Điểm Du lịch
Khu chỉ huy sở Nhà máy Dệt Nam Định
Ngày 28-6-1965, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lam tới thành phố Nam Định. Thi hành chỉ trương của cấp trên, nhà máy liên hợp Dệt Nam Định sơ tán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để tiếp tục sản xuất, chỉ để lại một B đó là B2.Với một phần ba máy móc và 4.610 cán bộ nhân viên, B2 được gọi là nhà máy Dệt Nam Định ở lại chiến đấu và sản xuất tại Thành Nam. Đầu năm 1970, các cơ sở sơ tán ngoài tỉnh của nhà máy liên hiệp Dệt lại chuyển về thành phố.
Mặc dù giặc Mỹ ném bom, bắn tên lửa, rốc két tàn phá các cơ sở công nghiệp dệt, song cán bộ công nhân viên nhà máy Liên hợp dệt vẫn trụ vững trong phong trào “tay thoi, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “đội bom mà sản xuất”, “địch đánh ngày ta sản xuất đêm”, “địch đánh cả đêm ta sản xuất cả ba ca”…
Theo chủ trương của trên, nhà máy đã xây dựng hàng loạt hệ thống nhà hầm, giao thông hào, hố cá nhân để tránh bom đạn giặc, duy trì sản xuất và chủ động chiến đấu. Trụ sở chỉ huy của đảng ủy, ban giám đốc, công đoàn, đoàn thanh niên, ban quân sự của nhà máy cũng xây dựng nhà hầm, giao thông, hào, hồ cá nhân. Ngày 2-1-1965 chỉ huy sở được tiến hành xây dựng, tới cuối năm 1966 thì hoàn thành.
Khu chỉ huy sở của nhà máy Dệt Nam Định được xây dựng thành hai khu vực chính cách nhau 8 mét, gắn với tường thành cổ. Khu vực 1 gồm nhà làm việc của ban quân sự, hệ thống báo động phòng không, hầm trực chiến, nơi đặt tổng đài, máy truyền thanh. Từ đây có hệ thống đường dây thông tin truyền đi khắp nơi. Khu vực 2 gồm nhà làm việc của đảng ủy, ban giám đốc, công đoàn, hệ thống đường hào, hầm. Trên nắp đường hào, hầm có hệ thống chống bom đạn, trong đường hào, hầm có điện sáng để đi lại, làm việc.
Giặc Mỹ đã hai lần ném bom vào khu vực chỉ huy sở vào ngày 3-6-1967 và ngày 6-6-1967. Lần đầu chúng ném 8 quả bom loại 220 bảng Anh (gần 985kg). Lần thứ hai chúng phóng một tên lửa. Ban lãnh đạo nhà máy vẫn trụ ở nơi đây suốt những năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), đặc biệt là những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 1 năm 1973.
Khu chỉ huy sở nhà máy Dệt Nam Định thời kỳ chống Mỹ cứu nước là một di tích khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân Thành Nam, có giá trị lịch sử, giá trị giáo dục với muôn đời sau.
(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch