Điểm Du lịch
Khu lưu niệm cố tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Lê Hồng Phong sinh ngày 06/9/1902 tại làng Thông Lãng, tổng Phù Lang (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), sinh trưởng trong một gia đình nông dân, cha là Lê Huy Quán (lúc nhỏ là Lê Huy Doãn), mẹ là Lê Thị San, cha mất khi anh mới đậu sơ học, yếu lược. Lê Hồng Phong có tư chất thông minh, học giỏi, cần cù, chịu khó và rất khéo tay, lên 10 tuổi theo học chữ Nho sau đó theo học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Sống trong cảnh o ép của chế độ thực dân phong kiến, năm 1923, Lê Hồng Phong đã sớm phải bỏ học ra Thị xã Vinh làm đủ các nghề như thư ký, đi buôn, cắt tóc, làm thợ để kiếm sống giúp đỡ gia đình. Chính trong thời gian này, đồng chí có điều kiện tiếp xúc với sách báo tiến bộ và cuộc sống sinh hoạt của anh em công nhân ở vùng Vinh - Bến Thuỷ. Trực tiếp thấy được chế độ áp bức, bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp, phong kiến và nỗi cực khổ cơ hàn của người dân mất nước nói chung và người lao động nói riêng. Từ thực tế cuộc sống, Đồng chí đã sớm giác ngộ đến với tư tưởng yêu nước và nhanh chóng hoà nhập vào phong trào đấu tranh công nhân Vinh - Bến Thuỷ.
Năm 1924, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng và một số thanh niên yêu nước của Hưng Nguyên lên đường xuất dương sang Thái Lan rồi Trung Quốc để hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước. Đồng chí được kết nạp vào tổ chức “Tâm tâm xã” rồi là thành viên của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về đường cách mạng và kết nạp vào Đảng Cộng sản. Từ năm 1926 - 1932 sau khi học ở trường quân sự Hoàng Phố, đồng chí được cử đi học ở trường Không quân Liên Xô (và trở thành sỹ quan phi công đầu tiên của Việt Nam), rồi học tiếp trường Đại học Phương Đông.
Năm 1935, đồng chí được cử làm trưởng đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản, cùng đi có đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – người đồng chí chiến đấu kiên trung và là người bạn đời của Lê Hồng Phong, sau đó cả Nguyễn Ái Quốc đã giúp đỡ nhiều về lý luận và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Tháng 7/1935 tại Đại hội Quốc tế cộng sản ở Matxcơva, Đồng chí thay mặt Đảng ta đọc bản tham luận “Báo cáo chung về cách mạng Đông Dương”, trong bản báo cáo Đồng chí nêu rõ sự bóc lột thậm tệ của Đế quốc Pháp và sự đấu tranh chống lại của thực dân Đông Dương là tổ chức duy nhất tập hợp mọ lực lượng đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Năm 1936 với danh nghĩa là đại diện của Quốc tế cộng sản, đồng chí trở về Trung Quốc triệu tập hội nghị Trung ương ở Thượng Hải vào tháng 6/1936. Xuất phát từ điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam và Thế giới, hội nghị chủ trương thành lập mặt trận Phản đế (sau đổi thành mặt trận dân chủ Đông Dương) để đoàn kết mọi lực lượng yêu nước và dân chủ, mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam và thế giới. Hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, cuối năm 1937 Đồng chí về Sài Gòn - Chợ Lớn hoạt động cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước được phục hồi và phát triển giữa lúc phong trào đang lên.
Năm 1938, Đồng chí bị bắt, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn, mua chuộc nhưng không làm lung lay được ý chí kiên trung của Lê Hồng Phong, cuối cùng chúng buộc phải kết án Đồng chí 10 tháng tù với tội mang căn cước giả. Hết hạn tù chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê hương nhưng đồng chí vẫn tìm mọi cách để hoạt động.
Ngày 29/91939, Đồng chí bị bắt lần 2 và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn, sau đó bị đày đi Côn Đảo. Biết đồng chí là cán bộ chủ chốt quan trọng của Đảng nên thực dân Pháp tìm cách để thuyết phục nhưng mọi hình thức vẫn không khuất phục được Đồng chí. Chúng đã giam đồng chí vào khu biệt gian chuồng Cọp và tra tấn cực kỳ giã man, Đồng chí đã hy sinh vào trưa ngày 06/9/1942 trong sự tiếc thương của nhân dân cả nước. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí cố lấy chút hơi thở còn lại nói to để anh em trong buồng giam bên cạnh nghe: “nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Lê Hồng Phong đã cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước. Đồng chí là tấm gương hy sinh cao cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tên tuổi của Đồng chí mãi mãi đước các thế hệ nhắc nhở, noi theo.
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong gắn bó với nhiều nơi ở trong nước và thế giới như: Thái Lan, Trung Quốc, Liên Xô,… Xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên là quê hương của đồng chí Lê Hồng Phong, Khu lưu niệm là nơi sinh ra và gắn bó với thời niên thiếu cùng với một số hoạt động hình thành tư tưởng yêu nước và tham gia cách mạng của Lê Hồng Phong.
Khu lưu niệm Lê Hồng Phong gồm 2 nhà: Nhà ông Lê Huy Quán (Thường gọi là Cửu Soạn) và nhà riêng của Lê Hồng Phong nằm trong một mảnh vườn rộng gần 4.000m2, xung quanh là hàng rào bao bọc. Trong vườn trồng các loại cây ăn quả như cam, chanh, na, ổi, dừa, cau và rau bốn mùa tươi tốt.
Nhà của ông Cửu Soạn gồm có nhà chính và nhà ngang cấu trúc theo kiểu tiền trụ (kiểu nhà phổ biến ở vùng quê này), mái lợp tranh săng. Tại đây Lê Hồng Phong đã cất tiếng khóc chào đời và sống những tháng năm tuổi thơ trong sự yêu thương, đùm bọc của bố mẹ, những người ruột thịt và bà con, bạn bè, làng xóm.
Đến năm 1922, khi Lê Hồng Phong đã trưởng thành, được bố mẹ cưới vợ là cô Trần Thị Dục, người làng Láng cùng xóm ông bà Cửu Soạn và cắt một phần đất ở góc vườn phía Đông nam trong vườn dựng cho đôi vợ chồng trẻ ngôi nhà tranh 3 gian 2 hồi để ra ở riêng.
Trong những năm tháng sống và làm việc ở Vinh, thỉnh thoảng đồng chí về thăm gia đình, quê hương… Ngôi nhà của đồng chí ở làng Đông thực sự trở thành nơi tụ hội anh em, bạn bè, là địa điểm hội họp của các đồng chí hoạt động cách mạng ở Vinh và Trung Kỳ lúc bấy giờ. Năm 1924, ngôi nhà trở nên gắn bó thân thiết khi Đồng chí và Phạm Hồng Thái rời quê hương hoạt động cách mạng. Đặc biệt trong những ngày tháng bị quản thúc sau khi ra tù, năm 1938 mặc dù bị bọn mật thám ngày đêm rình mò, theo dõi song Đồng chí vẫn tìm mọi cách để liên lạc với Đảng viên và quần chúng kiên trung để hoạt động cách mạng và vận động chống bọn hào lý trong vùng bằng các hình thức: nói chuyện, viết bài, đăng báo,… Ngôi nhà đã trở thành địa điểm gặp gỡ thường xuyên, thành cơ sở liên lạc, móc nối các hoạt động bí mật giữa Đồng chí với các tổ chức cách mạng ở Vinh – Hưng Nguyên.
Với những giá trị to lớn đó, năm 2002 bộ VHTT, Tỉnh uỷ, UBND, Sở VHTT và các ban ngành chức năng ở Nghệ An đã xây dựng thêm nhà tưởng niệm, sân, nhà bảo vệ, hệ thống công trình phụ,… Năm 2004, để kịp thời phục vụ năm Du lịch Quốc gia tại Nghệ An (2005), Bộ VHTT lại cấp vốn và được UBND tỉnh, Sở VHTT, Ban Quản lý DT-DT tỉnh Nghệ An triển khai sửa chữa, xây dựng thêm bãi đỗ xe, nhà tưởng niệm, sân vườn, hệ thống đền điện, hệ thống thoạt nước, cây xanh cây cảnh, khuôn viên di tích ngày càng khang trang hơn. Đặc biệt hiện nay đang triển khai thực hiện dự án mở rộng khuôn viên, nâng cấp, xây dựng quần thể Khu lưu niệm ngang tầm với ý nghĩa chính trị to lớn đó.
Với tầm cỡ và giá trị của Di tích, tôi tin rằng đây không chỉ là một khu di tích lưu niệm có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng mà còn là di tích phục vụ cho nhu cầu văn hoá du lịch huyện Hưng Nguyên nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung./.
Lễ hội tổ chức tại đây có quy mô từ Trung ương, Tỉnh, Huyện chủ trì tổ chức tùy thuộc vào năm chẵn, năm tròn hay năm lẻ; nét đặc trưng của lễ hội nơi đây mang yếu tố về tinh thần hướng về cội nguồn để tưởng nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, lễ Kỷ niệm thường được tổ chức vào dịp Ngày sinh (06/9) hàng năm. Thường chú trọng phần lễ là chính và chủ yếu các hình thức như: Tổ chức trang nghiêm lễ mít tinh ôn lại truyền thống lịch sử, thân thế sự nghiệp; dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, trồng cây lưu niệm và báo công. Về phần hội, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tôn vinh./.
(Nguồn: hungnguyen.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch