Điểm Du lịch

Di tích nghệ thuật đình Vĩnh Phong

Có dịp xuôi dòng kinh Trà Cú, đến vàm Rạch Cây Gáo du khách sẽ nhìn thấy một ngôi đình cổ nằm soi bóng bên dòng nước - đó là đình Vĩnh Phong, nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa, người đã có công khai cơ lập làng, lập chợ tạo nên sự phồn thịnh của Thị trấn Thủ Thừa ngày nay.

Khoảng cuối thế kỷ XVIII, ông Mai Tự Thừa đến làng Bình Lương Tây khai khẩn một dây đất 4 mẩu dọc theo kinh Trà Cú (kinh Thủ Thừa) và cất một ngôi quán nhỏ ở bờ kinh để buôn bán. Do quán của ông ở ngay giáp nước kinh Trà Cú nên ghe thương hồ tụ hội mua bán, trao đổi rất đông, dân cư tìm đến sinh sống ngày một nhiều. Vì thế ông Mai Tự Thừa đã đắp đường, làm bến ghe và lập một cái chợ bằng lá để có nơi mua bán, đó chính là chợ Thủ Thừa ngày nay.

Dần dần, dân số xung quanh khu vực chợ phát triển, ông Mai Tự Thừa liền làm đơn xin tách khỏi làng Bình Lương Tây, lập làng mới lấy tên là làng Bình Thạnh. Ông còn hiến một khoảnh đất để cất đình làng - đó chính là tiền thân của đình Vĩnh Phong ngày nay. Tương truyền, ông Mai Tự Thừa đã đóng góp nhiều công của trong việc nạo vét kinh Trà Cú vào năm 1829 và tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi rồi mất tích. Vì thế, tài sản của ông gồm cái chợ và ruộng đất bị triều đình sung công và phát mãi, vợ con ông cũng bị lưu đày. Làng Bình Thạnh do ông lập cũng bị đổi tên thành làng Vĩnh Phong, đình làng cũng bị dời đi nơi khác. Mãi sau này khi Thực dân Pháp chiếm Nam Bộ, Triều Nguyễn không còn thế lực ở phương Nam nên đồng  bào quanh chợ Thủ Thừa mới quyên tiền xây cất lại đình Vĩnh Phong năm 1886 và đưa bài vị ông Mai Tự Thừa vào thờ với 7 chử hán: ''Tiền hiền Mai Tự Thừa – Chủ thị''.
Qua nhiều lần trùng tu, gần nhất vào năm 1998, đình Vĩnh Phong vẫn còn giữ được phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Hiện tại đình Vĩnh Phong nằm trong khuôn viên 1132m2 với 3 lớp nhà: võ ca, võ quy, chánh điện trông ra kinh Thủ Thừa. Chánh điện đình Vĩnh Phong được xây dựng theo lối cổ với kết cấu cột tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, trên nóc có đôi rồng bằng sành trong tư thế lưỡng long tranh châu. Bên trong chánh điện được bài trí rất trang nghiêm với 2 lớp bao lam, 3 bàn thờ, Long Đình và Lỗ Bộ. Bao lam bên ngoài là tuyệt tác của cánh thợ Thủ Dầu Một có niên đại Mậu Ngọ (1918). Các nghệ nhân đã thể hiện trên bao lam này các đề tài truyền thống như Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), Tứ hữu (Mai, Lan, Cúc, Trúc), Bá điểu quy sào. Bên trên bao lam có những khung gỗ kết cấu theo kiểu ô hộc chạm long hình tượng Long Mã, Mai Lộc, Cuốn thư, Cá hóa Long, Dơi, hết sức tinh xảo. Trước bàn thờ chính là bộ bao lam cổ có niên đại Bính Tuất (1886). Vẫn là đề tài tứ hữu, nhưng các chi tiết trên bộ bao lam này được tạo dáng to khỏe mang phong cách cuối thế kỷ XIX. Nét đặc biệt ở bao lam này là nghệ thuật sơn son thếp vàng hết sức tinh xảo. Trải qua thời gian hơn 100 năm mà bộ bao lam này vẫn còn nguyên vẻ rực rở như buổi ban đầu. Chánh điện đình Vĩnh Phong hiện còn 2 bức hoành phi cổ cùng 8 cặp liễn đối có giá trị niên đại Bính Tuất (1886) và Bính Thìn (1916). Đa số các câu đối đều viết theo lối quán thủ (2 chữ đầu của 2 câu đối ghép lại thành tên Đình hoặc tên Thủ Thừa). Đặc biệt cặp liển ở bàn thờ ông Mai Tự Thừa:

''Tiền chấn anh linh ư bách thế
Hiền lưu danh dự tại thiên thu''

đã nêu bật được công lao to lớn của ông và tấm lòng tri ân sâu sắc của nhân dân Thủ Thừa đối với ông. Chính vì lẽ đó mà ngày nay hàng loạt địa danh ở Long An được đặt là Thủ Thừa như kinh Thủ Thừa (kinh Trà Cú), chợ Thủ Thừa, quận Thủ Thừa (có từ năm 1922). Trên mảnh đất ngày xưa ông Mai Tự Thừa đã quy dân, lập chợ, lập làng, vét kinh, đắp lộ, ngày nay là một thị trấn dân cư đông đúc, kinh tế thịnh vượng, đình Vĩnh Phong vẫn còn đó như nhắc nhở cho chúng ta về một thời đã qua. Đến với đình Vĩnh Phong, chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm trổ tài hoa của những nghệ nhân thời trước, hiểu thêm về những đóng góp lớn lao của ông Mai Tự Thừa trong quá trình khai phá đất đai của cha ông chúng ta. Với ý nghĩa ấy, đình Vĩnh Phong đã được Bộ VHTT ra quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia vào ngày 31/8/1998.

(Nguồn: longan.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *