Điểm Du lịch
Đình Làng Lũ Phong
Phía trước đình làng là dòng sông Gianh; Kế sát phía Đông là đường liên xã, nối quốc lộ 29 với bến phà Phú Trịch. Vị trí đình làng, hướng đình tuân thủ theo luật phong thủy và quan niệm của các bậc cao niên ngày trước. Đình Lũ Phong có tiền đình hậu đình. Tiền đình có 5 gian, 4 vài. Mái đình lợp ngói, tường xây bằng đá. Giữa các gian là 4 vài gỗ. Các gian và các vài được liên kết với nhau bằng những cột kèo, xuyên, trếng, đòn tay... Trên các cột, kèo, xuyên đều có chạm trổ. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình làng Lũ Phong đạt đến độ điêu luyện, tính mỹ thuật cao. Các nghệ nhân đã đầu tư rất nhiều công sức, tài trí trong việc xây dựng đình; chính từ những mảng chạm khắc gỗ tồn tại cho đến nay để giúp chúng ta phần nào hiểu hơn về cuộc sống, con người Lũ Phong xưa và nay. Những mảng chạm khắc gỗ tạo nên những nét chấm phá, làm hoàn chỉnh không gian bên trong của ngôi đình làng. Những đường lượn, những cụm vân mây, những hoa lá cách điệu, đặc biệt là mảng chạm khắc với vật trang trí là con rồng được bố trí rất hài hòa, con to con nhỏ đan xen nhau, thân rồng, đầu rồng được bố trí hợp lý tạo thành những mảng sáng, tối làm nổi bật ý nguyện, tâm hồn của cư dân làng Lũ Phong.
Đình Lũ Phong hiện nay mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn, tuy đã qua một số lần trùng tu sửa chữa.
Theo thần phả, đình Lũ Phong được xây dựng vào năm 1542, dưới thời Mạc Hiến Tông, niên hiệu Quảng Hòa, năm thứ 2.
Đình làng xây dựng chưa được bao lâu thì xẩy ra cuộc chiến giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, kéo dài hơn 2 thế kỷ lấy sông Gianh làm giới tuyến. Vì vậy, ngay từ đầu đình đã bị hủy hoại.
Năm 1861, ông Phạm Xuân Quế - người làng Lũ Phong làm quan đến chức Hình bộ tả thị lang, tán tướng quân vụ Nam Kỳ, khi Bình Thuận điều lương cho quân đội chống giặc Pháp xâm lược bị bệnh và qua đời. Để ghi nhớ công lao của ông, Vua Tự Đức ban sắc chỉ cho dân làng Lũ Phong rước linh vị Phạm Thượng Khanh từ Huế về thờ làm Thành hoàng của làng. Đồng thời, Vua ra chỉ dụ ban cho thêm đất và nhiều tiền bạc để mở rộng qui mô đình làng. Thợ giỏi được cắt cử từ Phú Xuân ra cùng với các nghệ nhân ở địa phương trực tiếp xây dựng, hoàn thiện đình làng Lũ Phong thành liệt hạng của triều đình. Đến bây giờ đình mới có tiền đình, hậu đình, văn miếu; võ miếu, có đền thờ thủy thần Đại linh giang (sông Gianh) ở cạnh võ miếu.
Đình thờ Thành hoàng làng Lũ Phong là ông Phạm Xuân Quế. Ngoài ra, đình còn là nơi thờ cúng, hội họp và tổ chức các sinh hoạt văn hóa của làng xã... Qua thời gian, đình làng Lũ Phong từng chứng kiến những sự kiện lịch sử qua các thời kỳ của quê hương, đất nước.
Tháng 10-1933, tại đình làng Lũ Phong, Chi bộ Lũ Phong được thành lập. Đây là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, ở huyện Quảng Trạch. Việc chi bộ Lũ Phong được thành lập không chỉ có ý nghĩa đối với phong trào cách mạng ở Lũ Phong mà còn có ảnh hưởng lớn, quan trọng đối với các vùng lân cận. Đây là hạt nhân, là nhân tố quan trọng để thành lập tiếp các tổ chức Đảng trong huyện và Đảng bộ huyện Quảng Trạch sau này.
Ngày 19-8-1945, Phủ ủy Quảng Trạch và Mặt trận Việt Minh Phủ đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn huyện tại đình làng Lũ Phong. Hội nghị đã bàn bạc việc thống nhất kế hoạch và quyết định thành lập ủy ban khởi nghĩa Phủ Quảng Trạch. Chính ủy ban này do đồng chí Trần Sớ làm Chủ tịch, sau cách mạng là tiền thân của chính quyền huyện nhà.
Tại đình làng Lũ Phong, ngày 22-8-1945 nhân dân các xã vùng Nam, Tây và vùng Trung của huyện đã tập hợp về đây để rạng sáng hôm sau kéo về huyện lỵ giành chính quyền thắng lợi.
Cách mạng thành công, nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ hơn 80 năm thực dân đô hộ và nghìn năm của chế độ phong kiến.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 -1954), lực lượng dân quân du kích làng Lũ Phong đã bám làng chiến đấu với giặc. Cây đa cao lớn ở đình làng là vọng gác, là nơi phát lệnh của du kích địa phương. Sang năm1949, Lũ Phong rào làng chiến đấu. Đình làng trở thành nơi huấn luyện quân sự, nơi trú quân của lực lượng vũ trang ở địa phương. Đình làng Lũ Phong trở thành một vị trí hiểm yếu án ngự tuyến đầu bờ Bắc sông Gianh không cho địch tiến hành các hoạt động quân sự lấn sâu lên phía thượng nguồn.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, làng Lũ Phong, đình làng Lũ Phong trở thành mục tiêu oanh tạc thường xuyên của máy bay Mỹ. Đình làng Lũ Phong bị bom đạn địch làm hư hỏng nặng.
Sau hòa bình, nhân dân làng Lũ Phong đã đóng góp công sức tu bổ, xây dựng lại đình làng. Đình Lũ Phong là một chứng tích lịch sử, nơi đây ghi đậm dấu ấn của lịch sử. Những truyền thống tốt đẹp của quê hương đã và đang được giữ gìn để xây dựng một làng quê văn minh, giàu đẹp.
Đến thăm đình làng Lũ Phong hôm nay du khách còn được chứng kiến nhiều lễ hội truyền thống của địa phương, như lễ hội Xuân, lễ giỗ Thành hoàng Phạm Xuân Quế... Đây là những hoạt động văn hóa hướng về tổ tiên của dân làng Lễ hội truyền thống ở Lũ Phong đã góp phần và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
(Nguồn: www.quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch