Điểm Du lịch
Chùa Lương - Cầu ngói
Chùa lương nằm ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, còn gọi là chùa Trăm Gian, tên chữ Phúc Lâm tự, xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Lịch sử xây dựng chùa và cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển 500 năm trước ở Hải Hậu.
Chùa có quy mô lớn, 100 gian mang phong cách kiến trúc thế kỷ XVII và XVIII, gồm các công trình: hồ nước, tam quan, “Thiên thạch đài trụ”, Bái đường, Tam Bảo, gác chuông, Hậu đường và hai dãy hành lang đông - tây được liên kết lại theo lối giao mái, bắt vần. Tiền đường năm gian, kẻ bẩy, trụ non, câu đầu theo mô thức kiến trúc thế kỷ XVII, XVIII.
Khu vực thứ hai của Chùa Lương bao gồm nhà tổ “Quan Âm các”, nhà khách, tăng phòng, nhà kho, nhà bếp… bao gồm 49 gian lớn, nhỏ. Phía bắc chùa có hàng chục tháp mộ. Giếng nước chùa được tạo thành bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp bên nhau. Nước giếng trong vắt, tinh khiết vẫn thường dùng đồ xôi, sửa lễ cúng Phật.
Tượng Phật trong chùa được đặt trên hệ thống cầu sàn, tạo dáng sinh động gần gũi với đời thường. Các pho tượng có kích thước lớn như A Di Đà, tứ vị Bồ Tát, bát vị Kim Cương, các vị Hộ Pháp. Ngoài tượng phật có giá trị nghệ thuật phải kể đến ba pho tượng Tam Thánh, tượng ông tổ khai sáng, các khám thờ, tượng thờ khác.
Hai dãy hành lang đông - tây là nơi lưu giữ một khối lượng lớn văn bia có giá trị về nhiều mặt. Tổng số có gần 40 văn bia, theo hình thức có thể chia làm hai khối: Bia vuông tạc tượng, bia tròn ghi công, phản ánh nhiều mặt cuộc sống của nhân dân Quần Anh… được dựng vào thời: Hồng Thuận, Chính Hoà và Cảnh Hưng.
Cầu Ngói nằm cách chùa Lương khoảng 100m, nằm trên con đường dẫn vào chùa, tạo thành một cụm di tích. Cùng niên đại xây dựng với chùa Lương, nên cầu Ngói thường được gọi là cầu Ngói chùa Lương (một trong 10 chiếc cầu cổ của đất Quần Anh xưa). Chín giáp (từ giáp nhất đến giáp chín) chỉ dựng cầu bằng đá, kiến trúc đơn giản, mục đích là để đi lại thuận tiện, còn giáp Mười thì dựng cầu Ngói không chỉ phục vụ giao thông mà đây thực sự là công trình nghệ thuật đặc sắc nổi tiếng của Trấn Sơn Nam Hạ xưa.
Cầu được xây dựng từ thời Lê Hồng Thuận (1509-1515). Cầu vắt ngang con sông Hoành chảy dọc xã Quần Anh, kiểu dáng thuộc loại “ Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Cầu dựng trên 18 cột đá vuông xếp thành sáu hàng cột để gánh 6 vì, đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm, nâng sàn cầu, nhà cầu. Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng uốn cong theo lòng cầu. Việc thiết kế nhà cầu đòi hỏi trình độ cao. Để tạo thành 9 gian nhà cầu, tất nhiên phải cần đến 10 vì xà cột làm theo lối kiến trúc cổ của dân tộc. Hệ thống xà dầm bố cục chặt chẽ nâng gọn 40 cột cái, cột quân, cấu kiện chủ lực của nhà cầu. Mái ngói được lợp rất khéo không bị xô, không bị dột. Người thợ tài hoa xưa đã đạt yêu cầu này nhờ sáng tạo ra giải pháp kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái đẹp tựa con rồng đang bay.
Mảng chạm khắc không nhiều và có phần đơn giản với các hàng soi, đường chỉ ở các vì kèo, các con bẩy, hàng xà, ván bưng tạo hình con bướm, đầu con song tạo dáng lá đề. Đáng chú ý là hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, đề bốn chữ Quần Phương xã kiều (cầu xã Quần Phương). Mỗi đầu cầu có câu: “ Bốn con nghê đúc chầu về tổ tông”
(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch