Điểm Du lịch
Khu giao tế Quảng Bình
Sau hòa bình lập lại năm 1954, cùng với việc triển khai xây dựng lại tỉnh Quảng Bình, ủy ban Hành chính tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Giao tế Quảng Bình.
Ra đời từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn về mọi mặt, lại bỡ ngỡ trong lĩnh vực hoạt động mới. Giao tế Quảng Bình đã từng bước làm quen với công tác, đảm bảo việc nghỉ ngơi, ăn uống và điều kiện công tác cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc ở Quảng Bình.
Những tình cảm mà Giao tế Quảng Bình dành cho các đoàn khách xứng đáng được lịch sử ghi nhận. Ở vị trí tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nằm trên con đường giao thông Bắc - Nam. Vì vậy, khối lượng các đoàn khách qua lại Quảng Bình rất lớn. Hơn nữa trong những năm cùng với cả nước xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, Quảng Bình là tỉnh lập được nhiều thành tích xuất sắc, là quê hương của phong trào thi đua “hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi). Do đó, Quảng Bình luôn được sự thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của bầu bạn trên thế giới.
Giao tế Quảng Bình luôn theo sát hoạt động của ủy ban tỉnh. Nhiệm vụ đầu tiên mà Giao tế Quảng Bình hoàn thành là phục vụ phái đoàn Quốc tế giám sát Hiệp định Giơnevơ.
Đóng trụ sở tại thị xã Đồng Hới, thời kỳ trước chiến tranh phá hoại, Giao tế Quảng Bình làm nhiệm vụ đưa đón các đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, các đoàn đồng bào giới tuyến sơ tán tránh xa vùng chiến sự, các đoàn khách và các đoàn nước ngoài đến thăm và công tác ở tỉnh nhà.
Giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Thị xã Đồng Hới là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Hàng ngày, hàng giờ bom đạn không ngưng dội xuống thị xã bên bờ Nhật Lệ. Để bảo toàn lực lượng, tiếp tục công tác, các cơ quan đóng ở trung tâm thị xã phải chuyển về các vùng xa. Giao tế Quảng Bình từ thị xã Đồng Hới chuyển lên phía tây, đóng ở đồi Đức Ninh. Đến địa điểm mới chưa được bao lâu thì cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ngày càng mở rộng phạm vi và mức độ ác liệt Giao tế Quảng Bình lại tiếp tục sơ tán, cơ quan chia thành nhiều nhóm nhỏ, đóng tại nhiều địa điểm như Cộn, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Bố Trạch... Thời gian này để đảm bảo hoạt động, các nhóm công tác đã đi vào dân và cùng với dân lo việc đón khách. Chiến sự căng thẳng, giao tế Quảng Bình đã tổ chức làm hầm hố vững chắc để khách trú ẩn an toàn.
Trong điều kiện chiến tranh, lại sơ tán qua nhiều địa điểm, nhưng vượt lên khó khăn, tập thể cán bộ nhân viên Giao tế Quảng Bình vẫn làm tròn nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất. Các đoàn khách đến Quảng Bình đều khâm phục tinh thần phục vụ và những tình cảm mà Giao tế đã dành cho khách.
Sau chiến thắng Mậu Thân (1968) tình hình nội bộ nước Mỹ càng trở nên rối ren, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ngày càng lên cao. Ngày 31-9-1968, Mỹ buộc phải tuyên bố “ném bom hạn chế” miền Bắc. Thực tế, đây là sự điều chỉnh khu vực ném bom với một nhịp độ và cường độ lớn hơn gấp bội từ vĩ tuyến 20 trở vào. Quảng Bình là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất, từ tháng 4 đến tháng 8-1968 địch đã huy động trên 12.000 phi vụ ném bom Quảng Bình. Trong những ngày đó, giao tế Quảng Bình vẫn đảm bảo an toàn về tính mạng và hoàn thành công tác phục vụ khách.
Bước sang năm 1970, chiến sự có phần bớt căng thẳng ở Quảng Bình. Trên các chiến trường, quân và dân ta đã giành những thắng lợi lớn. Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình quyết định triển khai xây dựng khu Giao tế Quảng Bình tại đồi Đức Ninh.
Nhưng khi công việc xây dựng khu giao tế ở đồi Đức Ninh chưa hoàn thành thì giặc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ hai. Một lần nữa giao tế Quảng Bình lại sơ tán lên vùng Cộn.
Năm 1972, bằng trận thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng, quân và dân ta đã bắn rơi hàng chục máy bay địch.
Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, miền Bắc trở lại hòa bình, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ thị cho Quảng Bình gấp rút xây dựng lại khu giao tế Đức Ninh để kịp thời phục vụ nhiệm vụ mới.
Ra khỏi chiến tranh, Quảng Bình mang trên mình đầy những vết thương, cơ sở vật chất kỹ thuật bị tàn phá nghiêm trọng. Thị xã Đồng Hới bị bom địch san thành bình địa. Trong hoàn cảnh ấy, Quảng Bình vẫn dồn sức xây dựng khu Giao tế Đức Ninh. Đến đầu tháng 3 -1973, khu Giao tế Đức Ninh cơ bản được hoàn thành với khuôn viên rộng 3,8 ha.
Khuôn viên khu Giao tế Đức Ninh được chia thành 2 khu, khu A và khu B.
Khu A là khu nhà nghỉ dành cho khách trong nước.
Khu B là khu nhà nghỉ dành cho khách quốc tế.
Ngoài khu nhà nghỉ, còn có các nhà làm việc, hội trường (đã từng diễn ra lễ trình quốc thư của Đại sứ các nước cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tổ chức họp báo Quốc tế...) và một số công trình phụ trợ khác.
Khu Giao tế được xây dựng trong một thời gian ngắn nhưng vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu như điện, nước máy, vườn hoa, cây cảnh.
Tại đây, cán bộ khu Giao tế Đức Ninh đã phục vụ chu đáo các đoàn khách đến thăm và làm việc ở Quảng Bình. Tháng 3 -1973, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc đoàn kết Cămpuchia do Hoàng thân Nôrôđôm Xihanúc đến nghỉ tại khu giao tế Đức Ninh trên đường từ Hà Nội vào miền Nam để qua thăm vùng giải phóng Đông Bắc Cămpuchia - Đoàn nghỉ lại ở khu Giao tế Đức Ninh để chuẩn bị theo tuyến giao liên vào Nam. Cùng đi với Hoàng thân còn có bà Hoàng Mônníc và nhiều quan chức cấp cao khác. Trung ương chỉ thị cho Quảng Bình cần tổ chức đón tiếp đoàn thật chu đáo. Chấp hành chỉ thị, cán bộ Giao tế Đức Ninh gấp rút chuẩn bị điều kiện ăn, nghỉ tốt nhất cho đoàn. Trước lúc chia tay, Hoàng thân Nôrôđôm Xihanúc đã gửi tặng mỗi cán bộ giao tế một tấm vải hoa, đó là quà của nhân dân Cămpuchia tặng cho Hoàng thân, nay ông tặng lại cho cán bộ Giao tế Đức Ninh.
Tháng 7-1973, khu Giao tế Đức Ninh đón đoàn ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Cùng đi có các ông Nguyễn Hữu Thọ, Hòa thượng Thích Đôn Hậu... Đoàn ở Quảng Bình để đón tiếp và nhận trình Quốc thư của đoàn đại sứ các nước trên thế giới đến làm việc và đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Chính phủ (Rumani, anbani, Angiêri, Mông Cổ, Mali, Nam Tư, Ghinê, Cămpuchia...)
Đặc biệt, tháng 9 - 1973, khu Giao tế Đức Ninh vinh dự đón đoàn khách cao cấp của Đảng và Nhà nước Cu-Ba do đồng chí Phi Đen Caxtơrô dẫn đầu (về phía Việt Nam còn có đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ cùng đi). Đoàn đến thăm Quảng Bình, và từ Quảng Bình vào vùng đất mới giải phóng Quảng Trị. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một nguyên thủ quốc gia bầu bạn đến thăm Quảng Bình, đặc biệt còn thăm vùng mới giải phóng ở phía Nam sông Bến Hải. Chuyến thăm của đoàn là biểu hiện cao đẹp tình cảm anh em keo sơn gắn bó của nhân dân Cu Ba và Việt Nam. Chủ tịch Phi Đen dành nhiều tình cảm cho nhân dân Việt Nam anh hùng. Với Quảng Bình, Chủ tịch rất khâm phục tinh thần sản xuất và chiến đấu giỏi của nhân dân Quảng Bình. Trong lần đến thăm Việt Nam này, Chủ tịch phiđen đã quyết định dành cho Quảng Bình một món quà rất có ý nghĩa. Đó là xây dựng ở thị xã Đồng Hới một bệnh viện lớn, với trang thiết bị hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Quảng Bình.
Đầu năm 1974, đồng chí Trường Chinh vào làm việc và thăm Quảng Bình. Cán bộ Giao tế Đức Ninh được vinh dự chăm sóc nơi ăn, nơi nghỉ và điều kiện đi lại công tác cho đồng chí.
Từ 10-17/2/1974, khu Giao tế Đức Ninh đón đoàn đại biểu Đảng Cộng sản do đồng chí Pie Trôlgreo, ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Ý dẫn đầu.
Trung tuần tháng 6/1974, đồng chí Hà Thị Quế, Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đến thăm Quảng Bình, trong những ngày công tác ở Quảng Bình, đồng chí đã nghĩ lại khu giao tế Đức Ninh.
Ngày 10-12/10/1974, đón đoàn đại biểu của Tổ chức đoàn kết Á Phi đến thăm Quảng Bình.
Đoàn đại biểu của Tổ chức kinh tế Chính phủ Hunggari do Phó Thủ tướng Janes dẫn đầu vào thăm vùng giải phóng ở miền Nam, lúc vào cũng như lúc ra đều nghỉ và làm công tác chuẩn bị tại khu Giao tế Đức Ninh (17-30/10/1974).
Tháng 01/1975, khu Giao tế Đức Ninh đón đoàn cán bộ cao cấp của Chính phủ ta do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Quảng Bình làm việc.
Cũng trong tháng 01/1975, giới văn nghệ sỹ Liên Xô(cũ) do họa sĩ Stanistav dẫn đầu vào thăm Quảng Bình và nghỉ lại ở khu Giao tế Đức Ninh trong 3 ngày.
Ngày 01/5/1975, khu Giao tế đã tổ chức chiêu đãi thủy thủ của tàu Yangmin - sten Trung Quốc khi họ đang bốc dỡ hàng ở Cảng Nhật Lệ nhân nhân ngày Quốc tế lao động.
Ngày 17-21/4/5/1975, đón đoàn đại biểu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Cay Xỏn phong Vi Hản dẫn đầu đến Quảng Bình công tác.
Từ 1975 đến 1980, khu Giao tế là nơi đoàn chuyên gia Liên Xô (cũ) ở để xây dựng nhà máy điện điêden Đồng Hới...
Không thể kể hết và đầy đủ các đoàn khách đến Quảng Bình cũng như những tình cảm mà tập thể cán bộ nhân viên khu Giao tế Đức Ninh dành cho khách, khu Giao tế Đức Ninh vinh dự tự hào thay mặt nhân dân cả tỉnh đón, phục vụ các vị khách quý trong và ngoài nước đến với Quảng Bình.
Hình ảnh sinh động trong những năm tháng quảng bình chiến đấu, sản xuất và lao động mãi mãi khắc ghi trong lòng mỗi người dân Quảng Bình nói chung, của mỗi người dân Đức Ninh, của cán bộ nhân dân khu Giao tế Đức Ninh nói riêng. Hiện nay, khu Giao tế Quảng Bình về cơ bản vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn (các khu nhà nghỉ, nhà làm việc, hội trường...).
Đặc biệt, căn phòng Chủ tịch Phi đen từng nghỉ lại được bảo tồn nguyên vẹn từ nội thất, đồ dùng sinh hoạt cá nhân... Khu di tích ở phía Tây thị xã Đồng Hới, cạnh di tích trận địa pháo lão dân quân Đức Ninh. Với nhiều thuận lợi về giao thông, du khách sẽ dễ dàng đến với di tích để hiểu hơn về những tình cảm của nhân dân Quảng Bình dành cho đồng chí, bầu bạn bốn phương, cũng như những tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè Quốc tế đối với nhân dân Quảng Bình.
(Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch