Điểm Du lịch

Đình Thượng Phúc

Thượng Phúc thời phong kiến là một làng quê nghèo, trước cách mạng tháng Tám 1945 thuộc xã Mỹ Lạc, tổng Cao Mại, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, ngày nay thuộc xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Đình Thượng Phúc là một ngôi đình quy mô lớn, kiến trúc theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ công, toà bái đường 5 gian, được xây theo kiểu hồi văn năm đấu, khung kiến trúc kiểu lòng thuyền tứ trụ, chất liệu toàn gỗ lim chạm trổ tinh xảo các đề tài Tứ Linh xen với Tứ Quý.

 

Toà trung đường 3 gian cuốn vòm mái lợp ngói, toà ống muống cuốn vòm, hệ thống cột dạng bổ trụ đắp gờ chỉ và hình các con dơi, toà hậu cung xây theo kiểu chồng diêm cổ các ba tầng cao hơn 10m, bờ nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, đao trang trí hình tượng song loan, cổ lâu đắp nổi phù điêu nội dung tứ linh và dây hoa lá cách điệu. Đình thờ các vị thành hoàng như Đông Hải đại vương, Nam Hải đại vương, Bạch Y tôn thần, theo truyền thuyết đều có công với đất nước.

 

Phong trào cách mạng của làng Thượng Phúc có từ rất sớm, năm 1936 do ảnh hưởng từ Lai Vi, Kênh Son (xã Quang Hưng) truyền sang, các đồng chí Trần Xuân Lựu, Lê Huy đã thành lập các tổ chức như hội truyền bá Quốc ngữ, hội Hiếu, Hội bóng đá, bóng chuyền… để giác ngộ cách mạng thanh niên. Đình Thượng Phúc là địa điểm liên lạc, hội họp bí mật và cất giấu tài liệu của Đảng, có thời hậu cung của đình trở thành nơi in ấn tài liệu cách mạng. Tháng 12/ 1941 hội nghị Đảng bộ tỉnh đã họp tại đình nhằm củng cố tổ chức cách mạng, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân.

 

Trong vòng 10 năm từ 1936 đến 1945 đình Thượng Phúc là cơ sở cách mạng đáng tin cậy của Đảng, phong trào cách mạng của làng được duy trì và Thượng Phúc là một trong những làng vinh dự được Nhà nước khen thưởng tặng Kỷ niệm chương và Bằng có công với nước.
Nguồn: Báo Thái Bình

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *