Điểm Du lịch

Đình Châu Bộ

Đình Châu Bộ gắn liền với đền An Phụ, nơi tôn thờ An Sinh Vương Trần Liễu, nơi có tượng đài Trần Hưng Đạo đẹp vào loại bậc nhất ở nước ta.

Nằm ở phía Nam dãy núi An Phụ, di tích đình Châu Bộ xã Hiệp Hoà nằm trong quần thể di tích của huyện Kinh Môn, gắn liền với đền An Phụ, nơi tôn thờ An Sinh Vương Trần Liễu, nơi có tượng đài Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) đẹp vào loại bậc nhất ở nước ta. Xa  hơn có chùa Nhẫm Dương, ngôi chùa được kiến tạo từ thời Trần, nơi ghi dấu ấn của nhiều triều đại phong kiến; đình Huệ Trì nơi tôn thờ 2 nữ tướng của Hai Bà Trưng là Thiện Nhân và Thiện Khánh,…Tất cả tạo thành một trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, điểm dừng chân của nhiều du khách thập phương về chiêm bái.


Ngược dòng lịch sử, vào thời Hùng Vương, vùng đất Hiệp Hoà thuộc bộ Dương Tuyền, thời Hán thuộc quận Giao Chỉ, đến thời Lý - Trần, thuộc lộ Đông Hải. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) phân định bản đồ và lập phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Thời thuộc Pháp, Hiệp Hoà gồm 3 làng: Làng Đước (Đích Sơn), làng Than (An Bộ) và làng Châu (Châu Bộ) thuộc tổng Đích Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, đến tháng 4 năm 1946 thực hiện chủ trương hợp nhất của huyện 3 làng Đích Sơn, An Bộ, Châu Bộ hợp nhất thành xã Hiệp Hoà, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Xã có 19 dòng họ trong đó dòng họ Đinh được ghi nhận là "tiên công lập ấp". Trong quá trình hình thành và phát triển, các dòng họ chung sống đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.


Là mảnh đất hình thành khá sớm trong lịch sử, nhân dân Hiệp Hoà cùng với việc lập làng, khai khẩn đất đai đã xây dựng nên nhiều công trình kiến trúc phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng. Song, trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều công trình đã bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay các công trình còn lại là đình Đích Sơn (thôn Đích Sơn) và đình An Bộ (thôn An Bộ), đình Châu Bộ (thôn Châu Bộ). Những di tích đã bị tàn phá, nay được chính quyền và nhân dân địa phương từng bước khôi phục lại.


Đình Châu Bộ mặt tiền quay về hướng Tây Nam, cửa đình nhìn ra sông Phùng Khắc uốn khúc, quanh năm trong mát. Theo dòng lịch sử, đình Châu Bộ gắn bó tự nhiên với thôn từ khi hình thành và trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương. Di tích đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng là di tích Lịch sử văn hoá ngày 01 tháng 11 năm 2005 theo Quyết định số 4981/ QĐ - UBND.


Về niên đại ngôi đình đến nay vẫn chưa có tài liệu tin cậy để xác định, theo các cụ già cao tuổi cho biết đình xưa có kiến trúc chữ Nhị (=), gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Năm 1947 giặc Pháp càn qua làng, đã bơm xăng đốt phá làm cho 3 gian hậu cung bị cháy và hư hỏng nặng, chỉ còn lại 5 gian đại bái được giữ nguyên cho đến ngày nay.


Năm 2002, thể theo nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương đã cho khôi phục 3 gian  hậu cung đình trên nền cũ với quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng chung. Công trình kiến trúc hiện nay kiểu chữ  Nhị (=) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu gỗ tứ thiết còn khá chắc chắn, mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn.


Phần trang trí điêu khắc nghệ thuật của di tích được tập trung thể hiện  tại hệ thống bờ nóc và đặc biệt là 10 bức cốn gỗ tại gian giữa toà đại bái. Thông qua bàn tay tài hoa, khéo léo của các hiệp thợ ngoã, mộc phối hợp. Thợ ngoã đắp vẽ "lưỡng long chầu nguyệt". Thợ mộc chạm khắc cốn "ngự long huý thuỷ", "tùng trúc hoá long", "tứ linh", "tứ quý" mềm mại, sống động. Các "linh vật" trong nhiều tư thế khác nhau, song cùng chầu về gian thờ chính đã tạo nên một không gian thờ tự đặc biệt linh thiêng, thu hút lòng người.


Mặc dù trải qua nhiều biến động của tự nhiên - xã hội và được trùng tu, tôn tạo ở những giai đoạn sau này, song di tích đình Châu Bộ vẫn giữ  được vẻ đẹp của một ngôi đình cổ và là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thời Nguyễn trên mảnh đất xứ Đông.


Căn cứ vào bia Thần phả, lưu giữ tại di tích do Hàn Lâm viện Đông Các Đại học sĩ (thần) Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám bách thần tri điện hùng lĩnh thiếu khanh (thần) Nguyễn Hiền tuân theo bản chính phụng sao vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), Hoàng triều Tự Đức thứ 17 (1864) cho biết, đình Châu Bộ, xã Hiệp Hoà, huyện Kinh Môn là nơi tôn thờ ba vị Thành hoàng là Bà Phạm Thị Ngọc và hai con là Đặng Tuấn và Đặng Võ là những người đã có công giúp vua Trần dẹp giặc và là người mở trường dạy học cho các cư dân trang Châu Bộ cuối thế kỷ XIII.


Thần phả đình Châu Bộ có ghi: "... bấy giờ, thế truyền tại trấn Thanh Hoa, phủ Thiệu Thiên, huyện An Định, trang Đặng Xá có một danh gia lệnh tộc, họ Đặng, tên huý là Tùng, lấy vợ tại bản trang tên là Phạm Thị Ngọc, thuộc dòng dõi nhà nho, chuyên làm nghề dạy học. Ông bà ăn ở với nhau hoà thuận, thảo hiền cho đến khi bà Ngọc 40 tuổi mới sinh một lần được hai con trai, bèn đặt tên cho con ra trước là Đặng Võ, em là Đặng Tuấn. Năm đó chẳng may thân phụ bị bệnh qua đời (tức ngày  mồmg 3 tháng 7), để lại cho bà Ngọc 2 con trai còn thơ dại. Ngọc Nương nuôi dậy hai con học tập, đến khi hai con 15 tuổi, học tập tinh thông, văn chương quán triệt. Nhưng than ôi! Gia đình nghèo khó, không kế sinh nhai. Ba mẹ con liền hành trình đi nơi khác, qua bốn ngày đến trang Châu Bộ, huyện Hiệp Sơn, tỉnh Hải Dương. Mấy mẹ con thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, liền ở lại bản trang (tức trang Châu Bộ). Năm đó bỗng có giặc Nguyên đến xâm chiếm, vua nghe tin lập tức dẫn quân đến đánh. Qua địa giới trang Châu Bộ, huyện Hiệp Sơn, thấy ba mẹ con dung mạo đường hoàng, khác hẳn người thường, vua liền cho vời đến hỏi: "Nay quốc gia của Trẫm có giặc xâm chiếm, các người có tài giúp Trẫm đánh giặc cứu nước". Anh em Võ công và Tuấn công đều tâu: "Anh em chúng thần vẫn còn mẹ già không sự nghiệp, chỉ lấy việc mở trường dậy học làm đẹp lòng cha đã khuất". Vua lại bảo Nhị công "Nay quốc gia có sự, nhị công giúp nước dẹp yên được giặc tất sẽ được phong thêm tước vị". Nhị công thấy Vua nói vậy liền cùng thừa lệnh xin trợ giúp Thánh Giá (Vua) xuất binh dẹp giặc. Vâng mệnh chiếu nhà Vua, Nhị công cùng từ mẫu đã chiêu mộ được 7 người là những cư dân của trang Châu Bộ làm gia tướng cho mình, là các ông: Phạm Công Toàn, Đỗ Công Khánh, Đào Công Nhân, Đỗ Công Trứ, Nguyễn Công Đinh, Lê Công Bản và Vũ Công Đồng. Nhờ sắc đẹp của bà Phạm Thị Ngọc và tài thao lược của 2 con nên đã đánh nhiều trận thắng lớn, bắt được nhiều tù binh.


Nơi biên cương đã trở lại thanh bình, ngày khải hoàn, vua liền mở yến chúc mừng, khao thưởng quân sĩ và lập tức phong chức cho Thái bà là "Mẫu nghi thiên hạ, đoan mục Hoàng Thái Hậu".Đệ Nhất Công làm "Tả dực Đại Tướng quân" kiêm "Tham tán mưu sự uy linh Đại Vương". Đệ Nhị Công làm "Hữu dực Đại Tướng quân, quyền trưởng các giang đầu uy linh Đại Vương". Các gia thần đều được ban thưởng, phong làm "Thái Thú".


Thái bà cùng 2 con Đặng Võ và Đặng Tuấn sau khi nhận phong của vua ban cùng tâu xin được về trang Châu Bộ để mở tiệc mời làng. Được một tháng, Thái bà nhàn du cảnh chùa (tức chùa Tôn Linh - chùa Tông ngày nay) hôm đó, tự nhiên trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội, Thái bà tự nhiên hoá ngay tại chùa (tức ngày 10 tháng Giêng). Nhị công nghe tin thân mẫu mất, cùng đến bản chùa, vừa đến khu địa giới của bản chùa cũng tự nhiên hoá (tức ngày 12 tháng 3). Nhân dân ra xem đã thấy thổ trùng phong thành ngôi mộ lớn. Mọi người cho là lạ, (sau tục gọi là đống Mả Ông (tức đống Ông)) liền hành biểu tâu lên vua. Vua nghe tin liền lệnh cho sứ thần đến bản trang để hành lễ điếu tại gia đường trường học, hương hoả phụng thờ. Lại ban cho nhân dân tiền chung 300 quan để phụng thờ mãi mãi".


Hằng năm cứ vào độ xuân về, nhằm ngày 12 tháng Giêng nhân dân Châu Bộ lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống tưởng niệm ngày mất của Đặng Võ và Đặng Tuấn. Theo điển lệ, từ chiều ngày 12 tháng Giêng, đông đảo các tầng lớp nhân dân ra đình tổ chức rước long đình. Lực lượng tham gia rước gồm nam thanh, nữ tú khoẻ mạnh phải "chay tịnh" từ nhiều ngày trước. Lễ rước xuất phát từ đình, đi theo hướng Tây vào trong làng và đi xung quang làng về hướng Đông rồi quay lại đình.


Khi đoàn rước về tới đình làng, việc tế lễ diễn ra rất long trọng và do các cụ ông trực tiếp thực hiện, lễ hội kết thúc vào ngày 13 tháng Giêng. Tuy nhiên, lễ hội chính của đình Châu Bộ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia lại là lễ giã đám vào ngày 13 tháng Giêng, đó là tục chạy cờ để tiễn 7 vị gia tướng của 3 mẹ con là: Phạm Công Toàn, Đỗ Công Khánh, Đào Công Nhân, Đặng Công Trứ, Nguyễn Công Đinh, Lê Công Bản, Vũ Công Đồng. Trong làng cử ra 7 thanh niên mặc áo lậu, thắt  lưng bối hậu chạy về 7 điểm, đó là: về Đình; về cửa miếu Tông (cách đình khoảng 300m); về đống Bính (cách đình khoảng 500m); về đống Lỗ Vàng (cách đình khoảng 800m); Về Ao nhà Mát (cách đình khoảng 500m); về đống Thổ Công (cách đình khoảng 1km); về đống Bồ Đê (cách đình khoảng 1km). Điểm xuất phát từ nghè, ai chạy nhanh nhất đến đình thì cắm cờ trước, còn lại phải chạy tiếp về các đống trên để cắm cho được lá cờ của mình. Đây là một hoạt động tín ngưỡng mang dấu ấn tượng trưng, nhằm khắc hoạ lại hình ảnh mẹ con bà Phạm Thị Ngọc khi chiêu mộ quân sĩ, tuyển chọn gia thần, muốn thử tài thao lược, trí thông minh các gia tướng của mình. Sau đó là tục thả thuyền rồng, cũng mang nét tượng trưng cho phương tiện xuất phát từ nơi đây đến nơi biên ải của 2 ông và cũng nhờ vào những chiến thuyền này mà đưa 3 mẹ con bà Phạm Thị Ngọc trở lại với cư dân của trang Châu Bộ. Tục lệ này sau vẫn diễn ra. Đây là một trong nhưng lễ hội hết sức độc đáo, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân trong làng và các vùng lân cận tham gia, vì người ta cho rằng đó là lúc con người như được tiếp xúc với thần linh, tự hào về quá khứ của mình, cân bằng trong tâm linh, bản thân như được hoà nhập vào cái vô cùng cao cả của trời đất.


Trong cuộc sống thường nhật, người dân nơi đây từ lâu đã hình thành phong tục kiêng tên "huý", điều đó thể hiện sự biết ơn, lòng tôn kính đối với ba vị Thành hoàng làng.


Hiện nay di tích còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như: Hệ thống ngai thờ, bài vị (03), đại tự, câu đối, bát bửu, nhang án mang đậm dấu ấn nghệ thuật Nguyễn; 2 tấm bia thế kỷ XIX trong đó có một bia thần phả ghi lại hành trạng, công lao của các vị Thành hoàng. Tất cả đồ thờ tự được bài trí xắp xếp cân đối trang trọng trong ánh sáng của hương nến, đã tạo cho di tích một không gian thờ tự linh thiêng, huyền diệu.


Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh những người có công với nước, các thế hệ nhân dân thôn Châu Bộ, xã  Hiệp Hoà đã tự nguyện đóng góp nhiều công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo di tích. Di tích đình Châu Bộ không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương, mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: Báo Hải Dương

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *