Điểm Du lịch

Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long

Vân Long là miền đất huyền thoại, một vùng du lịch tuyệt đẹp, đồng thời là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Non nước Vân Long có diện tích trên 3.000 ha, nằm trên địa phận 7 xã thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Trong khu rừng Vân Long có 457 loài thực vật bậc cao. Đặc biệt có 8 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam: kiêng, lát hoa, Tuế lá rộng, Cốt Toái Bổi, Sắng, Bách Bộ, Mã Tiền hoa tán. Về động vật có 39 loài, có 12 loài động vật quý hiếm như: Voọc quần đùi trắng chiếm số lượng lớn nhất ở Việt Nam, gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ.... trong các đông vật bò sát có chín loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như: rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè....

Điều đáng chú ý là tại khu vực ngập nước Vân Long có loài cà cuống thuộc chân bơi, một loài côn trùng quý hiếm đã được đưa vào sách Đỏ.
Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, Vân Long còn là nơi có cảnh quan và di tích văn hoá.
Đứng trên mặt đê, du khách thấy mặt nước là một không gian rộng lớn. Nhìn xa các dẫy nuí sừng sững tạo thành một bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ. Một cảnh núi ẩn mây trời, mây che ấp núi. Nước ở đây mênh mông phẳng lặng, không có sóng to gió lớn, mang phong cảnh một miền quê yên ả của hương đồng gió nội hiền hoà.

Du khách hãy xuống thuyền đi thăm Non nước vân Long. Đây là núi Nghiên, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Mèo Cào. Kia là núi Cô Tiên, núi Voi Dựng, núi Cánh Cổng, núi Mồ Côi. Kế tiếp là một mỏm núi giống như mâm xôi là lộc trời ban tặng đầy đủ ấm no giữa thanh thiên bạch nhật. Mỗi trái núi là huyền thoại hấp dẫn.
Khu Vân Long có 32 hang động đẹp, nhiều hang động có giá trị phát triển du lịch như: hang Cá, hang Bóng, hang rùa, hang Chanh. Mỗi hang có một vẻ đẹp độc đáo riêng nhưng đẹp nhất vẫn là hang Cá dưới chân núi Hoàng Quyển. Trong hang có rất nhiều cá trê, cá rô, cá chuối to, tương truyền thời xưa có người bắt được một con cá chuối nặng 45kg, nên gọi là hang Cá. Hang dài 250m, cao 8m, rộng 10m. Hang cấu tạo nửa chìm nửa nổi. Trần hang là những vòm đá cao rủ xuống nhiều rải thạch nhũ lấp lánh, dáng hình lạ kỳ, giống như các con vật ở dưới nước và trên rừng. Khó có thể đẽo tạc được những dáng hình như thế.

Du khách sẽ ngồi thuyền đến thăm Kẽm Chăm, rồi đến đền Mẫu ở chân núi Mèo Cào (các vách núi dựng đứng có vết lồi lõm kéo dài từ trên xuống như mèo cào nên gọi là núi Mèo Cào), Đền thờ mẹ bốn tướng Hồng Nương.

Truyền thuyết kể rằng, thời Đông Hán đô hộ nước ta, có cô gái họ Mai, quen gọi là nàng Đại, năm 18 tuổi chưa lấy chồng thì cha mất, chưa đầy một năm sau mẹ cô cũng qua đời. Nàng Đại ngày ngày đi kiếm củi nuôi thân. Một hôm vào tiết trời mùa hạ, nàng qua núi Mèo Cào lấy củi. Khi ngồi nghỉ trên một phiến đá nàng ngủ thiếp đi, chợt nghe thấy tiếng hổ gầm, nàng bừng tỉnh, thấy một con hổ đen từ phương Bắc nhảy đến bên mình. Nàng kinh sợ, bất tỉnh, khi tỉnh dậy không thấy hổ đâu, chỉ thấy bốn bề sực nức hương thơm. Từ đó nàng có thai hơn một năm và sinh ra bốn người con gái vào ngày 15 tháng 10 năm Nhâm Ngọ. Nàng lấy làm quái dị, bèn đem bỏ bốn người con gái vào trong núi rồi nhắm mắt từ trần. Hắc hổ ôm thi thể nàng táng trên đỉnh núi, và nuôi nấng bốn con mình bằng nhuỵ hoa, nước quả. Bốn năm sau Hắc hổ đem bốn cô gái vào sân nhà ông cậu Đinh Công Binh cho nuôi và đặt tên là Hồng.

Bốn nàng Hồng đến tuổi trưởng thành, nhan sắc tuyệt trần, lại có sức khoẻ hơn người. Đến năm 34 tuổi, Tô Định sang làm thái thú Giao chỉ rất tàn ác. Bốn nàng Hồng đã chiêu mộ nghĩa quân chống giặc Hán và đã được phong làm tướng và xin về quê, dựng đền thờ mẹ ở chân núi Mèo cào.

Thời gian sau, bốn tướng Hồng Nương hoá trên đỉnh núi Ba Chon. Hiện nay ở núi Ba Chon có đền thờ Tứ vị Hồng Nương.

Non nước Vân Long chính là nơi du lịch sinh thái rất tốt, cũng sẽ là hiện trường nghiên cứu, học tập cho các nhà khoa học, các sinh viên, học sinh trong và ngoài nước muốn đến nghiên cứu và học tập về vùng đất ngập nước nội đồng của Việt Nam.
(Nguồn: Ninh Bình)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *