Điểm Du lịch

Chùa Vọng

Chùa Vọng còn có tên là Vĩnh Châu Tự, là di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng nằm trong hang đá dưới chân núi Cổ Đang cạnh bờ sông Mã thuộc địa phận làng Vọng, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy. Du khách có thể đến khu di tích bằng cả đường bộ và đường sông.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Cẩm Giang một phong cảnh kỳ thú “sơn thủy hữu tình”. Trong di tích núi Cổ Đang (nằm trong dãy núi Bồ) có một hang động lớn, người dân địa phương gọi là hang Chùa. Hang có 3 cửa tự nhiên, các cửa hang có dạng cuốn vòm. Phía cửa hang chính có một khoảng đất rộng trên 100m2, có  khe Hón Cụt từ phía bắc chảy vòng qua đổ ra sông Mã, bước lên những tam cấp, toàn bộ lòng hang có chiều dài hơn 30m, rộng hơn 10m và vòm hang cao hơn 5m hiện ra trước mắt. Trong hang có nhiều nhũ đá tự nhiên kiến tạo, mang nhiều hình thù phong phú, đẹp mắt, được nhân dân trong vùng đặt tên theo trí tưởng tượng như “tượng ông hộ pháp”, tượng “voi chầu”, “hổ phục”, “lọng tàn”, “sóng nước”...

 

Theo tài liệu về di tích lịch sử - văn hóa và thắng cảnh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chùa Vọng được khởi dựng và hoàn thành vào năm 1379 đời vua Trần Phế Đế (đời vua thứ 47 triều Trần) được  đặt lên là Vĩnh Châu Tự (chùa Vĩnh Châu). Căn cứ vào các hiện vật trong chùa, chùa Vọng được nhân dân dựng lên để thờ Phật và thờ Mẫu - hệ thống thờ tự tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Theo khảo tả di tích của Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn và  ông Nguyễn Hữu Toản (Ban Quản lý Di tích và danh thắng, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) thì năm 1424 chính nơi đây Lê Lợi đại thắng trận Bồ Mộng, tiêu diệt giặc Minh.

 

Như vậy có thể khẳng định chùa Vọng – Vĩnh Châu Tự hay chùa  Vĩnh Châu thuộc thôn Vọng, xã Cẩm Giang không chỉ là nơi thờ Phật, thờ Mẫu, di tích lịch sử, mà còn  là danh thắng nổi tiếng cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy. Theo tục truyền, hằng năm cứ đến ngày 8 tháng giêng âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội tại chùa Vọng với các trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc dân tộc Mường  thuộc đất Mường Vôống xưa, như: Xường rang, pồn pôông, chọi gà, chơi mắng, đánh cù, dâng hương và rước kiệu... Ngày nay, dù mức độ có khác nhau, lễ hội chùa Vọng vẫn được nhân dân duy trì. Trong lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được tổ chức theo nội quy, quy định.

 

Di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng chùa Vọng có giá trị về nhiều mặt. Chính vì vậy, ngày 17/01/2011 chùa Vọng đã được xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

 

Cùng với các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Eo Lê; động Cửa Hà (xã Cẩm Phong); chùa Ngọc Châu (xã Cẩm Sơn); chùa Rồng (xã Cẩm Thạch); suối Cá thần (xã Cẩm Lương), huyện Cẩm Thủy còn có thêm điểm di tích lịch sử – văn hóa thắng cảnh chùa Vọng cần sớm được bảo tồn, khai thác và phát huy, không những phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà còn là điểm đến của du khách gần xa.
Nguồn: Báo Thanh Hóa

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *