Điểm Du lịch

Đền Lựu Phố

Đền Lựu Phố (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) là một trong những di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Trần vừa được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là nơi thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung; Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, công chúa Trần Bạch Hoa, hai cha con Thám hoa Hà Nhân Giả và đức Bản cảnh Thành Hoàng. Đây cũng là căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.

Đền Lựu Phố được xây dựng trên địa danh cổ Lựu Viên, tương truyền lúc sinh thời Thái sư Trần Thủ Độ đã từng sống và làm việc nơi đây mỗi khi ông về chầu, yết kiến vua Trần và Thái thượng hoàng tại cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa ở phủ Thiên Trường. Đền Lựu Phố có quy mô tương đối lớn, gồm nhiều hạng mục được xây dựng trong một khuôn viên rộng trên 13.000 m2, mặt quay về hướng tây. Di tích đền được bố trí lần lượt từ ngoài vào trong: Nghi môn đền, sân đền, trung tâm Đền, nhà tổ, phủ mẫu, nhà khách và sân sau.

Nghi môn đền Lựu Phố xây dựng bằng gạch vữa kiến trúc kiểu tứ trụ. Cổng chính tạo dựng bởi hai đồng trụ cao 5m.Đền Lựu Phố có kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Toàn bộ mặt bằng công trình có cốt đất cao hơn mặt sân 0,5m.Tiền đường của đền có kích thước dài 13,25m, rộng 6,8m chia thành 5 gian. Bộ mái công trình lợp ngói nam, giữa bờ nóc tiền đường đắp trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, hai bờ hồi đắp trang trí họa tiết lá lật hóa long bằng vật liệu gạch vữa. Trên hiên bên đầu hồi xây hai cột hoa biểu cao 4,50m, đỉnh cột đắp nghê chầu, thân cột nhấn câu đối chữ Hán với nội dung ca tụng công lao, sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ.

Bộ khung công trình lắp dựng bằng gỗ lim với 2 loại liên kết: 4 hàng chân cột đối với 3 gian giữa và 2 hàng chân cột đối với hai gian giáp đốc. Bộ khung công trình tiền đường đền Lựu Phố có tất cả 20 cột gỗ, trong đó có 8 cột cái và 12 cột quân. Các chân cột đều đặt trên hệ thống chân tảng hình vuông, tạc nổi gương tròn vừa làm tăng tính thẩm mỹ vừa có tác dụng chống lún cùng sự hủy hoại của thiên nhiên môi trường. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ được 4 chân tảng đá cánh sen kép, chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII – XIV.

Theo dòng chữ Hán khắc trên long cốt thì tiền đường của đền được tu sửa vào triều Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại 2 (1927). Bộ vì của công trình có cấu tạo kiểu: chồng rường câu đầu, bẩy tiền, bẩy hậu được chia thành 3 loại: vì nóc, vì nách và liên kết hiên.

alt

Bộ cửa tiền đường của di tích được gia công bằng gỗ lim theo kiểu bức bàn, chạy hết chiều dài của 5 khoang cửa. Trung đường chia thành 3 gian xây nối mái tiền đường thông qua hệ thống máng nước, Bộ khung trung đường lắp dựng bằng gỗ lim kiểu 3 hàng chân cột. Để làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho các cấu kiện kiến trúc, trên các ván mê, nghệ nhân đã soi chỉ, chạm khắc họa tiết triện tàu lá dắt. Bộ cửa trung đường gia công theo kiểu thượng chấn song, hạ bức bàn chạy hết 3 gian công trình. Bộ mái công trình lợp ngói nam.

Cung cấm đền Lựu Phố xây xoay dọc mái giao mái với tòa trung đường tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “đinh” truyền thống. Công trình có kích thước dài 9,70m, rộng 4,50m, chia thành 4 gian. Ngăn cách 3 gian ngoài với gian trong của cung cấm là một bức thuận. Bộ cửa cung cấm được gia công kiểu thượng song hạ bản bằng gỗ lim, mỗi khoang gồm hai cánh. Qua bức thuận là vào tới gian trong cung cấm. Đây là nơi bài trí ngai và tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và hai cha con Thám hoa Hà Nhân Giả.

Qua nghiên cứu khảo sát, đền Lựu Phố là một công trình kiến trúc gỗ còn bảo lưu được phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Tại di tích còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc: lá lật, trúc hóa long đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc.

Ngoài giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đền còn bảo lưu được một số di vật, cổ vật có giá trị như khám và tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ được bài trí trang trọng trên ban thờ tại tòa trung đường; Ngai và bài vị thờ Thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và hai cha con Thám hoa Hà Nhân Giả và 5 đạo sắc phongghi nhận công đức của Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo và hai cha con Thám hoa Hà Nhân Giả, trong đó có 4 đạo niên hiệu Khải Định 9 (1924) và 1 đạo niên hiệu Duy Tân 5 (1911); Đại tự và biển nhờ về thân thế, sự nghiệp của Thám hoa Hà Nhân Giả.

Di tích đền Lựu Phố tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. 

Hàng năm, tại đền Lựu Phố diễn ra nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ hội  tổ chức vào mồng 7 tháng 7 âm lịch kỷ niệm ngày Thái sư Trần Thủ Độ đặt chân lên mảnh đất quê hương. Ngoài các nghi thức thiêng liêng như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, lễ hội còn có nhiều trò chơi như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo…

Với vị trí nằm trong khu vực bảo tồn đặc biệt các di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, cùng với đền Trần- chùa Tháp, đền Bảo Lộc…Đền Lựu Phố là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách thăm quan trong và ngoài tỉnh. Trong tương lai không xa, đền Lựu Phố cùng một số di tích thời Trần khác trong khu vực đã được Nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo sẽ trở thành trung tâm du lịch văn hoá, đặc biệt văn hóa thời Trần tiêu biểu của đất nước.

(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *