Điểm Du lịch
Di tích Gò Cọ, làng Chiềng
Từ sau hội nghị cán bộ tỉnh lần I, họp tại làng Hoà Quân, xã Minh Quân (tháng 7 năm 1948) phong trào du kích trong các vùng địch tạm chiếm ngày một phát triển mạnh mẽ, đại đội độc lập C524 và đội võ trang Văn Chấn xây dựng các cơ sở mới ở các xã Phù Nham, Hạnh Sơn, Thạch Lương và thị trấn Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. Đến tháng 8/1948, ban cán sự Đảng Than Uyên, đội vũ trang của đồng chí Hồng Quân và một bộ phận của C520 xây dựng ở khắp các xã ở huyện. Các đội du kích Kường Kim, Na Khoang, Mồ Dề, Lao Chải được thành lập. Đội vũ trang C520 liên lạc với cơ sở ở Khánh Yên, Minh Lương, Võ Lao... Đồng bào Mông Văn Chấn, Than Uyên đứng lên đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống cướp lương thực, thực phẩm làm cho địch lúng túng, khó khăn. Công tác binh nguỵ vẫn được tiến hành, kết quả đã giải tán 20 ban tề xã, kêu gọi hàng chục lính dõng bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân, nhiều tên gian ác bị trừng trị, làm lung lay bộ máy chính quyền địch ở cơ sở.
Ngày 28/10/1948, đội du kích xã Hưng Khánh, Đồng Khê phối hợp với một bộ phận của đại đội 524 phục kích địch ở khe Kẹn diệt 15 tên, bắn bị thương 8 tên. tháng 12/1948 du kích xã Đồng Khê phối hợp với đại đội 524 phục kích địch ở đèo Mông diệt 19 tên địch, số còn lại chạy về Ba Khe bị đại đội 520 bắt sống.
Sự phát triển của chiến tranh du kích ở địa phương và sự phối hơp hoạt động du kích với bộ đội chính quy đã làm phá sản kế hoạch vết dầu loang của địch, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn. Riêng trong tháng 11/1948 ta đã tổ chức phục kích 38 trận, diệt 61 tên, làm bị thương 11 tên, gọi hàng hàng trăm tên...
Tuy nhiên, công tác vùng tạm chiếm cũng gặp không ít những khó khăn, tổn thất, tiêu biểu ngày 7/11/1948 địch đánh úp ta ở xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, cả đội vũ trang hy sinh, trong đó có đồng chí Phạm Đức Chu chủ tịch UBHCKH huyện. Ngày 11/11/1948, tên Hà Văn Duyệt, xã đội trưởng Đại Khánh, huyện Trấn Yên dẫn 5 du kích xã ra hàng giặc Pháp.
Cũng trong thời gian này, Ban tỉnh uỷ lâm thời và các ban huyện uỷ được kiện toàn, bổ xung nhiều cán bộ có đức có tài, có năng lực và dày dạn kinh nghiệm. Tháng 7/1948, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc Bí thư Tỉnh uỷ, được Liên Khu mười giao nhiệm vụ mới, đồng chí Vũ Tuân được cử làm bí thư tỉnh uỷ.
Để đưa cuộc kháng chiến tiến lên giành thêm những thắng lợi mới, từ ngày 10 tới ngày 15/1/1949, hội nghị đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ hai (tức Đại hội 1) đã họp tại Gò Cọ, làng Chiềng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên.
Gò Cọ, nằm ở trung tâm Làng Chiềng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên. Phía Đông giáp thôn Chung Mỹ, Tây giáp thôn Đồng Trò, Nam giáp thôn Đồng Chuối, Bắc giáp thôn Đồng Phương (xã Minh Quán). Theo nhiều nguồn tài liệu mà chúng tôi có được thì lúc đó thôn Đồng Chiềng (tức làng Chiềng) trước năm 1949 chỉ có khoảng 15 hộ, với trên 200 nhân khẩu, gồm có các hộ sau: hộ Ông Tổng Thông (tức Hoàng Bá Thông), Ông Hoàng Bá Sáng, Ông Nguyễn Văn Quán, Ông Lê Văn Đại, Bà Hoàng Thị Minh, Ông Hoàng Đình Thước, Bà Nguyễn Thị Tại, Ông Nguyễn Văn Thông, Ông Lê Văn Bình, Ông Nguyễn Văn Hạ, Ông Hoàng Bá Hợi, Ông Đào Văn Thư, Ông Hoàng Đình Giao, Ông Hoàng Đình Tiệp, Bà Hoàng Thị Ngải, Ông Hoàng Đình Luật, Ông Đỗ Ngọc Hảo.
Ngay từ trung tuần 12/1948, công tác chuẩn bị phục vụ Đại hội 1 Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã diễn ra tại Gò Cọ - làng Chiềng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên.
- Lực lượng bảo vệ do trung đoàn 115 liên khu mười, và lực lượng du kích xã Cường Thịnh.
- Cơ sở vật chất: phòng họp dùng nhà sàn của ông Bủ Tạ, đình làng Cường Thịnh dùng nơi đó tiếp đại biểu, làm thêm 4 nhà sàn, đào 1 giếng nước, làm thêm 1 phòng triển lãm, nhà điện, nhà để Rađiô, làm 3 cổng trào… Căn cứ vào những lời kể của các nhân chứng, các cụ cao tuổi am tường về sự kiện này cho hay nhà cụ Bủ Tạ là một ngôi nhà sàn 3 gian 2 trái, gồm 1 cửa chính và một cửa phụ, 4 cửa sổ. Ngôi nhà được kết cấu 5 hàng chân, 6 cột cái, 10 cột hiên và 10 cột phụ. Các cột đều đều được làm bằng gỗ vàng tâm, bào trơn. Kết cấu kiến trúc gồm 3 vì kèo chính, mỗi vì gồm 2 cột cái và 2 cột biên, được liên kết với nhau bởi quá giang. Sàn và vách nhà làm bằng vầu, tre, nứa, mái lợp cọ. Bố cục trên mặt bằng cụ thể như sau: Gian trái đầu hồi phía cầu thang là nơi tiếp khách, Gian giữa là của gia chủ, có một bếp nhỏ để đun nấu, Gian trong cùng là buồng cho phụ nữ, và cũng là nơi để lương thực, thực phẩm. Hiện nay ngôi nhà này đã bị tháo dỡ, chỉ còn dấu tích phần nền nhà có kích thước 20 x 20 m, cao nền 0,35 cm.
- Đại biểu: tỉnh uỷ : 10 đại biểu, huyện Trấn Yên 15 đại biểu, huyện Lục Yên: 14 đại biểu, huyện Văn Bàn: 3, Văn Chấn: 9, Than Uyên: 1, đại biểu liên chi một: 2, đại biểu liên chi hai: 2, đại biểu trung đoàn 115: 2 đại biểu. Đại biểu mời: trung đoàn 115: 4 đại biểu
Đúng 14 giờ ngày 10 tháng 1 năm 1949, khai mạc Hội nghị đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ II họp tại Làng Chiềng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (nay là thôn Chung Mỹ, xã Cường Thịnh ). Hội nghị đã tổng kết mọi mặt công tác, trọng tâm là tình hình công tác 6 tháng cuối năm 1948, vạch phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1949. Đồng thời hội nghị đã tiến hành bầu ra ban chấp hành chính thức.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, tình hình địch – ta. Đồng thời hội nghị đã khẳng định cán cân lực lượng đang phát triển theo hướng có lợi cho ta; địch có nhiều âm mưu nham hiểm, nhưng đang rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng. Hội nghị đã khẳng định những chủ trương, biện pháp đề ra tại hội nghị cán bộ tỉnh lần I, họp tại làng Hoà Quân, xã Minh Quân (tháng 7 năm 1948) là đúng đắn và nhấn mạnh thêm một số vấn đề quan trọng nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền và các tổ chức quần chúng bí mật trong vùng địch, tập trung xây dựng các đội du kích, đồng thời phát triển chiến tranh du kích ở các địa phương. Phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua ái quốc, chăm lo phát triển Đảng, đào tạo cán bộ cho vùng hậu địch, là người dân tộc.
Tại hội nghị đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 9 uỷ viên chính thức và 1 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Vũ Tuân được hội nghị bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Đối với công tác vùng hậu địch, tỉnh uỷ Yên Bái chủ trương củng cố và gây dựng cơ sở vùng hậu địch, phát động chiến tranh nhân dân tập trung, chuẩn bị mọi mặt phát động chiến tranh vũ trang với quy mô rộng lớn hơn. Đại hội đã chỉ rõ “Cơ sở quần chúng của ta từ ngày phải đối phó với địch công tác chiến tranh xây dựng bằng nhiều hình thức từ võ trang tuyên truyền cho đến việc tổ chức, đấu tranh vì hoà bình tiến lên đấu tranh võ trang. Điểm lại cơ sở của ta trong vùng hậu địch nhân dân ta phần lớn đều có tinh thần quyết tâm đấu tranh. Có nhiều nơi cán bộ của ta mới đi qua chưa có hoàn cảnh để tổ chức mà quần chúng đã biết tự động đấu tranh. Do ảnh hưởng của hoạt động cán bộ của ta nhưng cũng vì phần lớn là do bị địch khủng bố quá dã man làm cho nhân dân ta oán hờn căm ghét...”
(Văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ nhất 1/1949)
Đại hội đã chỉ rõ những khuyết điểm công tác gây cơ sở vùng hậu địch đó là :
- Thứ nhất đối với vùng tự do việc liên lạc chỉ huy không sát, cấp uỷ ở ngoài gần như khoán trắng cho cán bộ ở bên trong tự xoay sở.
- Thứ hai cán bộ còn kém kinh nghiệm công tác bí mật nhiều khi thất bại một cách đau đớn công tác mật giao.
- Thứ ba không tích cực và kịp thời nắm trong việc lấy vùng quan hệ hoạt động do thời cơ ngay từ lúc đầu ở Nghĩa Lộ ,Văn Chấn, Khánh Yên, Văn Bàn .
- Thứ tư tinh thần quần chúng lên cao mà thiếu cán bộ nằm vùng .
- Thứ năm công tác một chiều, chỉ chú trọng kháng chiến hoạt động quân sự hơn là gây cơ sở phát triển Đảng .
- Thứ sáu cán bộ kém tích cực rừng núi lâu lâu lại phải đối phó với địch gây khó khăn nên chán nản, muốn ra tỉnh hoặc về dưới xuôi.
- Thứ bẩy cán bộ quan niệm sai lầm gây cơ sở chỉ cốt lấy chỗ đi lại, ăn uống tiếp tế cho bộ đội nên có nơi phong trào rất tốt mà không phát triển được đảng viên .
- Thứ tám còn ít cán bộ hiểu biết tiếng địa phương, đây là một trở ngại rất lớn trong công tác.
Về công tác chính quyền của ta trong vùng địch chủ trương của ta là:
- Thứ nhất phải biến địa phương của địch thành địa phương của ta .
- Thứ hai mở rộng khu tự do nối liền các khu tự do thành một khu tự do rộng lớn. Để thực hiện những nhiệm vụ ấy, phương châm của ta phải thống nhất chỉ huy giữa quân đảng, phát đông chiến tranh nhân dân rộng rãi, tiêu diệt sinh lực địch.
Vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất và dân vận tỉnh uỷ Yên Bái chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc “đại đa số đồng bào miền núi các dân tộc đều có ý thức đoàn kết kháng chiến và tín nhiệm Hồ Chủ Tịch. Về đoàn kết tôn giáo không có việc gì xẩy ra giữa Lương và Giáo dân ...’’
Đại hội đã chỉ rõ mặt thiếu sót trong việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất đó là:
- Vẫn còn ở một vài nơi đồng bào và các con chiên lạc hậu hoặc ít cán bộ qua lại.
- Một số thổ hào chưa hiểu gì, chưa chịu tham gia vào các công việc xã hội hay chính trị
- Một vài nơi trong vùng hậu địch một số thổ hào còn lừng chừng do dự, còn một số chạy theo Pháp và chưa tin tưởng ta.
Về tình hình phát triển kinh tế đại hội đã nhận định “tình hình nông nghiệp trong tỉnh đã khá hơn, việc vận động cấy lúa được thực hiện khá, kết quả tốt đẹp hơn một nghìn mẫu chiêm làm thêm thu hoạch đã tăng gấp bội việc trồng mầu đã đạt những kết quả như riêng ở huyện Lục Yên số hạt rống bông trồng đã được tăng lên 10 ha. Chương trình Việt Bắc mới được thực hiện ít nhiều để hiểu rõ tình hình nông thôn chúng ta cần phải xúc tiến việc điều tra nông thôn và tình hình ruộng đất trong toàn tỉnh . Chương trình Việt Bắc cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữ các ngành và đoàn thể quần chúng có thể thu nhận được kết quả.’’
Tình hình tài chính thuế khoán “năm 1948 ở những vùng địch tạm chiếm sang năm nay việc thu thuế điền đã xong ở huyện Lục Yên và đang tiếp tục thực hiện ở các huyện khác. Việc góp quỹ tham gia kháng chiến hiện các xã mới lập danh sách một vài nơi đã bắt đầu thu nói chung dân chúng có ý thức trong việc góp quỹ, nhiều phụ nữ đòi đóng góp như nam giới giấy bạc đông dương hoàn toàn mất tín nhiệm trong vùng tự do tiền Việt Nam giữ một giá trị tuyệt đối trong buôn bán. Ở vùng địch kiểm soát một vài nơi đã có cơ sở của ta trong vùng hậu địch tiền Việt Nam cũng đã được lưu hành tuy nhiên tiền giấy bạc rách, nát, giấy xanh vẫn còn phổ biến ở những vùng nông thôn”.
Văn hoá xã hội – giáo dục: phong trào bình dân học vụ đạt được những thành tích tốt đẹp, đồng bào đã thoát nạn mù chữ nhiều thôn đã thanh toán nạn mù chữ, các lớp học mở ngày càng nhiều. Phong trào học tập của tỉnh lên cao.
Hội nghị đại hội đại biểu đảng bộ làn thứ hai đã làm trò nhiệm vụ của một đại hội, vì vậy được xác định là Đại hội lần thứ I của đảng bộ tỉnh Yên Bái. Sự kiện này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đảng bộ tỉnh trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Những chủ trương và biện pháp đúng đắn của đại hội có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc kháng chiến của quân dân Yên Bái tiếp tục dành những thắng lợi to lớn.
Địa điểm Gò Cọ-làng Chiềng do tính chất là một di tích ghi dấu ấn lịch sử cách mạng của địa phương. Vì vậy, trong hồ sơ này chúng tôi không thể nêu ra chi tiết như các di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, chỉ tập trung nêu ra một vài địa điểm chính gắn với diễn biến sự kiện này. Đó là :
1. Địa điểm Gò Cọ-làng Chiềng.
Cụ thể ở đây chúng tôi trọn địa điểm nhà ông Bủ Tạ, là hội trường chính . Nơi tổ chức phiên họp đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ nhất 10/01/1949. Căn cứ vào những lời kể của các nhân chứng, các cụ cao tuổi am tường về sự kiện này cho hay nhà cụ Bủ Tạ là một ngôi nhà sàn 3 gian 2 trái, gồm 1 cửa chính và một cửa phụ, 4 cửa sổ.
Ngôi nhà được kết cấu 5 hàng chân, 6 cột cái, 10 cột hiên và 10 cột phụ. Các cột đều đều được làm bằng gỗ vàng tâm, bào trơn. Kết cấu kiến trúc gồm 3 vì kèo chính, mỗi vì gồm 2 cột cái và 2 cột biên, được liên kết với nhau bởi quá giang. Sàn và vách nhà làm bằng vầu, tre, nứa, mái lợp cọ.
Bố cục trên mặt bằng cụ thể như sau:
- Gian trái đầu hồi phía cầu thang là nơi tiếp khách
- Gian giữa là của gia chủ, có một bếp nhỏ để đun nấu.
- Gian trong cùng là buồng cho phụ nữ, và cũng là nơi để lương thực, thực phẩm.
Hiện nay ngôi nhà này đã bị tháo rỡ, chỉ còn dấu tích phần nền nhà có kích thước 20 x 20 m, cao nền 0,35 cm.
2. Địa điểm Đình Cường Thịnh.
Địa điểm đình làng Cường Thịnh trong quãng thời gian từ năm 1945 đến năm 1949, tại đây đã gắn với nhiều sự kiện trọng đại của địa phương nói riêng, của tỉnh Yên Bái nói chung. Hiện nay, ngôi đình đã được tu sửa lại khá khang trang gồm 5 gian, được kết cấu theo lối chữ Nhất, gồm 4 gian Đại Bái và 1 gian Hậu Cung. Sân và nền được nát gạch bát tràng (gạch mộc).
Địa điểm Gò Cọ-làng Chiềng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh theo quyết định số 863/QĐ-UBND 21/6/2007.
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch