Điểm Du lịch

Đền Lăng Sương

Động Lăng Sương xưa (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ngày nay) tương truyền là nơi sinh của bà Âu Cơ, là nơi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ rồi nên vợ thành chồng.

Đền Lăng Sương nằm trong hệ thống các di tích thờ Tản Viên vùng ven sông Đà và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ thờ Tản viên Sơn Thánh là một trong bốn vị thần “tứ bất tử” của tín ngưỡng truyền thống Việt Nam.

Với lòng tôn kính, ngưỡng mộ, nhân dân đã suy tôn Tản Viên là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần” đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng cổ truyền người Việt. Đền Lăng Sương tự hào là mảnh đất đã sinh ra Thánh Tản. Đây có thể coi là mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” của vị thần linh tiêu biểu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Cùng với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản, đền Lăng Sương còn thờ Thánh Mẫu - người có công sinh ra Thánh Tản. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây đã hòa cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu chung của người Việt như Mẹ Âu Cơ, Đất Mẹ, Mẹ Nước…

Cùng với đền Thánh Mẫu thờ Tản Viên và Mẫu của Ngài cùng bộ tướng là Cao Sơn và Quý Minh (đều là các nhân vật thời Hùng Vương) và nhiều công trình phụ trợ khác, đền Lăng Sương được xây dựng tại thôn Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, một xã miền núi nằm ở tả ngạn sông Đà, có địa hình bán sơn địa, đồi, gò, núi non bao bọc. Dòng sông Đà chảy qua tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Cách khoảng một cây số về phía Đông Nam hữu ngạn sông Đà là ngọn núi Ba Vì (núi Tản Viên) sừng sững uy nghiêm bốn mùa mây phủ tạo nên một vùng non nước chứa đầy huyền thoại.

Đền Lăng Sương có mặt bằng khá rộng, có kiến trúc mang nhiều đường nét cổ kính, thâm nghiêm. Theo các tư liệu còn lưu giữ, Đền Lăng Sương được xây từ thời Thục An Dương Vương. Đến đời Lê được trùng tu. Năm Thiệu Trị thứ 7 thời Nguyễn (1847) ngôi đền được tu sửa lớn. Năm Tự Đức nguyên niên (1848) khắc bia đá lưu truyền cho hậu thế. Trải qua mưa nắng và giặc giã, ngôi đền bị hư hỏng nhiều. Năm 1991, chính quyền và nhân dân địa phương đã tôn tạo đền Lăng Sương trên khu đất rộng với diện tích 3.000 mét vuông, bao gồm các công trình: Cổng đền, miếu Hai Cô, giếng Thiên Thanh, nhà bia, nhà võng, tả mạc, hữu mạc và lăng thánh Mẫu.

Qua cổng Đền là miếu Hai Cô (còn gọi là miếu Nhà Bà) thờ Bạch tinh thần nữ là thần giữ đất cùng hai người hầu là Đào Hoa và Quế Hoa. Sau miếu, về phía Tây là giếng Thiên Thanh quanh năm có nước, trong vắt, nhìn thấy tận đáy. Tương truyền là nơi rồng vàng xuống phun châu nhả ngọc, thánh Mẫu ra giếng gánh nước về ngồi trên phiến đá tắm gội. Sau đó bà có mang 14 tháng và sinh ra Tản Viên. Khi Thánh Mẫu chuyển dạ, trong cơn đau vật vã, bà quỳ chân, chống tay xuống phiến đá. Dấu đầu gối và năm ngón tay hằn lên phiến đá đến nay vẫn còn. Vì thế nhân dân địa phương gọi đó là hòn Đá Quỳ và đặt hòn đá ngay bên tang giếng Thiên Thanh. Cạnh giếng Thiên Thanh là nhà bia được xây theo kiểu kiến trúc nhà 4 mái, trong đặt tấm bia khắc năm Tự Đức nguyên niên (1848) ghi công đức của những người có công tu sửa lại đền. Trước sân đền chính là nhà võng. Tương truyền là nơi Tản Viên lúc còn nhỏ thường nằm võng. Trong nhà có một chiếc võng phủ vải đỏ, gọi là võng đào. Đặc biệt có 8 cột đá cao 2,1m được xây vào thời Lê. Ở giữa nhà võng đặt một chậu bằng đá xanh hình vuông, tương truyền là chậu đá để Tản Viên tắm khi còn nhỏ. Trên chậu đá có đặt một bòn đá tương truyền khi Thánh Mẫu sinh Tản Viên xong đã dùng để chèn bụng.

Đền chính có kiến trúc kiểu chức công (I) gồm 3 gian đại bái, ống muốn và 3 gian hậu cung. Trong tòa đại bái có xây bệ thờ tượng Cao Sơn và Quý Minh là bộ tướng có công giúp Tản Viên dẹp giặc Thục. Tòa hậu cung bài trí long ngai thờ Thánh Mẫu Đinh Thị Đen (mẹ của Tản Viên) và thờ đức Thánh Tản. Trong tòa hậu cung còn thờ Thánh phụ Tản Viên là ông Cao Hành, bà dưỡng mẫu (mẹ nuôi) là Ma Thị và công chúa Ngọc Hoa (vợ Tản Viên). Cách khu đến Lăng Sương khoảng 50 mét về phía Đông Bắc, tương truyền có ngôi mộ của Thánh Mẫu nay ở đó đã được xây thành lăng tẩm. 

Hàng năm đền Lăng Sương mở lễ hội cổ truyền vào 25 tháng 10 âm lịch (là ngày giỗ Mẫu sinh ra Thánh Tản) và rằm tháng giêng - giỗ chính (là ngày sinh Thánh Tản). Về ngày giỗ Thánh Mẫu có liên quan đến sự tích gò Đống Bò cách đền chính hơn năm trăm mét có một gò đất nổi lên giữa cánh đồng Đầm Đành. Tương truyền hàng năm cứ đến ngày 24 tháng 10 là có một con bò không biết ở đâu tự nhiên về gò đó và nhân dân bắt mổ để tế lễ làm giỗ Đức Thánh Mẫu vào ngày 25 tháng mười hôm sau. Còn ngày giỗ chính của Đức Thánh Tản thì làng xóm rậm rịch mở hội từ những ngày trong Tết. Nhà nhà, dòng họ, các giáp chuẩn bị cỗ bàn, quần áo, mũ mão cùng nhiều vật dụng cho ngày lễ hội. Sáng 15 tháng giêng, các giáp rước cỗ ra đền và tập trung thành đoàn rước của xã kéo quân từ Đền ra sông Đà với mục đích là lấy nước sông Đà về làm lễ và đón mẹ nuôi của Thánh Tản bên Ba Vì về dự tiệc sinh Thánh. Tục lấy nước cũng thể hiện sự tôn thờ thần nước của cư dân lúa nước của người Việt xa xưa.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc, đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định số 25/2005/QĐ-BVHTT ngày 12-7-2005 xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Di tích đền Lăng Sương được lập quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa. Lăng Sương thực sự là một điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh lý tưởng dành cho du khách thập phương.

(Nguồn: www.dulichphutho.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *