọn những người ưu tú, gan dạ và dũng cảm, dám hy sinh để trực và chiến đấu trên bến phà này. Bến phà B cách bến phà A chừng 4km về phía thượng nguồn và cách cửa động Phong Nha khoảng 1km, như vậy vừa dễ “chia lửa” vừa gần hang, cơ động nhanh hơn...
Không quân Mỹ tìm mọi cách để ném bom hủy diệt bến phà A và B. Riêng tại bến phà Nguyễn Văn Trỗi, ngoài bom tấn bom tạ chúng còn thả nhiều thủy lôi cùng các loại bom nổ chậm tinh vi và nguy hiểm khác. Đơn vị thành lập “Đội cảm tử” thường xuyên rà phá bom nổ chậm để thông phà, thông xe. Không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh trên khúc sông này, máu của các chiến sĩ Đại đội 16 hòa vào dòng sông Son đỏ thắm...
Cô gái nhiếp ảnh theo thuyền tham quan, cũng là “Hướng dẫn viên tình nguyện” rất vui tính khi kể về thắng cảnh quê hương cô. Thuyền qua bến phà Nguyễn Văn Trỗi, giọng cô trầm hẳn xuống:
- Bố em vốn là bộ đội Công binh của Binh trạm 14, đã từng phục vụ chiến đấu và bị thương ở khúc sông này. Gần đây, thỉnh thoảng ông lại ra bến sông như để hoài niệm và thắp hương cho các bác ở nghĩa trang liệt sĩ phà Xuân Sơn. Tuy là thương binh hạng 2/4 nhưng ông rất chăm hoạt động xã hội, ngày họp mặt cán bộ, chiến sĩ Đại đội 16 là ngày bố em vui và cảm động nhất.
Du khách đã vào tham quan “Phong Nha đệ nhất động” một lần hoặc nhiều lần, được thưởng ngoạn bao kỳ quan do thiên nhiên ban tặng, xin hãy một lần dừng chân ngắm bến phà B. Đây chính là kỳ quan được tạc bằng trí thông minh, óc sáng tạo, lòng dũng cảm của chiến sĩ và bằng xương máu của biết bao đồng đội đã ngã xuống vì huyết mạch giao thông, vì miền Nam ruột thịt. 40 năm đã trôi qua, cảnh vật còn đó, bến phà còn đây, dòng sông Son bình dị vẫn đong đầy bao kỷ niệm khó quên. Không những là Di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha còn chứa đựng trong đó bao huyền thoại lịch sử mà ta chưa khám phá hết...
(Nguồn: Quân đội nhân dân)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch