Điểm Du lịch
Giếng Vua
Một trong những di tích mang đậm dấu ấn truyền kỳ là di tích Giếng Vua.
Dù ở đảo Lớn (xã An Vĩnh và An Hải) người dân đã khai thác nước ngọt từ những mạch nước ngầm nhưng vẫn không tránh khỏi nhiễm mặn. Chỉ duy nhất Giếng Vua không bao giờ bị nhiễm mặn, luôn cung cấp một nguồn nước trong trẻo và dồi dào, như chiếc phao cứu sinh người dân Lý Sơn trong những ngày nắng hạn.
Cách Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải khoảng 200m, men theo con đường nhỏ, cạnh cánh đồng tỏi sẽ đến giếng nước độc đáo này. Chỉ cách mép nước biển vài mét, sâu khoảng 5m, Giếng Vua là nguồn nước ngọt độc nhất vô nhị trên hòn đảo bởi dù có bị gió bão, sóng biển tràn vào nhưng nguồn nước vẫn rất trong lành và không giếng nào ở đảo có vị ngọt như ở giếng này.
Người dân nơi đây tương truyền rằng: khi Nguyễn Ánh (sau này là Vua Gia Long) bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Đang mùa nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt bị cạn kiệt, ông cho quân sĩ đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc sinh mệnh như ngàn cân treo sợi tóc thì đêm đó ông nằm mộng thấy có người mách cho nơi đào giếng. Đúng như điềm báo, chỉ đào sâu chừng hơn một mét là đã thấy nước ngọt.
Chị Phạm Thị Thơm, cán bộ UBND Lý Sơn cho biết: những năm trước, cứ vào mùa nắng hạn, khi tất cả các giếng nước trên đảo hoặc bị cạn kiệt nguồn nước, hoặc bị nhiễm mặn, người dân huyện Lý Sơn chuẩn bị nhờ đất liền cứu trợ nước ngọt ra đảo thì Giếng Vua như chiếc phao cứu sinh. Nguồn nước dường như bất tận, hàng trăm gia đình ở đảo xếp hàng để lấy nước ngọt mà giếng vẫn không cạn.
Có lẽ vì sự đặc biệt của giếng mà sự tích về Giếng Vua đậm chất hoang đường nhưng vẫn được nhiều người tôn sùng và cho rằng nguồn nước còn mang lại sức khỏe cho người đi biển. Bởi vậy, nếu ra Lý Sơn mà chưa đến Giếng Vua, thưởng thức vị ngọt của nước thì chưa phải là đến Lý Sơn.
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà người dân có thể tự do, thoải mái lấy nước. Cũng từ đây phát sinh ra nghề phu nước. Nghề này hiện nay thu hút khá nhiều những lao động nhàn rỗi, chỉ với chiếc xe máy và mấy can nhựa là họ có thể vận chuyển nước ngọt đi khắp đảo và cho thu nhập cũng khá.
Điều đáng tiếc duy nhất khi tới thăm nơi đây là chứng kiến sự xuống cấp của một di tích mang đậm dấu ấn thần thoại. Nếu chỉ khai thác mà không có phương án gìn giữ như một nguồn nước để sử dụng hay một địa chỉ tham quan cho du khách, thì quả thật người dân nơi đây đang phung phí một “món quà” trời ban, món quà bù đắp những gian nan mà họ đang phải vật lộn trong cuộc mưu sinh hàng ngày.
Nguồn: QĐND
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch