Điểm Du lịch

Chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh, cách thành phố Nam Định 15 km về phía Nam. Chùa Cổ Lễ do Hoà thượng Phạm Quang Tuyên xây dựng tháng 11- 1920.

Hoà thượng đã hạ giải ba chùa nhỏ đều ở làng Cổ Lễ, tương truyền do Thiền sư Nguyễn Minh Không lập vào thế kỷ XII thời Lý. Chùa dựng trên một nền đất vuông, có sông nhỏ và hồ bao quanh.

Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật, còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, đã từng chữa cho vua Lý Thần Tông thoát khỏi bệnh hiểm nghèo. Trong kháng chiến chống Pháp (1947), chùa Cổ Lễ là nơi làm lễ xuất phát cho 29 vị sư tự nguyện cởi áo cà sa ra mặt trần giết giặc cứu nước. Nhà sư Phạm Thế Long, người kế tục Hoà thượng Phạm Quang Tuyên trụ trì ngôi chùa này đã tham gia kháng chiến, sau này trở thành Hoà thượng, ông đã giữ nhiều trọng trách trong Giáo hội phật giáo và Nhà nước Việt Nam.

Trước chùa có cây tháp cao và đồ sộ, có tên gọi là Cửu phẩm liên hoa, dựng năm 1927. Tháp 12 tầng và một tầng đế tháp, mỗi tháp có 8 mặt, mỗi mặt đều có một dòng chữ Hán đắp nổi, các cạnh tháp đều đắp rồng, mái cong. Tháp cao 32m, 9 tầng hoa sen, đặt trên lưng con rùa, đầu rùa hướng vào chùa, phía dưới con rùa là hệ thống móng dàn dựng bằng 50 cây gỗ lim.Các cạnh cây tháp có đắp những con rồng, ở tầng thứ hai và thứ ba (tính từ dưới lên) xây mái cong theo kiểu giả ngói ống, các đế tầng trên có đắp cánh sen, tạo thành bông hoa sen liên kết mang ý nghĩa là chín tầng Trời Phật. Tầng trên cùng có đặt tượng A Di Đà biểu tượng của Phật chủ Tây Phương. Từ những núi nhỏ xung quanh chân tháp đến đế tháp, thân tháp đều thấy xuất hiện những vòm cuốn. Trong lòng tháp có một cột trụ lớn. Xung quanh cột có những bậc thang từ đế tháp lên đỉnh tháp bởi vậy khách tham quan có thể trèo trên đỉnh để phóng tầm mắt ra bốn phương sau khi leo hơn 60 bậc thang xoáy ốc.

Từ khu tháp qua cầu cong tới khu Phật giáo hội quán, có xây dựng hai đình lớn. Nhà hội quán xây dựng năm 1936, trong phong trào Chấn hưng Phật giáo. Cấu trúc mái vòm cao, trên nóc mái có đầu đao theo kiểu đình làng, ở bốn góc đắp mặt hổ phù. Bên trái hội quán là dãy nhà ba gian thờ Hưng Đạo Đại Vương và hai cha con vị đại khoa người làng Cổ Lễ, thế kỷ XIV (thời Trần Duệ Tông) là trạng nguyên Đào Sư Tích và tiến sĩ Đào Toàn Phú.

Hội quán là dãy nhà ba gian thờ Trần Hưng Đạo và hai vị đại khoa Sư Mỗ và Toàn Mỗ; nhà phía bên trái trước đây thờ Mẫu Liễu Hạnh. Từ khu hội quán, qua hai cầu giả núi có mái ngói che tới chùa chính. Hai bên lối vào giải vũ đắp con rồng lớn. Trong chùa cấu trúc mái vòm, trên trần trang trí hoạ tiết màu sắc rực rỡ như tấm thảm. Trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca, cao 4m, rộng 3,5m, bằng gỗ sơn son thếp vàng, hai bên hành lang chùa là hai dãy bia, dọc theo chùa là hai dãy giải vũ.

Giữa sân chùa, trên một gò đất có tường bao quanh, đặt quả chuông lớn nặng 9 tấn, trang trí hình cánh sen thuỷ ba. Hai bên thượng điện là nhà khách, nhà tổ. Ở nhà tổ có tượng Hoà thượng Phạm Quang Tuyên. Trong chùa còn lưu giữ lại nhiều di vật quý như: chuông đồng lớn đúc thời Cảnh Thịnh (1799), trống đồng loại trơn, một lá cờ hai mặt có dòng chữ Nam Thiên Thánh tổ, Lý Triều quốc sư, trống đồng thời Lý. Ở đây còn có bốn thuyền chải để thi bơi vào hội hằng năm từ13 đến 16-9 âm lịch - một hoạt động văn hoá thể thao giàu bản sắc dân tộc của cư dân ven biển.

Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn, hài hòa, được kết hợp các yếu tố cổ truyền Việt Nam với kiến trúc gô tích Châu Âu.

(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *