Điểm Du lịch

Khu du lịch Bạch Hạc - Bến Cát

Phường Bạch Hạc, phường Bến Gót nằm ở phía Nam thành phố Việt Trì, cửa ngõ nối liền giữa Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Ngã ba Hạc từ lâu đã nổi tiếng bởi vùng sông nước hữu tình, nơi tụ nhân, tụ thuỷ, tụ khí, buôn bán kinh doanh sầm uất. Trên mảnh đất này còn tồn tại nhiều di tích lịch sử văn hoá, gắn liền với vùng "địa linh, hào khí", bên cạnh đó là những sự tích từ thời vua Hùng dựng nước Văn Lang. Cho đến ngày nay, vùng ngã ba Hạc vẫn còn tồn tại nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như thể thao, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí....

Ngã ba Hạc hợp lưu bởi sông Thao, sông Đà, sông Lô, tạo nên dòng trong, dòng đục, nước sông rộng mênh mông như biển cả, xa xa tả có Tam Đảo, hữu có Ba Vì, hai bên bờ là các làng mạc, ruộng vườn tươi tốt, bến sông thuyền bè tấp nập vào ra.... tất cả những phong cảnh đó đã tạo cho ngã ba Hạc có cảnh trí vừa thơ mộng, vừa hữu tình. Bạch Hạc - Bến Gót ngày nay thuộc phủ Tam Đới xưa, còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, các truyền thuyết, chuyện kể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta như: “Hoa Long Thiền Tự” xưa ở bến sông Thông, cạnh chùa có một tảng đá ven sông, trên mặt còn hằn vết gót chân. Tương truyền, đây là nơi Lạc Long Quân lập đàn tế trời và đã được tiên ông từ trên trời xuống, ngồi trên tảng đá này, đặt tên, phân định anh em cho một trăm người con do Âu Cơ sinh ra, sau nơi đây buôn bán kinh doanh sầm uất, trên bến dưới thuyền mới có tên là Bến Gót, Đình Bạch Hạc còn có tên là đình thôn Việt Trì là nơi thờ các vua Hùng, Đền Lang Đài là nơi hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đấu võ, Miếu Hà Thần là nơi thờ thần Sông đã có công giúp vua Trần Minh Tông đánh Man Đà Giang dẹp yên bờ cõi, Đền Bạch Hạc là nơi thờ thổ lệnh có tên huý là Trần Lan và em là Thạch Khanh tên huý là Trần Bảo có phép thuật thần y, chữa được bách bệnh cho nhân dân, sau hoá thần ở Tam Thanh Quán bên bờ sông Bạch Hạc, được phong làm thần thiêng ở ngã ba sông Hạc..... Ngoài ra trên mảnh đất này còn tồn tại rất nhiều sự tích ly kỳ, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Hội bơi chải, Hội giã bánh dầy,... nói lên sự hình thành tên làng, tên xóm, tên sông, những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của của nhân dân ta gắn liền với nền văn minh sông Hồng và nền văn minh lúa nước.

Với diện tích 100 ha, khu Du lịch Bến Gót được chia thành 2 phần ở bờ Bắc và bờ Nam sông Lô, trong đó phần lãnh thổ phía Bắc (thuộc phường Bến Gót) là chủ yếu. Khu du lịch có đặc trưng điển hình của vùng trung du Bắc Bộ, với địa hình nhấp nhô, phần đất phía Bắc có vị thế như một bán đảo quay về hướng Đông Nam, tạo nên hình ảnh về bến nước, dòng sông. Đặc biệt là sự gắn kết hài hoà giữa đồi núi, cây cối, sông nước tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thích hợp để xây dựng khu du lịch nghỉ ngơi, thư giãn, vọng cảnh. Khu du lịch Bến Gót bao gồm những thành phần chủ yếu như: vui chơi giải trí, thể thao, nhà vườn, cắm trại, khách sạn, nhà nghỉ, câu cá, trại sáng tác, lầu bình thơ,... được tổ chức tạo thành trục chủ đạo đi từ cổng chính đến khu lầu tưởng niệm và vọng cảnh phía bờ sông, kết thúc là Lầu Bạch Hạc. Lầu Bạch Hạc được xây dựng theo hướng vươn cao vừa tượng trưng cho đàn tế trời vừa là nơi du khách có thể ngắm cảnh xa xa, dưới tầng lầu có bia tưởng niệm 100 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ, giúp cho du khách hiểu rõ hơn nguồn gốc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh Lầu Bạch Hạc được tái dựng tảng đá lưu vết chân và hình dáng tiên ông phân định ngôi thứ, mở đầu cho sự hưng thịnh, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Phần đất phía Nam chủ yếu dành cho các di tích lịch sử và thể thao nước truyền thống, một phần dành cho các nhà nghỉ nhỏ dưới dạng vườn nông thôn, vườn sinh thái,... Việc phân khu chức năng trên cơ sở địa hình của khu vực quy hoạch và các di tích lịch sử, truyền thuyết sẵn có của khu vực, tạo nên hệ thống không gian sinh động, gây ấn tượng mạnh mẽ, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch.

(Nguồn: www.phutho.gov.vn)

 

 


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *